Trong công văn gửi đi, Bộ Y tế nhấn mạnh, do diễn biến dịch Covid-19 đang phức tạp, tác động không nhỏ đến đời sống của người dân nên Bộ chưa ban hành Thông tư quy định khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu đối với các cơ sở y tế công lập.

Bộ Y tế cũng chưa báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến về việc điều chỉnh giá dịch vụ trong năm 2021 (kể cả giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu, giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Do vậy, Bộ yêu cầu Bệnh viện Bạch Mai không điều chỉnh tăng giá các dịch vụ khám, chữa bệnh tại bệnh viện, kể cả các dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu cho đến khi Bộ Y tế ban hành khung giá (bao gồm giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu).

Yêu cầu trên của Bộ Y tế dựa vào ba điểm. Thứ nhất, Văn phòng Chính phủ đã có công văn số 655 ngày 27/1/2021, thông báo ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc - Trưởng Ban Chỉ đạo điều hành giá về công tác điều hành giá năm 2021.

Trong đó, chỉ đạo các Bộ, ngành, địa phương và cơ quan có liên quan tiếp tục thực hiện công tác quản lý, điều hành giá, kiểm soát lạm phát năm 2021 một cách thận trọng, linh hoạt và chủ động, tập trung vào hỗ trợ thực hiện mục tiêu kép của Chính phủ, vừa kiểm soát dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế.

Đồng thời, làm tốt hơn nữa công tác dự báo, phân tích giá cả, cung cầu thị trường và nâng cao chất lượng; xây dựng các kịch bản điều hành giá theo tháng/quý/năm để có phương án phù hợp từng giai đoạn, đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Văn phòng Chính phủ yêu cầu chú trọng việc đánh giá, tính toán, xây dựng kịch bản điều hành giá đối với các mặt hàng do Nhà nước quản lý. Trường hợp xem xét điều chỉnh trong năm 2021 cần chủ động tính toán, đánh giá liều lượng và mức độ điều chỉnh cho phù hợp, báo cáo Trưởng ban Chỉ đạo điều hành giá cho ý kiến chỉ đạo kịp thời.

{keywords}
Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Trần Thường

Thứ hai, theo quy định tại điểm c, khoản 3, Điều 19 của Luật giá năm 2012, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước là dịch vụ do Nhà nước quản lý giá (bao gồm giá khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu và giá khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế).

Thứ ba, quy định tại điểm b, khoản 4, Điều 1 Nghị quyết số 33 ngày 19/5/2010 của Chính phủ về thí điểm tự chủ của 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế nêu rõ: Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành.

Dịch vụ y tế theo yêu cầu: Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu, tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá, có tích lũy trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam.

Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Như vậy, giá khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám chữa bệnh của Nhà nước phải áp dụng theo giá, khung giá do Bộ Y tế ban hành.

Trước đó, ngày 3/3, Hội đồng Quản lý của Bệnh viện Bạch Mai thông qua Nghị quyết về giá một số dịch vụ khám chữa bệnh tại bệnh viện, áp dụng từ ngày 1/4.

Cụ thể, giá khám bệnh theo yêu cầu có 4 mức:

- Khám Giáo sư: 550.000 đồng

- Khám Phó giáo sư: 450.000 đồng

- Khám Tiến sĩ, BSCKII: 350.000 đồng

- Khám Thạc sĩ, BSCKI: 250.000 đồng

Giá giường bệnh theo yêu cầu (đã bao gồm chi phí của gói chăm sóc toàn diện):

- Giường chăm sóc toàn diện - loại 1 (1 người/phòng): 2.300.000 đồng/người/ngày.

- Giường chăm sóc toàn diện - loại 2 (2 người/phòng): 1.800.000 đồng/người/ngày.

- Giường chăm sóc toàn diện - loại 3 (3-4 người/phòng): 1.390.000 đồng/người/ngày.

- Giường chăm sóc toàn diện - loại 2.1 (phòng 2 người, trong đó có 1 người bệnh, sử dụng hết cả phòng): 3.300.000 đồng/người/ngày.

Phía Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc xây dựng bảng giá mới cho dịch vụ khám, chữa bệnh theo yêu cầu giúp đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Nguyễn Liên

Bộ trưởng Y tế: Việt Nam tiêm vắc xin Covid-19 thận trọng hơn các nước

Bộ trưởng Y tế: Việt Nam tiêm vắc xin Covid-19 thận trọng hơn các nước

Do vắc xin ngừa Covid-19 rất mới, Việt Nam triển khai tiêm thận trọng hơn các nước và thận trọng hơn so với quy trình cũ.