Trẻ nhập viện tăng kỷ lục

Thời tiết thay đổi khiến mưa kéo dài tại khu vực TP.HCM nói riêng và các tỉnh miền Nam nói chung đã tạo điều kiện cho các bệnh về hô hấp tăng nhanh.

Dù chưa phải là thời điểm đỉnh của các bệnh hô hấp như: viêm mũi họng, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản, viêm phổi… nhưng những ngày gần đây, số trẻ đến khám và điều trị tại các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM tăng đột biến.

Tại Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) ngày 26/10, rất đông phụ huynh xếp hàng chờ đến lượt khám bệnh cho con. Tại Khoa Hô hấp của bệnh viện, số trẻ nhập viện tăng kỷ lục so với từ đầu năm đến nay.

{keywords}

Phụ huynh phải chờ xếp hàng để chờ tới lượt thăm khám tại Khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1

Do phòng không đủ chỗ nên bệnh viện phải kê thêm giường ngoài hành lang. Tuy nhiên, nhiều trẻ phải chia giường để cùng nằm.

Bế con ra hành lang vì trong phòng quá ngột ngạt, chị Trần Thị Hồng Loan (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết, bé bị viêm tiểu phế quản đã nhập viện được 5 ngày. Do trẻ nhập viện quá nhiều nên không đủ chỗ để nằm. Con chị Loan được xếp nằm ghép chung với 2 bé khác.

“Bệnh viện đông quá, hành lang cũng chật kín mà con mình nằm chung với 2 bé khác chật chội nên tôi bế con ra ngoài này nằm cho thoáng. Tối nay, 2 mẹ con định trải chiếu nằm dưới đất. Trước đây, con tôi cũng nằm viện 1 lần vì bệnh hô hấp nhưng chưa bao giờ thấy đông như vậy.”, chị Loan lo lắng nói.

Không chỉ số trẻ nhập viện tăng kỷ lục mà lượng trẻ biến chứng trở nặng cũng nhiều. Hơn 3 tuần nằm viện, bé N.T.M. (9 tháng tuổi) là con của chị Lê Thị Mai Kim (ngụ quận Thủ Đức, TP.HCM) phải ra vào phòng cấp cứu liên tục vì viêm phổi. Chị Kim cho biết, con chị ban đầu chỉ bị ho nhiều, sau đó trở nặng khiến bé bị suy hô hấp phải nhập viện. Đến nay hơn 3 tuần, bé vẫn khò khè và tiếp tục được theo dõi.

“Chỉ trong buổi sáng, bé phải 5 lần vào phòng cấp cứu thở oxy vì đờm lên cổ khiến bé khó thở. Dù tôi đã cố gắng chăm sóc bé cẩn thận nhưng vẫn không tránh cho con khỏi mắc bệnh. Tôi chỉ mong con mau khỏe để được về nhà”, chị Kim bày tỏ.

Tiến sĩ, bác sĩ Trần Anh Tuấn, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi đồng 1, cho biết, so sánh với 1 tháng trước, số lượng bệnh nhân nằm viện tại khoa cao gần gấp ba so với trước đây. Không chỉ bệnh nhi đến khám về hô hấp tăng cao tại Khoa Khám bệnh mà ngay cả trẻ nhập viện điều trị tại Khoa Hô hấp gặp biến chứng phải thở oxy cũng chiếm tỷ lệ cao.

“Tổng cộng có thời điểm tại Khoa Hô hấp điều trị hơn 400 trẻ. Khoa phải kê thêm giường ngoài hành lang vẫn không đủ chỗ cho trẻ nằm bởi chỉ có 140 giường”, bác sĩ Tuấn chia sẻ.

{keywords}

Ngoài hành lang không còn lối đi do trẻ nhập viện quá đông

Theo bác sĩ Tuấn, sau thời gian giãn cách xã hội do Covid-19 số lượng trẻ nhập viện vì hô hấp mới tăng trở lại. Tuy nhiên, tính từ đầu năm đến nay đây là con số kỷ lục vì số trẻ nhập viện tăng đột biến. Bởi hiện thời tiết thất thường cộng thêm quy luật bệnh hô hấp lưu hành hàng năm nên thời điểm này bệnh tăng nhanh hơn.

Không chỉ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 mà tại Bệnh viện Nhi đồng 2 và Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (TP.HCM), số trẻ bị các bệnh hô hấp cũng tăng đột biến so với thời gian trước.

Trẻ càng nhỏ càng dễ mắc bệnh

Theo bác sĩ Tuấn, trẻ dưới 12 tháng tuổi nhập viện vì các bệnh hô hấp chiếm đa số. Đặc biệt là trẻ dưới 3 tháng tuổi, trẻ mắc các bệnh nền, bệnh mạn tính như tim bẩm sinh, suy dinh dưỡng dễ mắc bệnh và trở nặng.

