Ngày 9/1, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương rà soát, sửa đổi hướng dẫn đánh giá cấp độ dịch cho phù hợp với tình hình mới.
Trước đó, từ sau khi Chính phủ ban hành quy định về thích ứng an toàn với Covid-19 và Bộ Y tế có hướng dẫn chuyên môn (hồi tháng 10/2021), các địa phương thực hiện đánh giá cấp độ nguy cơ dịch bệnh dựa trên ba tiêu chí: số ca nhiễm cộng đồng mỗi tuần; độ bao phủ vắc xin và năng lực y tế.
Tại Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác điều trị Covid-19 cuối tháng 11/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho rằng thay vì đánh giá cấp độ dịch theo 3 tiêu chí nêu trên, Bộ Y tế sẽ tập trung vào việc giảm tỷ lệ ca nhập viện, giảm bệnh nhân nặng, tử vong và lấy đó làm chỉ tiêu đánh giá cấp độ dịch.
Ngày 13/1, Thứ trưởng Sơn thông tin, Bộ Y tế đang xây dựng dự thảo và sẽ sớm ban hành bộ tiêu chí mới đánh giá cấp độ dịch. "Tiêu chí mới sẽ không còn đánh giá quá quan trọng về tỷ lệ ca nhiễm cộng đồng. Bởi hiện nay, việc điều trị ca nhiễm triệu chứng nhẹ và không triệu chứng tại nhà đã được áp dụng rộng rãi ở nhiều địa phương", Thứ trưởng nói.
Trao đổi với VietNamNet bên lề Đại hội đại biểu toàn quốc Hội truyền nhiễm Việt Nam khoá VI tổ chức ngày 14/1 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương, GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội truyền nhiễm Việt Nam đưa ra một số nhận định, đánh giá về vấn đề trên.
Theo ông, vì sao Bộ Y tế đưa ra điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, chú trọng số bệnh nhân nặng và số tử vong thay vì số nhiễm mới trước đây?
Đại dịch Covid-19 xảy ra đã 2 năm và diễn biến vô cùng phức tạp, khó lường, đặc biệt với sự xuất hiện của các biến chủng mới. Những biến chủng mới luôn liên quan tới 3 vấn đề.
Thứ nhất, tính lây nhiễm của chủng mới luôn cao hơn các chủng cũ (như tính lây nhiễm của chủng Omicron cao hơn chủng Delta tới 4,2 lần). Như vậy, 1 F0 có thể lây nhiễm cùng lúc cho rất nhiều người và chu kỳ lây nhiễm cũng ngắn hơn.
Thứ hai, theo quy luật tự nhiên, virus nào lây lan càng nhanh, mạnh thì độc lực càng yếu đi.
Thứ ba, mặc dù đã tiêm vắc xin nhưng chủng mới có thể không chịu tác động của vắc xin đó, nên có những người đã tiêm 2, 3 mũi vắc xin vẫn bị lây nhiễm chủng mới. Ý nghĩa lớn nhất của việc tiêm vắc xin Covid-19 là giúp giảm những ca diễn tiến nặng, trên cơ sở đó giảm tỷ lệ tử vong, thay vì ngăn chặn được đại dịch.
GS.TS Nguyễn Văn Kính, Chủ tịch danh dự Hội truyền nhiễm Việt Nam - Ảnh: Minh Thúy |
Trước đây, nhiều nước thực hiện chiến lược “Zero Covid -19”, cố gắng xét nghiệm sàng lọc để đưa tất cả người có kết quả dương tính SARS-CoV-2 đi cách ly, ngăn nguồn lây ra cộng đồng. Tuy nhiên đến nay, truy vết, cách ly “không chạy kịp” so với tốc độ lây nhiễm của virus.
Bên cạnh đó, những đánh giá ban đầu cho thấy, với chủng Omicron và Delta, những ca bệnh không có triệu chứng ngày một nhiều hơn. Nhóm F0 này trở thành nguồn lây cho cộng đồng và xã hội, nhưng về sức khỏe thì không đáng e ngại.
Vì vậy, các nước đã thay đổi chiến lược từ “Zero Covid-19” sang “sống chung với Covid-19”, tức vẫn có những người xung quanh mắc bệnh này, nhưng chúng ta phải sống an toàn với Covid-19. Việt Nam do đó cũng thực hiện chiến lược sống chung với Covid-19.
Nếu áp dụng Zero Covid-19, chúng ta phải phong tỏa diện rộng, tổ chức xét nghiệm trên số lượng người rất lớn để tách F0 ra khỏi cộng đồng. Với tình hình hiện nay trên thế giới, điều này là không thể. Các nước hiện chỉ coi F0 không triệu chứng là người lành mang trùng (người có nguy cơ lây bệnh cho người khác), không phải bệnh nhân.
F0 có triệu chứng lâm sàng nhẹ cũng không nhất thiết phải vào bệnh viện mà chỉ cần tự chăm sóc tại nhà, sau 3-5 ngày bệnh nhân sẽ khỏi.
