Sáng Chủ nhật (5/4), 62 người khách rời khỏi khu resort ở thủ đô Port Villa. Nơi đây được những cây cọ bao quanh và có tầm nhìn ra một vùng nước bao la.

Nhưng thay cho những chiếc taxi chờ đón họ ra sân bay là gương mặt của người thân đang sốt ruột hóng đưa họ về nhà trên đảo.

Phần lớn trong số 62 vị khách trên là những người người Vanuatu vừa trải qua 14 ngày cách ly theo quy định của Bộ Y tế. Họ nhập cảnh vào Vanuatu ngay trước khi đất nước đóng toàn bộ biên giới để ngăn chặn dịch Covid-19.

{keywords}

Những khu rửa tay được bố trí ở bên ngoài các công ty, cửa hàng. Ảnh: Guardian

Nằm ở phía đông của Australia, Vanuatu trải rộng trên 80 đảo với 300.000 dân. Hiện còn một số quốc gia và vùng lãnh thổ ở Thái Bình Dương vẫn miễn nhiễm với Covid-19 như Palau, Tonga, Samoa và Vanuatu. Vị trí xa xôi đã giúp bảo vệ những mảnh đất này nhưng có thể chính yếu tố đó cùng thu nhập thấp, hạ tầng y tế yếu kém có thể khiến nguy cơ lây lan bệnh nhanh hơn khi virus xuất hiện.

Hai con của chị Ariitaimai Salmon’s là những người bị cách ly ở khách sạn sau khi tạm rời trường học ở Sydney (Australia) để bay về quê hương.

“Dù phải cách ly hai tuần nhưng đưa được hai con về nhà khiến tôi cảm thấy nhẹ nhõm. Các con đã thích nghi thực sự tốt. Chúng hạnh phúc khi trở về Vanuatu”, chị Salmon nói.

Người phụ nữ này là quản lý khách hàng và điều hành Au Bon Marche, chuỗi siêu thị lớn nhất của đất nước. Chị dành vài tuần qua để đảm bảo cho người dân quốc đảo có đủ lương thực dù đóng cửa biên giới. Au Bon Marche là một trong hiếm hoi các công ty tồn tại được dưới tác động của virus corona.

Ngành dịch vụ và du lịch chiếm tới 40% GDP của Vanuatu nhưng nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực này lo lắng không biết làm thế nào để vực dậy khi không có lượng khách thường lệ.

Những chiếc du thuyền đã ngừng hoạt động và hãng hàng không quốc gia Air Vanuatu đã hoãn mọi chuyến bay vô hạn định. Nhiều nhà hàng, khách sạn tự nguyện đóng cửa trong khi một số nơi cố gắng cầm cự theo quy định đóng cửa trước 19h30.

Dọc theo các con phố chính ở thủ đô Port Villa, những khu rửa tay được bố trí bên ngoài ngân hàng, quán ăn, tiệm bán đồ theo yêu cầu của chính quyền.

{keywords}

Quán bar chuyển sang bán nước mang đi đựng trong các chai nhựa. Ảnh: Guardian

Các quán bar ở đây cũng phải đối mặt với nhiều thay đổi do những lo ngại vệ sinh an toàn. Trước đây, mọi người thường múc đồ uống từ một chiếc bát dùng chung (kava). Họ cũng hay khạc nhổ để hết cảm giác đắng sau khi uống.

Hiện tại, các quán trên chỉ cung cấp đồ mang đi. Nhân viên phục vụ đi găng tay để đổ nước uống đầy các chai nhựa bán cho khách.

“Trước đây, tôi mở tới nửa đêm. Nhưng bây giờ, quán mở từ 16h30 và đóng lúc 19h30, bán đồ mang đi. Một số khách vẫn muốn ngồi uống tại chỗ nhưng tôi giải thích là không thể. Cảnh sát sẽ kiểm tra xem quán có tuân thủ không và khách hàng phải tôn trọng điều đó”, một người chủ chia sẻ. 

