Tháng 10/2003, Lê Thu Cúc – Lê Thúy An khi ấy 1 tuổi, bước vào ca mổ tách kéo dài gần 10 tiếng đồng hồ tại Bệnh viện Nhi Trung ương. Các bác sĩ cho biết, khả năng cứu sống thành công cả hai bé là 50%.

Tháng 10/2020, cặp song sinh đã 18 tuổi, khỏe mạnh, ra dáng thiếu nữ. Cúc vừa trở thành tân sinh viên ngành Kế toán, Đại học Thủy lợi, còn An chọn theo học ngành Marketing, Đại học Thương mại.

Ngày hôm nay, các em ra Hà Nội làm thủ tục nhập học, cũng vừa hay tròn 17 năm kể từ ca mổ tách lịch sử. Cúc và An chia sẻ, các em sẽ cố gắng học tập thật tốt để ra trường có công việc ổn định, sớm phụ giúp bố mẹ. “Vì từ khi chúng em sinh ra, bố mẹ đã quá vất vả rồi”, An nói.

{keywords}
Em Lê Thu Cúc (phải) và em Lê Thúy An (trái)

Năm ấy, vào rạng sáng ngày 6/12/2002, bà Trịnh Thị Bình (sinh năm 1973, Hà Trung, Thanh Hóa) chuyển dạ non tháng, được bác sĩ yêu cầu sinh mổ. Đúng 5h, hai bé gái sinh đôi Cúc – An cất tiếng khóc chào đời tại Bệnh viện Phụ sản tỉnh Thanh Hóa.

Đứng ngoài cửa phòng mổ, ông Lê Anh Luân (sinh năm 1961), chồng bà Bình như chết lặng khi nhìn thấy con được y tá bế ra ngoài. Hai đứa trẻ dính liền từ ngực đến bụng, chân thâm tím do ngạt. Cúc nặng khoảng 1.5kg, An nặng 1.4kg. Trước đó, các siêu âm trong thai kỳ không phát hiện trẻ có bất thường.

Tỉnh dậy sau ca sinh mổ, do sức khỏe còn yếu, bà Bình không được gia đình thông báo về chuyện hai đứa trẻ. Tuy nhiên, linh cảm của người mẹ nói với bà về một điều chẳng lành. Ngay khi có thể đặt chân xuống khỏi giường bệnh, bà Bình vội “lao” đi tìm con. “Tôi rất sốc. Vừa thương con, vừa lo lắng, cứ thế thẫn thờ nhìn con nằm trong lồng ấp”, bà Bình chia sẻ.

May mắn, một vài ngày sau đó, Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm, lúc ấy đang là Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, đến công tác tại Bệnh viện phụ sản Thanh Hóa. Khi biết chuyện của Cúc-An, ông đã ngỏ lời phẫu thuật tách rời cho hai em.

Cặp song sinh chuyển từ Thanh Hóa ra Bệnh viện Nhi trung ương đầu năm 2003, khi các em được khoảng 1 tháng tuổi. Các cuộc chụp chiếu chẩn đoán sau đó xác định hai bé gái bị dính xương ức, cơ hoành, chung khoang màng tim, chung nhau 1 gan, chung tá tràng và ruột non. Các bác sĩ đã cố gắng bổ sung dinh dưỡng, nâng cao thể trạng trẻ để có sự chuẩn bị tốt nhất cho ca phẫu thuật.

{keywords}
 
{keywords}
Cúc – An ngày còn dính liền

Ngày 16/10/2003, ca mổ được tiến hành. Giáo sư Liêm là phẫu thuật viên chính, kết hợp cùng khoảng 50 y bác sĩ khác và chuyên gia người Mỹ. Lúc này, Cúc, An đã nặng tổng cộng 15kg.

Ca phẫu thuật diễn ra trong khoảng 10 tiếng, từ 7h sáng đến 17h cùng ngày. Ngồi trong phòng chờ, vợ chồng bà Bình hồi hộp theo từng diễn biến được các nhà báo có mặt trao đổi lại. Lúc nhận tin ca mổ đã thành công, ông Luân hạnh phúc tới bật khóc. “Tôi vẫn luôn mơ thấy hình ảnh hai đứa được tách rời, có thể tự do chơi đùa. Lần này, không phải là mơ nữa rồi”, ông Luân nói.

Sau ca phẫu thuật, bé An gặp một số vấn đề về đường ruột, bụng chướng to, chảy máu dạ dày. Một thời gian sau, em liên tiếp bị tắc ruột, phải phẫu thuật tới 2 lần. May mắn, cô bé đã vượt qua giai đoạn khó khăn.

