Cuối tháng 12/2021, anh P.Đ. (30 tuổi, Hoàng Mai, Hà Nội) được xác định mắc Covid-19 sau khi tiếp xúc với đồng nghiệp là F0. Khoảng 3-4 ngày tiếp theo, vợ anh và con trai 2 tuổi cũng nhận kết quả dương tính.

Chị P.T.T. (26 tuổi), vợ anh Đ.chia sẻ, chị có triệu chứng ho, tức ngực, hụt hơi, đau đầu. Người chồng ho, rát họng và ngạt mũi; con trai sốt, ho, chảy nước mũi. Những triệu chứng này chỉ diễn ra một vài ngày đầu, sau đó hết hẳn. Giữa tháng 1/2022, cả gia đình đủ điều kiện khỏi bệnh, được kết thúc cách ly.

Tuy nhiên, đến nửa cuối tháng 2, chị T rất bất ngờ khi biết gia đình mình một lần nữa mắc Covid-19. “Ngày 12/2, nhà tôi có ăn cơm cùng 1 F0. Đến ngày 20/2 thì chồng tôi bắt đầu biểu hiện rát họng, test nhanh dương tính SARS-CoV-2. Hôm sau, tôi và con cũng dương tính. Biểu hiện lần này nhẹ hơn lần trước, chồng tôi chỉ rát họng, con trai sổ mũi, còn tôi xuất hiện mệt, mỏi cơ, hụt hơi”, chị nói.

Dù các triệu chứng có nhẹ hơn so với đợt đầu, nhưng chị T. cho biết vợ chồng chị rất lo lắng, không ngờ tới việc tái nhiễm Covid-19 chỉ sau chưa đầy 2 tháng.

{keywords}
Cả gia đình chị T. đang điều trị Covid-19 tại nhà - Ảnh: NVCC

Giống với chị T., chị P.V.A. (29 tuổi, quận 1, TP.HCM) cũng vừa bị tái nhiễm Covid-19. Chị V.A. kể, đợt mắc bệnh đầu tiên là khoảng tháng 8/2021.

”Lần ấy, tôi từ TP.HCM về quê ở Bình Định, đi cùng chuyến bay với 1 F0. Sau đó, tôi vào khu cách ly tập trung 14 ngày, đúng ngày thứ 14 thì xét nghiệm PCR dương tính, phải chuyển tới bệnh viện điều trị”, chị nói. Suốt quá trình nằm viện, người phụ nữ không có triệu chứng, qua hơn 10 ngày điều trị thì được công bố khỏi bệnh, xuất viện về nhà.

Ngày 18/2, sau 6 tháng khỏi bệnh, chị V.A. đột ngột xuất hiện đau họng, sốt nhiều ngày không dứt. Tới 21/2, chị xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2, giá trị CT là 18,15. “Đợt đầu, tôi không có triệu chứng nhưng tới đợt mới này thì bị ho, tức ngực mỗi lần ho và ngứa cổ. Tôi rất bất ngờ vì mới khỏi bệnh, tới nay đã mắc lại rồi”, chị nói.

Theo ThS.BS Phạm Văn Phúc, Phó trưởng Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, trong số các bệnh nhân bác sĩ từng điều trị, trường hợp có hiện tượng tái nhiễm sớm nhất là 3 tuần sau khỏi bệnh. "Các bệnh nhân tái nhiễm đa phần đều có triệu chứng nhẹ", bác sĩ cho hay.

Trao đổi với VietNamNet, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Nguyên Chủ tịch Hội truyền nhiễm Việt Nam cho biết, tình trạng tái nhiễm Covid-19 (tức đã mắc bệnh và khỏi, sau đó mắc lại) có thể xảy ra do một số nguyên nhân.

GS Kính phân tích, theo thời gian, kháng thể do SARS-CoV-2 tạo ra sau lần mắc đầu tiên sẽ bị giảm xuống. Điều này tương tự với việc tiêm vắc xin Covid-19. Sau tiêm vài ba tháng, kháng thể sẽ dần giảm. Đó là lý do ngành y tế khuyến cáo tiêm các mũi bổ sung.

Thứ hai, virus SARS-CoV-2 có nhiều chủng, ngoài các chủng cũ như chủng gốc, Alpha, Delta thì mới đây đã xuất hiện các chủng mới như Omicron. Bệnh nhân đã mắc chủng này có thể nhiễm thêm một chủng khác do giữa các chủng virus không có miễn dịch chéo cho nhau, miễn dịch tạo ra bởi chủng trước không “ngăn chặn nổi” chủng sau.

Như vậy, một người đã nhiễm Delta và khỏi bệnh thì sau đó vẫn có thể nhiễm Omicron. “Cũng giống như bệnh sốt xuất huyết có 4 chủng virus gây bệnh. Nếu ở vùng dịch tễ, bệnh nhân có thể mắc cả 4 chủng đó vì không có miễn dịch chéo”, GS Kính thông tin.

Theo GS, hiện nay, các nghiên cứu chưa thể khẳng định được cơ chế cơ thể sẽ phản ứng mạnh hơn hay yếu hơn ở lần nhiễm sau. “Ví dụ, dịch sốt xuất huyết qua nhiều năm nghiên cứu, người ta thấy rằng tái nhiễm chủng thứ hai nguy cơ dễ dẫn tới sốc sốt xuất huyết hơn. Nhưng Covid-19 rất mới, chưa nghiên cứu được đầy đủ nên chưa thể khẳng định người bệnh có diễn tiến nặng hơn khi tái nhiễm hay không”, GS Kính nói.

Ông cho biết thêm, riêng với chủng Omicron, theo dõi bước đầu trên thế giới ở một số nghiên cứu, người ta thấy Omicron xuất hiện ở những người đã nhiễm hoặc đã tiêm vắc xin sẽ nhẹ hơn nhóm còn lại. Tuy nhiên, vấn đề này vẫn đang được theo dõi, chưa có khẳng định chính thức.

GS.TS Kính khuyến cáo những người từng nhiễm Covid-19 và khỏi bệnh không nên chủ quan, vẫn cần tuân thủ tốt nguyên tắc 5K của Bộ Y tế: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế để tránh nguy cơ tái nhiễm.

Hướng dẫn điều trị F0 tại nhà của Sở Y tế Hà Nội

Quỳnh Anh

Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin mRNA theo sáng kiến của WHO

Việt Nam sẽ tiếp nhận công nghệ sản xuất vắc xin mRNA theo sáng kiến của WHO

Việt Nam cùng với Bangladesh, Indonesia, Pakistan, Serbia sẽ tiếp nhận công nghệ mRNA từ Trung tâm chuyển giao công nghệ mRNA của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO).