Ngày 11/9, Bệnh viện Nhi Trung ương chính thức đưa hệ thống hỗ trợ tư vấn khám, chữa bệnh từ xa vào hoạt động với sự tham gia của 168 điểm cầu là các cơ sở y tế tuyến dưới.
Các điểm cầu theo dõi hội chẩn 4 ca bệnh, gồm: Trường hợp bệnh nhi đau bụng chưa rõ nguyên nhân ở đảo Cô Tô, Quảng Ninh, 2 ca viêm não chưa rõ nguyên nhân ở Phú Thọ và Thái Bình, 1 bệnh nhân viêm não trên nền tay chân miệng ở Bắc Giang.
Ngoài phục vụ khám, chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh trẻ em, Bệnh viện Nhi cũng sử dụng hệ thống này để đào tạo cán bộ y tế tại vùng sâu, vùng xa.
Quyền Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
GS Nguyễn Thanh Long, quyền Bộ trưởng Y tế cho biết, đến hết ngày 11/9, với 168 điểm cầu tại Bệnh viện Nhi Trung ương, đề án Khám chữa bệnh từ xa đã về đích trước 4 ngày, vượt 5 điểm so với mục tiêu hoàn thành kết nối 1.000 điểm trước ngày 15/9.
Quyền Bộ trưởng Y tế đánh giá, dù không thể thay thế khám chữa bệnh thông thường nhưng khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng giúp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho người dân.
Trước đây, rất nhiều ca cấp cứu tuyến dưới xảy ra trong đêm, tuyến trên muốn hỗ trợ rất khó khăn, nay với đề án khám chữa bệnh từ xa đã khắc phục được hạn chế trên. Người dân ở huyện, xã giờ cùng lúc được hưởng 3 cái lợi lớn: Được khám chữa bệnh chất lượng tuyến trung ương, giảm thời gian đi lại và tiết kiệm chi phí.
"Tôi đề nghị các bệnh phải thường xuyên có những bài giảng, thuyết trình về các ca bệnh cho các điểm cầu ở tuyến dưới. Các bệnh viện tuyến trung ương phải phân công người trực Telehealth để tuyến cơ sở khi cần hỗ trợ chuyên môn sẽ lập tức được kết nối", GS Long yêu cầu.
Bộ Y tế chính thức triển khai đề án Khám chữa bệnh từ xa từ giữa tháng 4 vừa qua, ban đầu thí điểm tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội.
Đến nay, đã có gần 20 bệnh viện trung ương kết nối khám chữa bệnh từ xa, gồm: Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, Bệnh viện K, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung ương… Trong đó có bệnh viện kết nối tới 300 điểm cầu, điểm xa nhất là trạm y tế xã tại tỉnh Điện Biên.
Các chuyên gia tại Bệnh viện Nhi Trung ương hội chẩn ca bệnh từ các điểm cầu
Bộ Y tế nhìn nhận, khám bệnh từ xa cùng hồ sơ sức khoẻ điện tử chính là chiến lược quan trọng của ngành y tế, đặc biệt trong giai đoạn tất cả các bộ ngành đều tham gia vào chương trình chuyển đổi số quốc gia.
PGS.TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Quản lý Khám, chữa bệnh cho biết, cả nước có 40 bệnh viện tuyến trung ương; 492 bệnh viện tuyến tỉnh; 645 bệnh viện tuyến huyện, hơn 11.000 trạm y tế, 32.000 phòng khám tư… Do đó việc kết nối trực tuyến hàng nghìn điểm cầu hoàn toàn khả thi.
Qua hệ thống này đã có nhiều buổi hội chẩn liên viện được tổ chức, cứu chữa được nhiều bệnh nhân nặng. Trước mắt, ưu tiên các chuyên khoa nhiều bệnh nhân như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học…
Theo đánh giá, khi kết nối khám chữa bệnh từ xa trên toàn quốc có thể tiết kiệm cho xã hội và ngành y tế hàng chục nghìn tỉ đồng mỗi năm.
Khi thực hiện rộng khắp, hoạt động này sẽ trở thành một dịch vụ y tế, một hoạt động thường quy tại các bệnh viện.
Ngoài đẩy mạnh kết nối, từ tháng 10 tới, đề án Khám chữa bệnh từ xa sẽ tiếp tục triển khai mạng lưới hỗ trợ chuyên môn cho các cán bộ y tế trên toàn quốc theo mô hình 1-4-4-2. Theo đó, 1 bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã giúp mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến.
Thúy Hạnh
Thủ tướng: Khám chữa bệnh từ xa là khởi đầu cho câu chuyện lớn hơn
- Thủ tướng đánh giá, thực hiện khám chữa bệnh trực tuyến, khám chữa bệnh từ xa sẽ là dấu mốc khởi đầu cho một câu chuyện lớn hơn nhiều, hướng tới chuyển đổi số trong ngành y tế, hướng tới quốc gia số, quốc gia thông minh.