Có mặt trong buổi lễ công bố khỏi bệnh chiểu 18/8 tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới trung ương, anh Đặng Văn Đăng (29 tuổi, quê Nga Sơn, Thanh Hóa) không giấu được niềm hạnh phúc.

Anh Đăng cho biết đã dậy từ 3h sáng chỉ để sắp xếp đồ đạc, chuẩn bị hành lý cho ngày trở về. “Không ngủ được. Tôi gần như thức trắng cả đêm”, anh mỉm cười chia sẻ.

Anh Đặng Văn Đăng là bệnh nhân 535 được ghi nhận mắc Covid-19 tại Việt Nam. Anh cùng đoàn 218 công dân Việt khác từ Guinea Xích Đạo về nước chiều 29/7, được cách ly ngay sau nhập cảnh tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương.

{keywords}
Anh Đặng Văn Đăng, bệnh nhân 535 mắc Covid-19 - Ảnh: Q.Toàn

Chàng trai trẻ không nằm trong danh sách dương tính SARS-CoV-2 thời điểm ở nước bạn, tuy nhiên được xác định đã mắc Covid-19 khi về đến Việt Nam.

“Sống với lũ” là từ mà anh Đăng gọi khi nhắc đến những ngày mắc kẹt bên đất nước xa xôi vùng Trung Phi. Thời gian ấy, đoàn 219 công dân Việt thì đã có hơn một trăm người được xác định dương tính nCoV, nguy cơ lây nhiễm rất cao vì họ cùng làm việc, cùng sinh hoạt hàng ngày.

Có những người bệnh trở nặng, có những ca phải cấp cứu,… Điều kiện vật chất nước sở tại còn nhiều khó khăn, sự bất đồng ngôn ngữ càng khiến tinh thần anh em công nhân xa xứ hoang mang hơn bao giờ hết.

Anh Đăng chưa mắc Covid-19 những ngày ở nước bạn, nhưng chàng trai trẻ lại chịu sự “dày vò” của căn bệnh sốt rét. Trong suốt một thời gian dài, anh luôn trong tình trạng sốt, váng đầu, thường xuyên tụt huyết áp, mệt mỏi, chân sưng phù.

“Tôi phải nằm bệnh viện và không thể đi lại trong suốt hơn 1 tuần. Lúc ốm yếu, mệt mỏi nhất, khao khát được trở về càng lớn hơn bao giờ hết”, anh Đăng nhớ lại.

2 ngày trước thời điểm chuyến bay từ Việt Nam sang đón đoàn công dân, bệnh tình của chàng trai trẻ vẫn khá nặng. Các bác sĩ địa phương không đồng ý cho anh ra viện, trong khi bất đồng ngôn ngữ là rào cản khiến anh Đăng không thể diễn tả mong muốn của mình.

Một thoáng suy nghĩ, anh vội kéo tay nhân viên y tế, vờ lấy 1 tờ giấy và chiếc bút. Trên giấy, anh vẽ lại hình ảnh chiếc máy bay và chữ “VIET NAM” thật rõ, sau đó ký hiệu thêm 2 mũi tên chiều đi và chiều về. Sau thời gian cố gắng giải thích, bác sĩ đã hiểu và đồng ý cho anh Đăng rời viện.

Tối 28/7, chiếc máy bay của Vietnam Airlines hạ cánh sân bay Bata, Guinea Xích Đạo. Anh Đăng không có quá nhiều ký ức về khoảnh khắc ấy bởi cơ thể còn rất yếu. Tuy nhiên, cảm giác xúc động xen lẫn tự hào thì khó có thể quên.

“Tôi cố gắng uống thuốc hạ sốt 2 tiếng 1 lần để cầm cự suốt quãng đường về. Tự nhủ phải cố gắng, về đến quê hương là bình an rồi”, anh Đăng kể.

Ở Việt Nam, anh Đăng được xác định đồng nhiễm cả sốt rét và Covid-19. Chàng trai trẻ tâm sự, anh khá may mắn vì chỉ có các triệu chứng của sốt rét, biểu hiện của bệnh Covid-19 hầu như không có. Sau khoảng 10 ngày điều trị, anh hết hẳn ký sinh trùng sốt rét trong máu, 3 lần liên tiếp âm tính nCoV.

{keywords}
19 bệnh nhân Covid-19 được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh chiều 18/8- Ảnh: N.Liên

Chiều 18/8, bệnh nhân 535 được công bố khỏi bệnh và được cho xuất viện theo đúng quy định của Bộ Y tế. Sau khi về nhà, anh sẽ tự cách ly và được sự quản lý của CDC địa phương trong 14 ngày tiếp theo.

“Tôi rất hạnh phúc. Tôi muốn thay mặt toàn thể anh em trong đoàn gửi lời cảm ơn đến Chính phủ Việt Nam và các y bác sĩ đã giúp chúng tôi được trở về và ngày hôm nay mạnh khỏe xuất viện”, anh xúc động chia sẻ.

Cũng trong ngày hôm nay, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương công bố khỏi bệnh cho 18 bệnh nhân Covid-19 khác, bao gồm 1 người trong đoàn từ Bangladesh về hôm 3/7, còn lại là nhóm công nhân về từ Guinea Xích Đạo.

Các bệnh nhân này bao gồm bệnh nhân 364, 527, 528, 529, 530, 531, 532, 534, 535, 538, 539, 540, 541, 542, 543, 545, 546 và 670. Họ đều là nam giới, có độ tuổi từ 28 đến 55 tuổi.

Đến chiều 18/8, Bệnh nhiệt đới Trung ương còn điều trị cho 31 bệnh nhân Covid-19.

Nguyễn Liên

Bệnh viện tuyến tỉnh cạn kiệt nguồn máu, người bệnh 'cầm cự' từng ngày

Bệnh viện tuyến tỉnh cạn kiệt nguồn máu, người bệnh 'cầm cự' từng ngày

Nhiều bệnh nhân đang cố gắng “cầm cự”, kéo dài thời gian để chờ máu. Một số bệnh viện đã huy động toàn bộ nhân viên y tế hiến máu, tuy nhiên nguồn máu dự trữ cũng dần cạn…

 

Cách cài đặt Bluezone giúp cảnh báo người nghi nhiễm Covid-19

Bộ TT&TT và Bộ Y tế vừa thống nhất triển khai trên phạm vi toàn quốc ứng dụng Bluezone để phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19. Ứng dụng này giúp cảnh báo sớm cho người dùng nếu chẳng may từng tiếp xúc với những người bị nhiễm Covid-19.
Để nhận được các cảnh báo từ Bluezone, việc đầu tiên cần làm là tải về và cài đặt ứng dụng này.

Link tải Bluezone trên Android Link tải Bluezone trên iOS

Sau khi cài đặt, người dùng cần cấp quyền cho ứng dụng Bluezone truy cập vào bộ nhớ và kết nối Bluetooth để nhận được cảnh báo từ ứng dụng.