Các dấu hiệu ‘hậu Covid’ ở trẻ em
1. Khó thở
Do Covid-19 tấn công trực tiếp vào phổi nên một số trẻ có thể bị đau ngực, ho và khó thở khi hoạt động gắng sức. Triệu chứng này có thể kéo dài đến 3 tháng hoặc lâu hơn. Trẻ trên 6 tuổi cần đo chức năng hô hấp và đánh giá lại tim mạch toàn diện nếu triệu chứng hô hấp kép dài, đặc biệt là khi gắng sức.
2. Vấn đề về tim
Nhiễm Covid-19 có thể gây ra tình trạng viêm cơ tim. Trẻ bị viêm cơ tim sẽ có thể cảm thấy đau ngực, hụt hơi, tim đập không đều, hồi hộp, mệt mỏi... kéo dài ngay cả khi hoạt động bình thường.
Trẻ mắc Covid-19 được điều trị tại bệnh viện. |
3. Mùi và vị
Khoảng 1/4 trẻ em bị nhiễm Covid có thể bị thay đổi mất hay giảm khứu giác và vị giác. Đa phần sẽ hồi phục sau 2-3 tuần. Tuy nhiên, có trường hợp bị kéo dài lâu hơn và ảnh hưởng đáng kể đến thói quen ăn uống của trẻ.
4. Thần kinh
Trong giai đoạn cấp, Covid-19 có thể tấn công lên hệ thần kinh (rất hiếm) dẫn đến đột quỵ hay viêm não. Những trường hợp nhẹ, trẻ có thể bị kéo dài tình trạng mất tập trung, rối loạn ngôn ngữ, vận động và cảm xúc...
5. Rối loạn trí nhớ
Trẻ hay quên, giảm khả năng tập trung, học tập khó hơn, khả năng đọc viết chậm hơn, trẻ cần được hỗ trợ nhiều hơn trong học tập và cần nhiều thời gian thư giãn hơn trước để tiếp tục bài học mới.
6. Mệt mỏi kéo dài
Trẻ luôn có cảm giác mệt mỏi và ít hoạt động hơn bình thường, ảnh hưởng đáng kể đến khả năng vui chơi và học tập của trẻ.
7. Đau đầu
Đây là triệu chứng thường gặp và ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của trẻ và cả gia đình trẻ.
8. Rối loạn sức khỏe tâm thần
Trẻ sợ hãi vì bị nhiễm Covid, kèm áp lực nằm viện, cách ly và học online tại nhà. Đây là vấn đề rất đáng quan tâm.
9. Hội chứng đáp ứng viêm toàn thân (MIS-C)
Đây là biến chứng nặng, hiếm gặp, là tình trạng viêm đa cơ quan trong cơ thể bao gồm tim, phổi, thận, não, da, mắt hoặc các cơ quan tiêu hóa... dẫn đến suy đa cơ quan. Trẻ có thể tử vong nếu không được điều trị kịp thời.
MIS-C xảy ra sau nhiễm Covid từ 2-6 tuần. Triệu chứng là sốt từ 3 ngày trở đi kèm theo:
- Tổn thương da niêm: nổi ban, đỏ mắt, môi đỏ, lưỡi đỏ như da trái dâu tây, phù nề bàn tay, bàn chân.
- Biểu hiện rối loạn tiêu hóa: đau bụng, tiêu chảy, ói.
- Dấu hiệu suy tim: mệt, xanh, môi tái, lạnh tay chân.
Hậu Covid ở trẻ em là vấn đề đáng quan tâm, nhất là các biến chứng nguy hiểm tính mạng như MIS-C. Phụ huynh cần theo dõi và phát hiện sớm trẻ bị nhiễm Covid, thông báo cho bác sĩ của trẻ để có hướng dẫn chăm sóc và theo dõi trẻ phù hợp trong giai đoạn hậu Covid.
Ths.BS Kiều Xuân Thy, Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM - Cơ sở 3, cho biết, trẻ em nhiễm Covid thường có triệu chứng nhẹ và khỏi nhanh. Về vấn đề hậu Covid ở trẻ, Ths.BS Kiều Xuân Thy cho biết: “Ở lứa tuổi thanh thiếu niên (12 đến 16 tuổi), có ghi nhận tình trạng hậu covid, triệu chứng có thể không nặng, đa dạng như người lớn. Với đối tượng nhỏ hơn, do nhiều em không biết mô tả các triệu chứng nên khó ghi nhận hơn”.
Nếu thấy con đã có kết quả âm tính nhưng vẫn có các dấu hiệu mệt mỏi, chưa trở lại mức sinh hoạt như ngày trước, phụ huynh nên lưu ý. Bởi trẻ con rất năng động, nghịch ngợm, sau Covid thấy con chạy, vận động chút xíu đã than mệt, con chậm chạp hơn, cơ thể gầy gò hơn, bố mẹ nên cho đi khám, kiểm tra. Ngoài hậu Covid, phụ huynh cũng nên cho con khám tầm soát sức khỏe cho con định kỳ 6 tháng/lần. |
BS. CK1 Lại Thị Bích Thủy (nguyên bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1)
Cơn ớn lạnh đột ngột, di chứng không thể xem thường sau khỏi Covid
Sau một thời gian khỏi Covid-19, dù giữa thời tiết nắng nóng, nữ bệnh nhân vẫn thường xuyên cảm thấy ớn lạnh. Không bật quạt, điều hòa, chị cũng phải thường xuyên đóng kín cửa phòng để tránh gió.