Bà Bình có rất nhiều kỷ niệm đặc biệt về khoảng thời gian đồng hành cùng các con cho tới ca mổ. Cúc và An dính liền, bởi vậy chỉ có một bé được nằm bên mẹ. Đứa trẻ “thiếu hơi” mẹ thường hay khóc, bà Bình vì thế luôn phải choàng tay để ôm cả hai, vỗ lưng bé nằm ngoài cho con an tâm.

“Hôm thì đứa ngủ, đứa đi vệ sinh. Hoặc đứa này đang ngủ, đứa kia lại muốn dậy chơi. Thế là hai chị em cùng quấy khóc, mẹ phải dỗ rất vất vả. Sau này quen rồi, một bạn cứ ngủ, bạn kia vẫn chơi bình thường”, bà Bình kể.

Khi đã trở thành hai cơ thể riêng biệt, Cúc và An có một sở thích rất đặc biệt là xoa hai tay lại với nhau. Bà Bình chia sẻ, trước đây, do cơ thể dính liền, một tay của mỗi bé luôn phải đặt cố định xuống dưới hoặc ra phía sau. Bởi vậy mà khi được thoải mái chơi đùa với cả 2 bàn tay, các bé thấy rất lạ lẫm và thích thú. Tách rời khỏi em gái, Cúc cũng mới bắt đầu tập ăn. Khi còn chung ruột, cô bé lười ăn bởi cứ An ăn là Cúc cũng no.

{keywords}
 
{keywords}
Cúc-An những ngày sau mổ tách
{keywords}
Các em chia tay Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm và các bác sĩ Bệnh viện Nhi Trung ương để về nhà

Để chăm con, bà Bình quyết định nghỉ làm ở cơ quan, hàng ngày đều giúp con tập luyện các bài thể dục cải thiện xương ức. Đến khi học lớp 1, Cúc, An đã có thể tự tập luyện các bài nhẹ nhàng mà mẹ hướng dẫn.

Bà Bình cũng phải để ý đến từng chi tiết nhỏ, từ giấc ngủ cho đến tư thế nằm của con, tránh vẹo cột sống. Nhiều đêm, bà thức trắng để liên tục lật con về tư thế đúng.

Hai chị em Cúc, An phát triển bình thường trong những năm sau đó, thậm chí có thể thực hiện rất tốt các môn học vận động cùng các bạn.

Bà Bình rất tự hào về hai con. Bà chia sẻ, năm Cúc, An chuẩn bị vào lớp 6, bà được chẩn đoán suy thận giai đoạn 4, phải lên Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) chạy thận định kỳ. Hai đứa trẻ từ đó đã phải tự lập, thay mẹ giặt giũ, nấu cơm, dọn dẹp, tự chuẩn bị quần áo, sách vở đi học. Các em đều có học lực rất tốt, riêng An từng đạt giải Văn cấp tỉnh.

Cúc, An giờ đã thành những thiếu nữ 18 tuổi. Cúc tình cảm nhưng bên ngoài trầm tính, ít nói, không hay thể hiện cảm xúc. An lại năng động, hoạt bát, thích tham gia các hoạt động tập thể. Hai em luôn có một sợi dây liên kết rất khó lý giải. “Chúng em có rất nhiều sở thích giống nhau dù khác biệt về tính cách. Đôi khi chỉ cần nhìn vào mắt đối phương là đã hiểu nhau muốn nói gì. Khi không ở cùng, cứ khoảng 30’ đến 1 tiếng lại vô thức nhắc tới nhau”, An chia sẻ.

Cô bé cũng tâm sự, các em đã được nghe kể, xem rất nhiều bức ảnh hồi còn dính liền. Đó chính là động lưc để em cố gắng hơn, không phụ ơn những người đã giúp đỡ hai chị em có được cuộc sống bình thường như ngày hôm nay.

Nguyễn Liên

Người phụ nữ mắc 3 bệnh ung thư và nghị lực vượt qua 'tận cùng đau khổ'

Người phụ nữ mắc 3 bệnh ung thư và nghị lực vượt qua 'tận cùng đau khổ'

Mắc 3 bệnh ung thư, chỗ dựa vững chắc nhất cũng đột ngột mất đi, bà Thủy vẫn vượt qua tất thảy để lạc quan sống. Nhiều người thán phục: “Sao chị ấy có thể mạnh mẽ tới vậy?”