Chiều 18/2, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Tiêm vắc xin Covid-19 cho trẻ em - Những lưu ý quan trọng”, với sự tham gia của PGS.TS. Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương; PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương; PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM).

Vắc xin không xâm nhập vào tế bào di truyền

Trước lo ngại của phụ huynh về việc tiêm vắc xin với nhóm trẻ 5 -11 tuổi, PGS.TS Trần Minh Điển trấn an: “Chúng tôi đều phải đọc tài liệu để tiếp cận, để tư vấn tốt cho bố mẹ các cháu và cũng chỉ định được vắc xin tiêm cho trẻ em. Sự an toàn của vắc xin Pfizer cũng đã được nghiên cứu bởi nhà sản xuất. Sau khi bảo đảm được an toàn và hiệu quả, Hoa Kỳ dù rất khắt khe trong việc cấp phép vắc xin cũng đã cấp phép khẩn cấp cho nhóm tuổi này. Hiện đã có 60 nước chỉ định vắc xin này cho trẻ em”.

{keywords}
PGS.TS. Trần Minh Điển, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương

Về tác động lâu dài của vắc xin liên quan đến sinh sản, di truyền như hiều phụ huynh lo lắng, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương phân tích, bản chất của vắc xin này là các thành phần RNA thông tin – khi đi vào trong tế bào, tạo ra các protein, phối hợp với một số tế bào miễn dịch để tạo ra kháng thể chống virus. Các RNA thông tin không xâm nhập vào nơi chứa tế bào di truyền của cơ thể con người. Đây là một cơ chế khoa học rất rõ ràng.

“Những ảnh hưởng ngay lập tức 5-7-10 ngày sau tiêm, chúng ta cũng không nên lo ngại vì cũng giống như các loại vắc xin tiêm chủng cho trẻ lớn hơn và cho người lớn”, PGS Trần Minh Điển nói.

Theo ông, vai trò của các ông bố, bà mẹ là phối hợp với những người tiêm chủng, với hệ thống y tế điều trị để cùng nhau sẵn sàng nhìn nhận xem trẻ chỉ phản ứng ở mức độ thông thường hay phản ứng ở mức độ nặng hơn.

Với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, ông Điển khuyên các bố mẹ nên đồng thuận cho con mình tiêm chủng. Trẻ em được quyền hưởng những thành quả của khoa học, thành quả của nghiên cứu, xuất phát từ thực tế.

“Do vậy tôi nghĩ rằng các ông bố bà mẹ nên cho con mình có cơ hội để phòng chống dịch bệnh và nếu không may mắc, thì sẽ không chuyển nặng và đặc biệt là không dẫn đến tình trạng tử vong. Đây là điều mà với tư cách của một bác sĩ nhi khoa, tôi khuyên các ông bố bà mẹ như vậy. Hãy nhìn rộng ra một chút, nhìn trong gia đình mình, và nhìn trong cá thể của mỗi con người”, Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương kêu gọi.

{keywords}
PGS.TS.BS. Nguyễn Thanh Hùng, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM)

PGS.TS.BS Nguyễn Thanh Hùng cũng khẳng định, tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ từ 5-11 tuổi là việc hết sức cần thiết, mang lại nhiều lợi ích để bảo vệ các cháu hơn là tác hại. Chúng ta cần tư vấn cho các bố mẹ còn băn khoăn hiểu về lợi ích, lợi ích nhiều hơn nguy cơ. Nguy cơ chúng ta sẽ giảm thiểu hết mức nếu chúng ta tổ chức chu đáo, theo dõi và xử lý kịp thời những tác dụng phụ có thể xảy ra.

“Việc chích ngừa vắc xin Covid-19 cho trẻ là xu hướng toàn cầu. Các quốc gia khác còn đang nghiên cứu tiêm vắc xin cho trẻ dưới 5 tuổi, từ 6 tháng trở lại. Vì vậy, để bảo vệ trẻ, phụ huynh nên sớm đồng ý cho các cháu tiêm. Nếu không các cháu sẽ là đối tượng yếu nhất, dễ nhiễm nhất. Nếu các cháu được tiêm thì cộng đồng trong trường học, trong xã hội sẽ an toàn hơn nhiều”, Giám đốc Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM thuyết phục.

Không ủng hộ là tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em

PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cho rằng, tới đây các cháu từ 5-11 tuổi sẽ lần lượt đi học tại các trường tiểu học, rồi tới các trường mẫu giáo, nên sự tham gia của các thầy các cô trong việc triển khai tiêm vắc xin rất quan trọng.

