29 Tết, điều dưỡng Ngô Văn Tiến (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương) trầm ngâm đứng ở hành lang khu nhân viên của Bệnh viện dã chiến 1, TP Chí Linh, Hải Dương để xem lại ảnh hai con trai do vợ gửi.

{keywords}

Điều dưỡng Ngô Văn Tiến

Những tấm ảnh đan xen nội dung "cu lớn đang tập gói bánh chưng này chồng", hay "cậu út đã biết cười toe toét khi cho xem ảnh bố" khiến anh Tiến cười tủm tỉm. Nhưng nụ cười ấy lại kèm theo ánh mắt long lanh như trực trào.

Ngày 7/2 vừa qua là ngày con trai lớn anh tròn 3 tuổi, anh cũng không có mặt. Bù đắp vào đó là vỏn vẹn 3 phút gọi video về cho người vợ để tham dự sinh nhật con và chúc con những điều an lành, rồi anh lại cùng đội ngũ y tế trở về với công việc đang dang dở.

Anh Tiến nhớ lại, vào dịp này hàng năm, khi mọi công việc đã gác sau cánh cổng nhà, anh thong thả chở vợ con đi mua sắm. Đã qua 4 năm anh cưới vợ, đây là lần đầu tiên anh xa gia đình dịp Tết.

Điều dưỡng Tiến kể, đây là đợt thứ 6 anh tham gia vào lực lượng y tế đi phòng chống dịch bệnh kể từ khi anh công tác ở Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương năm 2015.

"Cứ sau mỗi lần tham gia chống dịch, tôi lại đi cách ly 14 ngày, có những lần vừa hoàn thành cách ly, đội ngũ y tế thiếu người, tôi lại xin đi luôn", anh Tiến nói.

{keywords}

Điều dưỡng Ngô Văn Tiến tới thăm bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 1

Vào tháng trước, sau khi điều trị cho một bệnh nhân nhiễm Covid-19 người Vũng Tàu xong, anh phải đi cách ly. Trong khoảng thời gian này, điều khiến anh luyến tiếc nhất là không được ở cạnh ông ngoại những giây phút cuối đời. 

Ngày 28/1, nghe tin Hải Dương bùng phát dịch Covid-19 trong cộng đồng, không nghĩ nhiều, anh xung phong vào lực lượng tuyến đầu về hướng dẫn và hỗ trợ đội ngũ y tế TP Chí Linh phòng chống dịch bệnh. Chỉ kịp thắp cho ông ngoại nén hương và ôm hai con trai vào lòng, anh xách balo đồ cá nhân do vợ chuẩn bị sẵn lên xe vào tâm dịch công tác qua Tết.

"Vì Hải Dương là quê hương máu mủ, ai chẳng bận lòng khi thấy nơi chôn rau cắt rốn mình lâm nguy, nếu ông ngoại còn sống cũng sẽ là người đầu tiên động viên tôi tham gia chống dịch", nam điều dưỡng chia sẻ.

Chỉ vào mái tóc vỏn vẹn hơn 1 phân, anh Tiến vừa cười vừa nói đây là kinh nghiệm sau mỗi lần đi chống dịch, để đỡ vướng víu khi mặc đồ bảo hộ, anh và đồng đội tự nguyện cạo trọc. Những bàn tay chưa quen việc này đôi khi để lại những "tác phẩm" nham nhở sau gáy và hẹn "khi nào tóc dài thêm sẽ cắt tiếp".

{keywords}

Các y, bác sĩ đứng trao đổi nghiệp vụ với nhau luôn giữ khoảng cách

Tại Bệnh viện dã chiến số 1, điều dưỡng Tiến có nhiệm vụ phân luồng đường đi bệnh nhân và nhân viên y tế đồng thời chuyển giao công nghệ và hỗ trợ nhân viên y tế chăm sóc, chữa trị cho ca nhiễm Covid-19.

Mới đầu, do chưa tiếp xúc và phải điều trị cho một bệnh nhân nào nên đội ngũ y tế ở Bệnh viện dã chiến 1 hơi lúng túng. Điều này cũng được Giám đốc Trung tâm y tế TP Hải Dương, Hoàng Ngọc Lân, thừa nhận.

Tuy nhiên, sau 1 tuần được đội ngũ chuyên ngành của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương hướng dẫn, tập huấn, đến nay mọi việc đã vào quỹ đạo, các bác sĩ tại Bệnh viện dã chiến có thể tự tin vận hành hoạt động trơn tru.

"Một cánh én không thể làm nên mùa xuân, tôi cũng chỉ là góp một phần nhỏ trong công tác phòng chống dịch ở địa phương. Ngoài tôi còn có những đồng đội khác cũng đang phải xa nhà ngày cận Tết nhưng không nản lòng. Chúng tôi hứa sẽ làm thật tốt để nhân dân đón Tết trong an bình", điều dưỡng Ngô Văn Tiến quyết tâm.

Phạm Công

Bác sĩ kể kỳ tích cứu em bé ngừng tim, ngừng thở trong khu cách ly

Bác sĩ kể kỳ tích cứu em bé ngừng tim, ngừng thở trong khu cách ly

Em bé mắc bệnh bại não nên các cơ hô hấp yếu, lại có tiền sử viêm phế quản. Nếu chỉ cấp cứu muộn một vài phút, bệnh nhi sẽ có khả năng tử vong rất lớn.