2-3 bệnh nhân ngồi trên xe khi chuyển viện
Tính từ ngày 27/4 đến 6h ngày 18/7, TP.HCM có 28.392 ca mắc Covid-19 được Bộ Y tế công bố. Những ngày qua, trên khắp các ngả đường của TP, tiếng còi xe cứu thương vận chuyển các ca F0 đến các bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19 cách ly, điều trị liên tục xuất hiện.
Do số ca bệnh tăng nhanh, hiện nay TP đang tiếp tục sử dụng các khu nhà tái định cư, sân vận động, nhà thi đấu… để xây dựng bệnh viện dã chiến.
Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam cho biết, hiện TP đang xây dựng kịch bản có 50.000 ca F0 để ứng phó với tình hình mới.
Tại cuộc họp báo ngày 16/7, Phó bí thư thường trực Thành uỷ TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, ngoài xét nghiệm, truy vết có trọng tâm nhằm nhanh chóng tách F0 ra khỏi cộng đồng, hiện TP còn xác định một vấn đề là tập trung điều trị các bệnh nhân nặng, nhằm hạn chế tối đa tỉ lệ tử vong. Tuy nhiên, có một thực tế hiện nay là các xe cứu thương để chuyển viện cho các bệnh nhân Covid-19 trở nặng tại các bệnh viện dã chiến còn thiếu.
Bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19 số 1 TP.HCM. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Bác sĩ Nguyễn Thành Tâm, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp Bệnh viện đã chiến thu dung Covid-19 số 1 cho biết, hiện bệnh viện có khoảng 4.500 ca F0 và có 2 xe cứu thương. Đây là xe được Sở Y tế TP.HCM điều động từ Trung tâm cấp cứu 115, Bệnh viện Chợ Rẫy.
Theo bác sĩ Tâm, hiện nay, tại bệnh viện có nhiều bệnh nhân Covid-19 nhanh trở nặng nên nhu cầu sử dụng xe cứu thương vô cùng cấp bách.
“Có ngày, tại bệnh viện chúng tôi có hơn 20 ca Covid-19 diễn tiến nặng cần phải chuyển lên tuyến trên. Nếu một xe chở một người sẽ không kịp, bệnh nhân phải chờ xe lâu sẽ gặp nguy hiểm. Lúc đó, chúng tôi đành phải chuyển 2-3 bệnh nhân trên cùng một xe”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Vị bác sĩ cho biết, theo nguyên tắc một xe cứu thương chỉ được chở một bệnh nhân Covid-19, và họ phải nằm trên băng ca. Tuy nhiên, do chuyển nhiều bệnh nhân cùng lúc nên họ phải ngồi trên ghế.
“Chúng tôi biết, làm như vậy là sai quy định, nhưng để bệnh nhân nặng phải chờ cũng không được. Dĩ nhiên, khi chuyển bệnh nhân đi, chúng tôi sẽ cung cấp một bình oxy cho họ thở và đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển”, bác sĩ Tâm nói.
Bệnh viện dã chiến thu dung Covid-19 số 3 đang cách ly, điều trị cho gần 2.100 trường hợp mắc Covid-19. Bác sĩ Phạm Gia Thế, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp cho biết, mỗi ngày có khoảng 7-10 bệnh nhân nặng phải chuyển lên tuyến trên. Nhưng chỉ có 2 xe cứu thương tục trực.
Theo bác sĩ Thế, với ngày có ít bệnh nhân trở nặng 2 xe cứu thương này là đủ, nhưng trong ngày có nhiều bệnh nhân nặng phải chuyển tuyến sẽ thiếu. Lúc đó, bệnh viện sẽ gọi hỗ trợ từ Trung tâm Cấp cứu hoặc bệnh viện chủ quản.
Bác sĩ Thế cho biết, một khó khăn nữa hiện nay là có trường hợp mắc Covid-19 chuyển nặng nhanh nhưng chưa tìm được nơi chuyển đến, gây ra tình trạng tồn đọng bệnh nhân. Khi tìm được nơi chuyển đến, nếu vận chuyển cùng lúc thì không thể kịp. Điều này dẫn đến tình trạng, bệnh nhân nặng phải chờ, bị chậm trễ trong quá trình vận chuyển.
