Gần đây trên một số diễn đàn xuất hiện thông tin cảnh báo F0 phải kiêng tắm gội với lý do tắm gội sẽ khiến bệnh dễ trở nặng.
Cụ thể, trên diễn đàn dành cho các F0, một thành viên có người nhà mắc Covid-19 chia sẻ, người nhà của chị nhiễm SARS-CoV-2 ở ngày thứ 7 với triệu chứng nhẹ (ho, nghẹt mũi). Mọi chuyện trở nên xấu đi khi F0 này đi tắm. Cụ thể, sau tắm, người này bị sốt lên 38,8 độ, SpO2 giảm 2 ngày liên tục, sau đó còn 90-92 có lúc xuống 88, 89. Bệnh nhân phải nhập viện, trong vòng 2 ngày chuyển nặng liên tục, phải thở oxy, có dấu hiệu "cơn bão cytokine". Thành viên này cũng khẳng định, nhiều người bệnh trong phòng điều trị cũng cho biết, đa số chuyển nặng sau 1 lần tắm.
Một ý kiến khác cũng khẳng định, chồng chị bị sốt 39-40 độ sau khi đi tắm và trở nặng hơn. Thành viên khác cũng đồng tình, sau khi tắm chị ho nhiều, SpO2 tụt xuống 86, phải thở oxy. “Bây giờ đã khỏi được 15 ngày nhưng phổi bị xẹp, kèm theo đủ các triệu chứng hậu Covid”, thành viên trên chia sẻ thêm.
Vì vậy, họ đều đưa ra lời khuyên là nếu mắc Covid, không nên tắm, chỉ lau người để tránh chuyển biến nặng. Những chia sẻ trên đã khiến không ít F0 lo lắng.
Tuy nhiên theo các chuyên gia, quan niệm F0 "không nên tắm gội", vệ sinh thân thể vì nhiều lý do như làm bệnh nặng hơn, nước lạnh làm cơ thể yếu hơn, trúng "phong hàn" (gió lạnh), cơ thể đang bệnh dễ cảm nhiễm ngoại tà... là chưa phù hợp.
Trao đổi với VietNamNet, BS Trương Hữu Khanh, nguyên trưởng khoa Nhiễm – Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), khẳng định: “F0 kiêng tắm là quan niệm sai lầm”.
BS Khanh nói: “Thời tiết miền Bắc đang lạnh, người bệnh có thể tắm bằng nước ấm, không tắm gội bằng nước lạnh, tránh tắm bồn trong thời gian đang bệnh (không ngâm toàn thân trong bồn tắm). Sau đó, chúng ta mặc đồ luôn trong phòng tắm, không để tình trạng ra khỏi phòng mới mặc đồ khiến cơ thể bị lạnh đột ngột”.
Bác sĩ khuyến cáo thêm, sau tắm gội nên lau khô thân thể và tóc bằng khăn bông, tránh dùng quạt hay đứng nơi có gió để phòng ngừa cảm nhiễm phong hàn.
“Nếu mình không tắm, cơ thể mất vệ sinh, ngứa ngáy gây ra tình trạng khó chịu, mất ngủ khiến bệnh nặng thêm”, BS Khanh khẳng định.
Tương tự, TS.BS Dương Văn Trung, Trưởng Khoa Ngoại Tiết niệu, Bệnh viện Bưu Điện- đang tư vấn cho nhiều F0 điều trị tại nhà, cũng phủ nhận quan điểm F0 phải kiêng tắm gội hoàn toàn.
Theo BS Trung, người bệnh nên tắm bằng nước ấm. Thời gian tắm gội không nên quá lâu, người bệnh nên tắm vào buổi sáng hoặc chiều sớm và tránh ban đêm, tránh tắm lúc đang sốt. “Vệ sinh sạch sẽ chính là cách tốt để phòng Covid”, TS.BS Dương Văn Trung nói.
Theo các bác sĩ, tắm gội giúp giải phóng các tế bào da chết (ghét), làm thông thoáng da, cải thiện bài tiết của tuyến mồ hôi, cải thiện lưu thông máu, giảm sưng đau khớp, cải thiện tinh thần, cải thiện giấc ngủ. Ở nhiều bệnh viện khoa ICU vẫn thường xuyên tắm khô và gội đầu cho người bệnh nằm lâu.
Đế tránh biến chứng, khi tắm cần tắm bằng nước ấm, tắm nhanh nơi kín gió, sau tắm lau khô người và mặc quần áo, sấy tóc khô.
Ngoài tắm, vệ sinh cơ thể, người bệnh cũng lưu ý vệ sinh trong ăn uống, phòng ở nhằm tạo không gian sạch sẽ, thông thoáng. Ăn uống đủ chất, giữ tinh thần thoải mái và tập thể dục đều đặn sẽ giúp bạn mau hồi phục, kiêng khem thái quá, tạo tâm lý lo lắng sẽ rước thêm bệnh.
Ngọc Trang
F0 nào có thể tắm gội?
Tùy vào mức độ nặng hay nhẹ, người bệnh Covid-19 có thể tắm hay không. Khi tắm, người bệnh cũng phải lưu ý tắm nhanh, tắm nước ấm và trong phòng kín.
Người mắc Covid-19 có nên uống nước dừa không?
Thời gian gần đây trên mạng có nhiều thông tin chia sẻ về việc người bệnh Covid-19 nên hoặc không nên uống nước dừa.
6 bước đo SpO2 chuẩn theo hướng dẫn của Sở Y tế Hà Nội
“Để có kết quả SpO2 chính xác, người đo không được sơn móng tay, sử dụng móng tay giả hoặc mỹ phẩm trên ngón tay được đo”, Sở Y tế Hà Nội đưa ra khuyến cáo.