Hiện nay, hiệu quả của công nghệ mRNA đã rõ ràng vì các loại vắc xin Moderna, Pfizer- BioNTech làm giảm sức mạnh của virus SARS-CoV-2.
Nhưng vào đầu năm 2020, khi mầm bệnh Covid-19 bí ẩn và nguy hiểm lây lan ở Vũ Hán (Trung Quốc), mRNA không phải là một sự đặt cược an toàn để sản xuất vắc xin ngăn chặn dịch.
Vắc xin Pfizer và Moderna sử dụng công nghệ mRNA. Ảnh: Reuters
Ở bước khởi đầu, ngay cả quyết định xoay chuyển toàn bộ doanh nghiệp tập trung vào loại virus mới cũng có vẻ mạo hiểm. Nhưng các dấu hiệu từ Trung Quốc đã đủ rõ ràng để Giám đốc điều hành của Moderna, Stephane Bancel và Giám đốc BioNTech, Tiến sĩ Ugur Sahin, chuyển hướng.
Hai nhân vật chủ chốt trên vừa chia sẻ về cuộc chạy đua tìm vắc xin Covid-19 của mình trong một bộ phim tài liệu phát hành vào cuối tháng 8.
“Vào đêm Trung Quốc phong tỏa Vũ Hán, tôi nghĩ: Lần cuối cùng tôi biết một thành phố phải đóng cửa vì bệnh truyền nhiễm là khi nào? Người Trung Quốc biết gì mà chúng ta không biết?”, ông Bancel nhớ lại.
Bancel chợt tỉnh dậy lúc 4h sáng, mồ hôi đầm đìa và nhận ra: "Chúa ơi, sắp có đại dịch như năm 1918".
Tại Moderna, không bao giờ có băn khoăn về việc lựa chọn mRNA cho hướng đi trong tương lai. Đó là công nghệ dẫn tới sự ra đời của công ty vào năm 2010. Nhưng điều đó không có nghĩa không tồn tại những nghi ngờ.
Tiến sĩ Stephen Hoge, Chủ tịch của Moderna, nhớ lại: “Vào tháng 3, vẫn có những ý kiến cho rằng vắc xin là hy vọng sai lầm. Trong một khoảng thời gian, chúng tôi cảm thấy mình cần phải bảo vệ ngay cả ý định thử nghiệm”.
“Khi chúng tôi nghĩ về việc làm thế nào để bước vào Giai đoạn 1, chuẩn bị cho một đại dịch, nhiều người nhìn Moderna có một công nghệ sinh học chưa biết để làm gì”, Hamilton Bennett, Giám đốc cấp cao về hợp tác và tiếp cận vắc xin của Moderna, cho biết.
"Chỉ khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cảnh báo đây là một đại dịch toàn cầu, tôi nghĩ mọi người mới bắt đầu nhận ra rằng những gì chúng tôi đang làm không phải là chơi đùa. Chúng tôi đang phát triển một loại vắc xin ngăn chặn đại dịch".
Tiến sĩ Ugur Sahin và vợ, Tiến sĩ Ozlem Tureci, tham gia nghiên cứu công nghệ mRNA. Ảnh: DW
Trong khi đó, nhà khoa học Sahin - người đứng đầu BioNTech, đã đọc một bài báo trên tờ Lancet vào cuối tháng 1/2020 mô tả sự bùng phát dịch ở Trung Quốc.
“Tôi đã thực hiện một số phép tính và nhận ra rằng dịch đã lan rộng. Rõ ràng là đã quá muộn để ngăn chặn căn bệnh này”, Tiến sĩ Sahin nói.
Nhưng ông tin rằng BioNTech, khi đó chủ yếu tập trung vào các liệu pháp điều trị ung thư, có thể làm được điều gì đó. Công ty của ông đã liên hệ với Pfizer, đề xuất nghiên cứu vắc xin cho loại virus mới bằng cách sử dụng cùng một công nghệ, mRNA, mà họ đã hợp tác để tìm cách chống lại bệnh cúm.
“Chúng tôi đã có cuộc liên lạc đầu tiên vài ngày sau khi bắt đầu dự án. Vào thời điểm đó, Pfizer vẫn chưa quan tâm", Tiến sĩ Sahin nói.
Albert Bourla, Giám đốc điều hành của Pfizer, cho biết trong những tháng đầu năm 2020, ông tập trung vào việc duy trì hoạt động của công ty tại Trung Quốc. Nhưng đến cuối tháng 2, ông xác định Pfizer cần phải nghiên cứu một phương pháp điều trị và một loại vắc xin.
"Đâu là hướng đi lý tưởng nhất?", Bourla hỏi các nhân viên.
Kathrin Jansen, người đứng đầu ban nghiên cứu và phát triển vắc xin của Pfizer, cho biết họ đã đánh giá tất cả các công nghệ hiện có, bao gồm vắc xin dựa trên protein và sử dụng vector virus.
“Tất cả đều có quá ít ưu điểm và quá nhiều khuyết điểm”, bà nói.
Các công ty khác tham gia vào cuộc đua đã chọn cách tiếp cận khác: Johnson & Johnson và AstraZeneca, hợp tác với Đại học Oxford, tập trung vào vắc xin vector virus cũng tương đối mới. Các công ty khác, như Sanofi và Novavax dựa vào công nghệ protein.
mRNA là một sự mạo hiểm. Công nghệ này chưa bao giờ được sử dụng để sáng chế một loại vắc xin hoặc thuốc đã phê duyệt.
“Tôi đã đấu tranh một chút với quyết định này”, ông Bourla nói. Nhưng sau một cuộc họp nhóm, ông đã bị thuyết phục.
Đó là khi Tiến sĩ Sahin gọi lần thứ hai. Vào thời điểm này, dịch đã bùng phát ở New York (Mỹ). Ông mô tả công việc mà BioNTech đang tiến hành và hỏi liệu Pfizer có muốn hợp tác không.
Nhà khoa học Jansen nhớ lại: “Tôi đã nói: Chắc chắn rồi. Hãy bàn về việc này”.
>>> Thông tin về Vắc xin Covid-19 mới nhất
An Yên (Theo CNBC)
Sáng 29/8, Hà Nội thêm 33 ca Covid-19, ổ dịch Thanh Xuân Trung có 24 ca
Sáng 29/8, Hà Nội ghi nhận 33 ca mắc Covid-19, trong đó 2 ca tại cộng đồng, 31 ca được cách ly và trong khu vực phong tỏa.
12.103 ca Covid-19 trong ngày 28/8, thêm 12.375 người khỏi bệnh
Ngày 28/8, Bộ Y tế công bố 12.103 ca Covid-19 mới, nâng tổng số người mắc trong cả nước lên 422.469 trường hợp.
Lý do phải tiêm vắc xin Covid-19 hằng năm
Giám đốc điều hành Pfizer, Albert Bourla, dự đoán mọi người rất có thể sẽ cần tiêm nhắc lại vắc xin Covid-19 hằng năm.