Bác sĩ Tuấn cho hay, số trẻ nhập viện khám ngoại trú vì nhiễm trùng hô hấp và viêm đường hô hấp trên gồm viêm mũi, viêm họng… số trẻ này chiếm 70% và đa số đến từ TP.HCM. Riêng trẻ điều trị nội trú thường là những trẻ viêm đường hô hấp dưới như viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Đây là thủ phạm hàng đầu khiến trẻ trở nặng.

Song hành với các bệnh này là chứng viêm mũi dị ứng, viêm mũi xoang dị ứng, đặc biệt là hen suyễn. Bác sĩ Tuấn cho biết thời gian này là mùa bệnh nhân dễ lên cơn hen nhất trong năm.

Lý giải về nguyên nhân trẻ nhỏ dễ mắc bệnh, bác sĩ Tuấn cho biết, ở lứa tuổi nhỏ, sức đề kháng chưa hoàn chỉnh, cơ thể chưa sản xuất đủ kháng thể để chống mầm bệnh từ vi khuẩn, virus bên ngoài xâm nhập vào. Bên cạnh đó, hệ thống tự bảo vệ cơ thể cũng rất yếu như hàng rào niêm mạc, da niêm không không đủ sức chống sự tấn công của các loại mầm bệnh. Ngoài ra, khả năng thích nghi của cơ thể đối với thời tiết lúc nắng lúc mưa khiến sức đề kháng suy yếu.

{keywords}

Trẻ nhập viện tăng kỷ lục nên một giường phải nằm ghép 2-3 bé

Nói về phương án giảm thiểu tỷ lệ trẻ điều trị nội trú, bác sĩ Tuấn cho biết, mỗi ngày bệnh viện tiếp nhận hơn 8.000 trẻ đến khám. Vì vậy, để giảm thiểu trẻ nhập viện nội trú, từ nhiều năm nay, bệnh viện đã tổ chức sàng lọc ngay tại Khoa Khám bệnh nhằm chọn lựa những trẻ nào thật sự bệnh nặng phải nhập viện.

Phương pháp sàng lọc đã khống chế được 5% tỷ lệ nhập viện. Bên cạnh đó, bệnh viện tăng cường công tác điều trị ngoại trú. Nếu tình trạng bệnh nhi và điều kiện địa lý cho phép, không khó khăn khi tái khám thì cho trẻ điều trị ngoại trú. Sau đó, mỗi ngày trẻ đến khám, tiêm thuốc và về nhà điều trị.

“Vào thời điểm này, nhờ phương án sàng lọc, chúng tôi đã giảm đáng kể số lượng bệnh nhân nhập viện nội trú. Chẳng hạn hôm nay chúng tôi tiếp nhận hơn 120 cháu và qua khai thác thông tin số trẻ này có thể điều trị ngoại trú. Phương án này giúp trẻ tránh được lây nhiễm chéo mà vẫn điều trị tốt tại nhà”, bác sĩ Tuấn nói.

Riêng với những trường hợp bệnh nặng, các bác sĩ đã kết hợp với những đồng nghiệp tuyến dưới qua nhiều hình thức khác nhau như huấn luyện về cả lý thuyết và thực tế thông qua telemedicine.

Theo bác sĩ Tuấn, từ tháng 8 đến 11 hàng năm, các tỉnh phía Nam bước vào giai đoạn cao điểm của bệnh hô hấp. Đây là thời điểm thuận lợi để bệnh tăng nhanh. Vì vậy, để phòng ngừa cho trẻ, phụ huynh cần linh hoạt bảo vệ trẻ trước thay đổi tiêu cực của thời tiết như mặc đủ ấm cho trẻ khi trời trở lạnh. Sử dụng các thiết bị giải nhiệt như máy lạnh, quạt cần hợp lý không để luồng gió thổi thẳng vào người bé.

Đặc biệt, bác sĩ Tuấn nhấn mạnh, rửa tay rất quan trọng, không chỉ có tác dụng phòng Covid-19 mà còn giảm nguy cơ mắc viêm phổi, viêm tiểu phế quản. Vì vậy, người chăm sóc trẻ nên hướng dẫn trẻ rửa tay, đeo khẩu trang thường xuyên.

Ngoài ra, phụ huynh cần cho trẻ ăn theo chế độ dinh dưỡng, chủng ngừa đầy đủ theo Chương trình Tiêm chủng mở rộng. Trẻ thuộc nhóm nguy cơ chủng ngừa thêm vắc xin cúm, phế cầu. 

Liên Anh

Chần chừ đến viện vì dịch Covid-19, nhiều trẻ trở nặng vì sốt xuất huyết

Chần chừ đến viện vì dịch Covid-19, nhiều trẻ trở nặng vì sốt xuất huyết

Trong tháng 8, số trẻ đến khám chữa tại các bệnh viện nhi vì sốt xuất huyết tăng nhanh. Đặc biệt, nhiều trẻ bị sốc sốt xuất huyết trong tình trạng nặng.