Tuy nhiên, có một tỷ lệ nhất định những người có tuổi cao, bệnh nền như tiểu đường, tăng huyết áp, bệnh gan, thận mãn tính, phụ nữ có thai,… là trường hợp nguy cơ cao, có thể diễn biến nặng hơn. Chúng ta cần giám sát chặt chẽ diễn biến của nhóm này, tập trung điều trị tốt để cứu được nhiều người hơn thay vì đưa hết tất cả F0, cả nhóm không triệu chứng vào bệnh viện sẽ dẫn đến quá tải bệnh viện.
Bởi vậy, chúng ta cần điều chỉnh tiêu chí đánh giá cấp độ dịch, chú trọng số bệnh nhân nặng và số tử vong thay vì số nhiễm mới như trước đây.
Ông đánh giá tiêu chí đánh giá cấp độ dịch mới có giá trị, ý nghĩa như thế nào?
Điều chỉnh này có 2 ý nghĩa quan trọng, thứ nhất là giảm quá tải bệnh viện, thứ hai là giảm tỷ lệ tử vong. Việc F0 nhẹ và không triệu chứng được tự điều trị tại nhà sẽ giúp người dân đỡ tốn kém về mặt kinh tế, nhân viên y tế cũng được giảm bớt căng thẳng áp lực.
Bệnh viện có thể dồn trang thiết bị hiện đại như máy thở, ECMO cho các ca bệnh nặng, từ đó giảm tỷ lệ tử vong.
Điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại Bệnh viện điều trị Covid-19 (Hà Nội)- Ảnh: N.Liên |
Với sự xuất hiện của biến chủng mới Omicron, ông dự đoán như thế nào về tình hình dịch trong giai đoạn mới?
Hiện các chuyên gia, ngay cả WHO cũng chưa đưa ra bất cứ dự báo nào. Nhiều người cho rằng, sau khi chủng Omicron xuất hiện có thể sẽ xuất hiện chủng mới liên kết kép giữa Delta và Omicron.
Nhưng các chuyên gia tin tưởng với sự bao phủ vắc xin rộng rãi trên toàn cầu, rất nhiều nước đã tiêm mũi 3, thậm chí mũi 4, thì có thể hạn chế được các biến chủng sau này. Nếu chủng mới mang thể nhẹ, người dân cũng sẽ có miễn dịch tự nhiên để bảo vệ.
Hy vọng rằng, trong một thời gian không xa, đại dịch sẽ kết thúc. Về nguyên tắc, một đại dịch bùng lên rồi sẽ kết thúc, vấn đề là thời gian mà thôi.
Một bộ phận người bệnh sau khi mắc Covid-19 để lại những di chứng hậu Covid-19. Những di chứng này ảnh hưởng như thế nào đến cuộc sống sau này của bệnh nhân và làm thế nào để khắc phục những hội chứng này?
Thế giới vẫn đang theo dõi những người mắc Covid-19 và nhận thấy rằng có một số di chứng hậu Covid-19, đúng hơn là biến chứng. Nhiều người cảm thấy mệt mỏi, đôi lúc khó thở nhưng trong phổi không bị tổn thương. Như vậy, những di chứng này chủ yếu là hội chứng rối loạn về mặt tâm lý. Nhiều bệnh nhân tỏ ra sợ hãi với bệnh dịch, từ đó bị trầm cảm hoặc ảnh hưởng đến trí nhớ.
Những người mắc di chứng hậu Covid-19 nên được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc tâm lý, rối loạn tâm thần. Hiện nay, Bệnh viện tâm thần Trung ương I cũng đã lập thêm khoa chống rối loạn tâm lý Covid-19 để tư vấn và điều trị cho bệnh nhân.
Ngày 14/1, Hội Truyền nhiễm Việt Nam tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc khoá VI, nhiệm kỳ 2022-2027. Phát biểu tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã có 40 năm trưởng thành, phát triển. Hội có sự tham gia của các nhà khoa học hàng đầu để tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ cho người dân. Thứ trưởng đánh giá, trong nhiệm kỳ 2016-2021, Hội đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trong việc đào tạo liên tục cho hội viên, hoàn thành tốt công tác phòng, chống dịch, hợp tác quốc tế, quy tụ được các giáo sư, chuyên gia hàng đầu về bệnh truyền nhiễm. Đặc biệt, trước sự xuất hiện của biến chủng mới của SARS-CoV-2, Hội Truyền nhiễm Việt Nam đã tham gia hoạt động phòng, chống dịch, phối hợp với Bộ Y tế để đưa ra các biện pháp chống dịch triệt để. Tại Đại hội, các đại biểu đã bầu TS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Phó chủ tịch thường trực khóa V giữ chức Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam khóa VI, nhiệm kỳ 2022 - 2027. GS.TS Nguyễn Văn Kính được bầu làm Chủ tịch danh dự Hội Truyền nhiễm Việt Nam khóa VI.
|
Nguyễn Liên
Đặc điểm cơn đau đầu do biến thể Omicron gây ra
Dữ liệu từ Vương quốc Anh liệt kê đau đầu là một trong những triệu chứng phổ biến nhất của Omicron, cùng với sổ mũi và mệt mỏi.