Trung bình mỗi ngày Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai tiếp nhận 30-45 bệnh nhân đột quỵ từ khắp nơi chuyển đến, trong đó hầu hết là ca bệnh nặng vì nhiều sai lầm đáng tiếc.
Bệnh nhân nam, 46 tuổi có tiền sử đái tháo đường, tăng huyết áp. Bệnh nhân đã được đi khám, bác sĩ điều trị đã chỉ định phác đồ chuẩn, kê thuốc và yêu cầu phải ăn nhạt, hạn chế muối, đồng thời hạn chế tinh bột, đồ ngọt để kiểm soát đường huyết và huyết áp.
Tuy nhiên người vợ thương chồng bị đói nên lén cho chồng ăn nhiều cơm hơn, ăn thêm khoai lang hoặc bát phở to nhiều bánh.
Hậu quả, anh chồng phải cấp cứu vì đột quỵ nhồi máu não. Bệnh nhân đã được điều trị tích cực song đến nay vẫn liệt một bên chân không hồi phục dù tập phục hồi chức năng rất tích cực.
Trên thực tế, người bị đái tháo đường có nguy cơ đột quỵ cao hơn từ 2 - 4 lần so với người bình thường. Tăng đường huyết sau ăn chính là yếu tố khiến tình trạng xơ vữa động mạch phát triển. Khi khối xơ vữa phát triển nhanh sẽ gây ra nghẽn hoặc tắc nghẽn mạch máu và gây ra đột quỵ.
Bệnh nhân đột quỵ điều trị tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai
Trường hợp đáng tiếc khác là bệnh nhân nam 60 tuổi ở Thái Bình, được chuyển đến Trung tâm Đột quỵ, Bện viện Bạch Mai giữa đêm vì tê yếu nửa người trái.
Bác sĩ trực nhanh chóng xử trí cho bệnh nhân với hy vọng có thể điều trị tái thông tưới máu để cứu não. Khi khai thác bệnh sử, ông cho biết bị từ trưa qua, khi nhập viện đã qua giờ thứ 26, trễ gần 1 ngày.
Bác sĩ hỏi, “Tại sao giờ này bác mới đến viện ạ?” Bệnh nhân hồn nhiên trả lời: “Bác sĩ không biết khi bị đột quỵ thì phải nằm bất động để não được nghỉ ngơi à. Nhưng tôi càng nằm nghỉ thì một bên tay yếu mãi không cải thiện, nên tôi bảo con đưa đi viện”.
Ngay tại Hà Nội, nữ bệnh nhân 60 tuổi vốn là tổ trưởng tổ thơ ở khu phố văn minh. Một sáng bà dậy sớm chuẩn bị ra công viên tập thể dục, đột nhiên thấy hơi yếu nhẹ tay và tê bì nửa người phải, kèm méo miệng nhẹ.
Bà nghĩ chắc do trúng gió nhẹ nên tự đi vào giường nghỉ. Cô con gái của bà khi biết chuyện, nhanh nhẹn gọn bác sĩ châm cứu đến tập và điều trị cho bà. Tuy nhiên 1 ngày sau, tình trạng vẫn không cải thiện.
Gia đình họp bàn quyết định đưa bà đến Trung tâm Đột quỵ Bạch Mai sau 1 ngày tự điều trị ở nhà.
PGS.TS Mai Duy Tôn, Giám đốc Trung tâm Đột quỵ cho biết, hiện nay truyền thông về đột quỵ khá nhiều nhưng người dân vẫn chưa nắm được các dấu hiệu nhận biết điển hình, còn nhiều thông tin truyền miệng về cách sơ cứu, chữa đột quỵ khiến nhiều người tin theo, làm mất đi nhiều cơ hội được can thiệp cũng như khả năng hồi phục sau này.
Với đột quỵ, thời gian là não, phải chạy đua thời gian để đưa bệnh nhân đến các bệnh viện gần nhất ngay khi có các triệu chứng nghi ngờ như đột ngột méo miệng một bên, nói ngọng, yếu tê bì tay chân một bên, mất thịt lực một bên…
PGS Tôn nhấn mạnh, cơ hội để dùng thuốc tiêu sợi huyết chỉ 4,5 giờ từ khi khởi phát, cơ hội can thiệp lấy huyết khối là 6 giờ đầu, trừ một số trường hợp đặc biệt có thể lên tới 24 giờ.
Tế bào não sẽ chết chỉ trong vài phút nếu không được cấp máu hoặc oxy. Đối với đột quỵ thiếu máu não, khi mạch máu lớn trong não bị tắc, cứ mỗi giây trôi qua có 32.000 tế bào não chết và cứ mỗi phút trôi qua sẽ có 1,9 triệu tế bào não “ra đi” và mỗi giờ trôi qua, số tế bào não chết tương ứng mất đi 3,6 năm tuổi thọ của người bình thường.
Vì vậy, bệnh nhân đột quỵ càng đến viện sớm, tỉ lệ điều trị thành công càng cao.
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 230.000 ca mắc mới đột quỵ, trong đó gần 50% số ca đột quỵ diễn biến xấu đi và tử vong, 90% để lại di chứng do hầu hết bệnh nhân đột quỵ đều đến viện khi đã qua khung giờ vàng.
Thúy Hạnh
Cậy tửu lượng vô đối, phó giám đốc tương lai bị đột quỵ
Thể hình vạm vỡ, anh Nam luôn tự tin vào tửu lượng vô đối trong các cuộc nhậu nhẹt. Một sáng thức dậy, anh bất ngờ bị đột quỵ.