Các công ty khác cũng gặp tình trạng tương tự. Công ty xuất khẩu gỗ sang Trung Quốc của Christoph Tahumpir đã phải ngừng hoạt động. Lo lắng tỷ lệ thất nghiệp tăng cao nhưng ông cũng nhất trí rằng biên giới cần phải đóng.

“Nếu virus xâm nhập vào đây, những người lớn tuổi trong gia đình tôi có thể bị nhiễm và tôi không thể đi thăm họ. Sẽ rất buồn”, Tahumpir tâm sự.

Kalfau Moli, cựu nghị sĩ quốc hội, đã cố gắng đi từ quê nhà Malo lên thủ đô Port Villa trước khi việc lưu thông nội địa bị phong tỏa.

“Là một người cha và một công dân, tôi rất lo lắng. Chúng ta không có đủ hạ tầng để chống virus. Chúng ta thậm chí không có nước để rửa tay. Hãy nói cho tôi biết chỗ có thể lấy nước ở phía đông Malo? Hay ở Whitesand?”, ông Moli nói.

{keywords}

Chưa có người nhiễm Covid-19 nhưng Vanuatu vẫn lo sợ do cơ sở hạ tầng yếu. Ảnh: Guardian

Russel Tamata, người phát ngôn cho nhóm cố vấn dịch Covid-19 của chính phủ bảo vệ chính sách quyết liệt đang được thực thi.

“Chúng ta biết virus đang lan rộng và khi chúng ta nhìn vào văn hóa và cách sống của mình, virus đang có lợi thế hơn. Nếu nó xuất hiện sẽ là thảm họa. Bởi vậy, chúng ta phải rất chặt chẽ ở khu vực biên giới. Nếu xâm nhập vào Vanuatu, virus sẽ lan rất nhanh, chúng ta không có đủ nguồn lực và hạ tầng để chống chọi. Sai lầm nhỏ nhất cũng sẽ gây tác hại rất lớn”, Tamata khẳng định.

Chính phủ Trung Quốc cam kết cung cấp trang thiết bị, bao gồm cả máy thở, vào cuối tháng 4 để Vanuatu xây dựng Khu Chăm sóc Tích cực.

Hiện tại, bệnh viện chính của đất nước đã chuyển khu bệnh lao thành chỗ cách ly nhưng chỉ có sẵn 20 giường bệnh và 2 máy thở. Trong số 60 bác sĩ ở đây, phần lớn là những người mới tốt nghiệp. Họ thuê các y tá của một quốc gia láng giềng từ giữa năm 2019.

Vanuatu còn phải đối mặt với các thông tin sai lệch. “Có rất nhiều thuật ngữ khoa học không thể dịch sang tiếng của chúng tôi và dễ dàng gây hiểu lầm. Việc giúp mọi người hiểu đúng rất quan trọng lúc này bởi nỗi sợ hãi có thể cản trở chúng ta”, Tamata nói.

Khó khăn càng thêm chồng chất khi cơn bão Harold đổ bộ vào Vanuatu vào tuần này. Các đảo ở phía Bắc đã bị tàn phá nặng nề. Các quy định mùa dịch như cấm tụ tập trên 5 người không thể áp dụng. Người dân phải tới trú ẩn cùng nhau trong các khu tập trung.

Vanuatu đã quen với các thiên tai như lũ lụt và núi lửa. Nhưng tình trạng khẩn cấp kép dường như quá sức đối với đảo quốc nhạy cảm này.

Tuy nhiên, người phát ngôn Tamata vẫn lạc quan về cơ hội trụ vững trước cơn lũ Covid-19: “Chúng tôi xem nó như một thách thức nhưng cũng là điều may mắn. Chúng tôi đã cố gắng tuyên truyền về các thói quen vệ sinh cơ bản trong nhiều năm. Nhưng giờ đây, mọi người đã thấy được tầm quan trọng của nó”.

“Chúng tôi thấy được các lỗ hổng trong luật, nhất là giữa luật nhập cảnh và y tế cộng đồng… Khi Covid-19 vẫn còn ở Thái Bình Dương, nó sẽ mối lo với Vanuatu nhưng chúng tôi đã sẵn sàng”, ông khẳng định.

Ban Mai (Theo Guardian)