PGS.TS Trần Ngọc Lương, Giám đốc BV Nội tiết TƯ vừa thực hiện ca phẫu thuật ung thư tuyến giáp cho bệnh nhi V.B.M., 15 tuổi ở Lào Cai.
Trước khi nhập viện 10 ngày, M. thấy mệt mỏi tăng dần, hay hồi hộp trống ngực dù trước đó vẫn ăn khoẻ, ngủ khoẻ, người không thấy đau đớn ở đâu.
Khi đi khám tại BV đa khoa tỉnh Lào Cai, bác sĩ chẩn đoán bệnh nhi mắc ung thư tuyến giáp, được chuyển xuống BV Nội tiết TƯ để điều trị.
Tại BV Nội tiết TƯ, sau khi thực hiện các chỉ định chụp cắt lớp, kết quả cho thấy khu vực tuyến giáp của bệnh nhân xuất hiện nhiều hạch, hạch lớn nhất có kích thước 3,5 x 2,8 cm. Khối u cũng đã di căn xa nhiều cơ quan.
PGS Lương cùng êkip đã cắt toàn bộ hạch bên trái, phải và trung tâm tuyến giáp của bệnh nhân M.
PGS Lương cùng êkip phẫu thuật cho bệnh nhân 15 tuổi |
Theo PGS Lương, đây là một trong những ca phẫu thuật khó do khối u di căn nhiều kèm kích thước lớn do đó bác sĩ phải thực hiện bóc tách tỉ mỉ, thời gian kéo dài hơn so với các ca ung thư tuyến giáp thông thường.
Sau ca mổ, bệnh nhân hồi phục tốt, đợi sức khoẻ ổn định sẽ áp dụng các liệu trình điều trị tiếp theo.
PGS Lương cho biết, tại Việt Nam, ung thư tuyến giáp xếp vị trí thứ 9, năm 2018 có hơn 5.400 ca mắc mới. Tuy nhiên so với nhiều loại ung thư khác, các bệnh nhân ung thư tuyến giáp có tiên lượng điều trị rất tốt, tỉ lệ tử vong chưa tới 10%.
Ung thư tuyến giáp thường gặp sau tuổi 30, trong đó phụ nữ có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 2-3 lần so với nam giới. Tuy nhiên PGS Lương cho biết, những năm gần đây, ung thư tuyến giáp đang có xu hướng trẻ hoá, nhiều bệnh nhân dưới 20 tuổi, cá biệt có trường hợp mới 12-13 tuổi.
Giống như nhiều loại ung thư khác, các dấu hiệu sớm của ung thư tuyến giáp rất mơ hồ, do đó người dân cần đi kiểm tra sức khoẻ định kỳ, cách đơn giản để phát hiện là siêu âm tuyến giáp.
Tuy nhiên khi thấy các triệu chứng như có khối u không đau hoặc sưng phía trước cổ; khàn giọng không rõ nguyên nhân, uống thuốc không đỡ; đau họng; khó nuốt... thì cần đến các cơ sở y tế ngay.
Ung thư tuyến giáp được chia gồm 4 loại chính: Ung thư biểu mô nhú (phổ biến nhất, chiếm trên 80%), thường gặp ở phụ nữ dưới 40 tuổi; ung thư biểu mô nang, hay gặp ở người trung niên; ung thư biểu mô tuyến tủy, có liên quan yếu tố gia đình; ung thư biểu mô tuyến giáp anaplastic, rất hiếm gặp nhưng khó điều trị nhất. Ung thư tuyến giáp biểu mô nhú và nang đôi khi được gọi là ung thư biệt hoá, có xu hướng dễ điều trị hơn các loại khác.
Cho đến nay, nguyên nhân gây ung thư tuyến giáp chưa thực sự rõ ràng, nhưng các nghiên cứu đã chỉ ra một số yếu tố nguy cơ bao gồm: Bướu cổ, viêm tuyến giáp; tiền sử gia đình có người bị ung thư tuyến giáp; tiếp xúc nhiều với bức xạ; béo phì...
Để điều trị ung thư tuyến giáp, phương pháp chính là phẫu thuật, sau đó tùy giai đoạn bệnh, bác sĩ sẽ chỉ định uống i-ốt phóng xạ hoặc xạ trị, hoá trị hay điều trị bằng thuốc nhắm trúng đích.
Tiên lượng điều trị ung thư tuyến giáp rất tốt, khoảng 90% bệnh nhân sống tốt sau 5 năm, nhiều trường hợp chữa khỏi hoàn toàn và có tuổi thọ như người bình thường.
Thúy Hạnh
Báo động ung thư đại trực tràng trẻ hoá, 10 tuổi đã mắc giai đoạn cuối
- Ung thư đại trực tràng thường gặp ở bệnh nhân trên 50 tuổi nhưng tại BV K đã phẫu thuật cho những bệnh nhân mới 10-12 tuổi.