“Mặc dù chúng ta tổ chức tiêm ở trường nhưng hoàn toàn cán bộ tiêm chủng là từ các trạm y tế và có những đội tổ chức theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, cấp cứu phản ứng sau tiêm là các cán bộ chuyên khoa, rồi cán bộ hồi sức cấp cứu đã được hỗ trợ từ tuyến huyện. Thậm chí có một số nơi, các thành phố lớn là tuyến tỉnh hỗ trợ, để các phụ huynh yên tâm”, bà Hồng cho hay.

{keywords}
Các khách mời tại tọa đàm

Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ trung ương thông tin thêm về đợt tiêm vắc xin cho trẻ từ 12 – 17 tuổi, qua khảo sát số lượng phụ huynh chấp nhận ngay từ thời điểm ban đầu chỉ độ 70% nhưng sau đó thành công. “Tức là khi chúng ta tiêm chủng an toàn thì từ phụ huynh trong lớp sẽ tự nhắc nhở nhau đi tiêm, phụ huynh lớp này, phụ huynh lớp khác, khối này, khối khác sẽ lần lượt đưa các cháu đi tiêm. Và cuối cùng, tỉ lệ trẻ được tiêm chủng rất cao. Từ kinh nghiệm đó thấy rằng công tác tổ chức tiêm chủng là vô cùng quan trọng”, bà Hồng chia sẻ.

Bà cũng thông tin rõ về vắc xin tiêm cho trẻ em từ 5 – 11 tuổi tới đây do hãng Pfizer Biontech sản xuất với hàm lượng kháng nguyên hoàn toàn toàn khác với vắc xin đã tiêm cho lứa tuổi trẻ từ 12 - 17 tuổi.

“Hàm lượng vắc xin ở đây chỉ bằng 1/3 hàm lượng kháng nguyên so với lứa tuổi lớn hơn và cách thức triển khai, pha vắc xin, đóng lọ và số liều vắc xin trong một lọ tới đây chúng tôi cũng sẽ phải tập huấn rất kỹ lưỡng”, bà Hồng nói.

Một nội dung nữa, khi triển khai công tác tiêm chủng thì bao giờ cũng song song với công tác hướng dẫn, xử trí các phản ứng nặng sau tiêm. Ngoài ra, công tác trực cấp cứu 24/24 giờ sau những đợt tiêm chủng là vô cùng quan trọng.

Ở cương vị là người điều hành tọa đàm, TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh, trẻ em là tương lai của đất nước, do đó Đảng và Nhà nước ta luôn dành sự quan tâm hết sức to lớn cho trẻ em. Chính phủ đồng ý mua 21,9 triệu liều vắc xin Pfizer cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi vừa qua cũng theo định hướng đó.

Ông đúc kết lại thông điệp của 3 chuyên gia: “Tiêm chủng lợi ích lớn gấp nhiều lần so với rủi ro khi không tiêm. Các bậc phụ huynh không phải đắn đo nhiều và nên lựa chọn tiêm cho các cháu. Bởi xét từ góc độ thương con thì phải bảo vệ con tốt hơn, thương con thì phải tránh rủi ro cho con nhiều hơn chứ không phải tước bỏ quyền được tiêm của con mình”.

Theo TS Nguyễn Sỹ Dũng, nhìn từ góc độ quyền của trẻ em thì đây là quyền được tiêm chủng, quyền không bị lây nhiễm bệnh tật. “Nếu chúng ta không ủng hộ việc tiêm chủng là chúng ta tước bỏ quyền được tiêm chủng của trẻ em”.

Thu Hằng

Trẻ em đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh có cần tiêm vắc xin Covid-19 không?

Trẻ em đã mắc Covid-19 và khỏi bệnh có cần tiêm vắc xin Covid-19 không?

Theo chuyên gia, sau mắc Covid-19, cơ thể trẻ đã có một dạng miễn dịch đặc hiệu để chống lại virus SARS-CoV-2. Do đó, thường sau khỏi bệnh khoảng 3-6 tháng, việc tiêm vắc xin là phù hợp nhất để tạo miễn dịch tốt hơn.

Pfizer cam kết cung cấp vắc xin nhanh, sớm nhất cho Việt Nam để tiêm cho trẻ em

Pfizer cam kết cung cấp vắc xin nhanh, sớm nhất cho Việt Nam để tiêm cho trẻ em

Thủ tướng Phạm Minh Chính tối 15/2 đã điện đàm với ông Albert Bourla, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Tập đoàn Pfizer.