Xe cứu thương đang vận chuyển oxy đến bệnh viện dã chiến số 4 tại huyện Bình Chánh, TP.HCM. |
Mong được cấp thêm xe cứu thương
Theo bác sĩ Tâm, xe cứu thương không phải dùng để đưa bệnh nhân chuyển viện mà còn phải chở bệnh nhân chụp X-quang, chuyển từ chỗ này đến chỗ khác. Hay như trong một gia đình có nhiều ca F0, họ được phân điều trị ở các bệnh viện dã chiến khác nhau, khi họ có nhu cầu ở cùng phòng thì bệnh viện vẫn phải đáp ứng nhưng không có xe cứu thương sẽ không thể thực hiện. Hay như việc chuyển bệnh nhân từ tòa nhà này đến tòa nhà kia cũng cần phải có xe cứu thương.
Bác sĩ Tâm cho biết, hiện nay, bệnh viện mong được cấp thêm 1-2 chiếc xe cứu thương nữa để đảm bảo việc vận chuyển bệnh nhân được diễn ra thuận lợi. “Nếu 2 chiếc thì hơi nhiều, nên chúng tôi đang mong được cấp thêm một chiếc nữa”, bác sĩ Tâm nói.
BS.CKII Nguyễn Thành Dũng, Giám đốc Bệnh viện dã chiến số 2 cho biết, hiện bệnh viện đang có 2.050 ca F0. Hiện bệnh viện cũng đang có 2 xe cứu thương để chuyển bệnh nhân nặng lên tuyến trên.
Bác sĩ Dũng cho biết, với số bệnh nhân chuyển nặng nhiều mà chỉ có hai xe cứu thương vận chuyển là không đủ. Thế nhưng, trong tình thế dịch bệnh tại TP đang phức tạp, số ca F0 tăng nhanh, vì vậy, bác sĩ đã chọn giải pháp gọi điện nhờ Trung tâm cấp cứu 115 và bệnh viện địa phương hỗ trợ.
Các bệnh nhân nặng tại bệnh viện TP.HCM. Ảnh: Sở Y tế TP.HCM. |
Sáng 17/7, Sở Y tế TP HCM có công văn khẩn về việc điều chuyển các ca F0 đến bệnh viện trên địa bàn TP.
Theo Sở Y tế, để kịp thời điều chuyển các ca F0 nhằm giảm áp lực cho hệ thống y tế của quận huyện, TP Thủ Đức và giảm tử vong đối với các ca nặng, Sở ủy quyền cho Trung tâm Cấp cứu 115 chịu trách nhiệm điều phối những trường hợp F0 đến các bệnh viện dã chiến. Bên cạnh đó, tiếp nhận những ca F0 trong trường hợp cấp cứu đến các bệnh viện điều trị Covid-19.
Trung tâm Cấp cứu 115 sử dụng phần mềm điều phối thông minh của Sở Y tế TP.HCM để đáp ứng nhu cầu chuyển những trường hợp F0 vào các bệnh viện thu dung điều trị Covid-19, không để bệnh nhân lưu lại tại địa phương quá 12 giờ; đồng thời chuyển những trường hợp F0 có triệu chứng hay bệnh lý nền đến các bệnh viện chuyên điều trị Covid-19 và Bệnh viện Hồi sức Covid-19 nhằm giảm nguy cơ tử vong.
Trung tâm Cấp cứu 115 tiếp nhận và huấn luyện 40 tình nguyện viên là sinh viên, học sinh do Thành đoàn TP HCM điều phối, hoàn chỉnh ứng dụng điều phối xe cứu thương thông minh (lắp đặt hệ thống GPS). Điều phối xe cứu thương của các bệnh viện tư nhân, cơ sở khám chữa bệnh trên địa bàn TP.HCM tự nguyện đăng ký tham gia công tác vận chuyển người bệnh Covid-19.
>>> Xem thêm tình hình dịch Covid-19 tại TP.HCM mới nhất
Tú Anh
TP.HCM thừa nhận còn lúng túng khi triển khai cách ly F1 tại nhà
Theo Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM Nguyễn Hoài Nam, do thời gian đầu thực hiện, nhiều địa phương tại TP còn lúng túng khi thí điểm cách ly F1 tại nhà.