Tại buổi lễ tiếp nhận tài trợ thử nghiệm vắc xin COVIVAC sáng 27/2, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, trong suốt hơn 1 năm chống dịch Covid-19, Việt Nam đã trải qua nhiều thời điểm rất khó khăn, phải đối mặt với những tình huống chưa bao giờ nghĩ đến.
Để có cuộc sống bình thường mới, Việt Nam xác định phải có vắc xin ngừa Covid-19. Đây là lĩnh vực khó nhưng Việt Nam đã tăng tốc rất nhanh, hiện Nanogen đã bước sang thử nghiệm giai đoạn 2, IVAC và VABIOTECH chuẩn bị thử nghiệm giai đoạn 1.
“Trong thời gian qua, Việt Nam coi sản xuất vắc xin là vấn đề mấu chốt, Bộ Y tế đã chỉ đạo thúc đẩy phát triển vắc xin trong nước. Song song đó, Bộ cũng đàm phán đặt mua của nước ngoài để đáp ứng thật nhanh vì hiện nay virus biến chủng liên tục, hiệu lực vắc xin chỉ có mức độ bảo vệ 6 tháng đến 1 năm, phải tiêm lặp lại nên cần chủ động vắc xin, coi đây là vấn đề an ninh sức khoẻ để bảo vệ tính mạng người dân”, Bộ trưởng nói.
Đến nay, kết quả nghiên cứu cho thấy vắc xin COVIVAC có hiệu lực bảo vệ khá tốt, là vắc xin tiềm năng trong đối phó với dịch Covid-19.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh, Việt Nam luôn quán triệt nguyên tắc đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân khi tiêm vắc xin
“Chúng tôi tin tưởng với những vắc xin Việt Nam có thể chủ động được sẽ bảo đảm nguồn cung, an ninh y tế và sẵn sàng phục vụ trong tình huống đại dịch và là nền tảng để tương lai vẫn có thể chủ động được”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với 117.000 liều vắc xin AstraZeneca Việt Nam mới tiếp nhận, hiện Bộ Y tế cùng Bộ Thực phẩm và Dược phẩm Hàn Quốc đánh giá toàn bộ chất lượng lô xuất xưởng nên có thể thời gian tiêm vắc xin tại Việt Nam sẽ chậm hơn dự kiến.
“Nguyên tắc chung là đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân, đảm bảo hiệu quả, hiệu lực vắc xin nên các bước đi của Bộ Y tế rất thận trọng, rất chắc chắn để những vắc xin đưa ra thị trường, tiêm chủng phải được kiểm nghiệm, đảm bảo an toàn mặc dù được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp”, Bộ trưởng chia sẻ.
Ông Long cho biết, trong số các vắc xin được cấp phép trong tình trạng khẩn cấp hiện nay, Pfizer đứng đầu khi được 66 quốc gia cấp phép, AstraZenca 50 quốc gia, Moderna 28 quốc gia…
Trong đó vắc xin AstraZenenca là một trong 2 vắc xin được WHO - cơ quan lớn nhất thế giới về mặt chuyên môn cấp phép sử dụng trong tình huống khẩn cấp trên phạm vi toàn cầu.
“Các dữ liệu đến nay cho thấy, vắc xin AstraZeneca có mức độ bảo vệ khá tốt, sau mũi 1 đạt hiệu lực 76%, sau mũi 2 là 81%. Điều quan trọng, 100% các trường hợp được tiêm vắc xin AstraZeneca đều được bảo vệ để không tiến triển nặng thêm, đồng nghĩa có trường hợp mắc nhưng bệnh không nặng lên”, Bộ trưởng Long nói.
Ngoài 60 triệu liều vắc xin AstraZeneca chắc chắn có vào năm 2021, Bộ Y tế đang tiếp tục đàm phán với các nước để có thêm vắc xin. Dự kiến trong năm nay, Việt Nam sẽ triển khai chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 trên quy mô 100 triệu liều.
“Đây là chiến dịch lớn nhất từ trước đến nay, là một thách thức rất lớn. Trước đây, chúng ta triển khai tiêm 23 triệu liều vắc xin Sởi-Rubella mất mấy tháng nên giờ phải huy động tất cả bộ ngành, lực lượng cùng tham gia để tăng độ phủ vắc xin trong thời gian ngắn nhất”, Bộ trưởng Y tế nhấn mạnh.
Liên quan đến các phản ứng sau tiêm vắc xin, PGS.TS Dương Thị Hồng, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ cho biết, vắc xin phòng Covid-19 hay bất kỳ loại vắc xin nào đều có thể có phản ứng không mong muốn sau tiêm. Các phản ứng thông thường gồm phản ứng tại chỗ đau, sưng/hoặc đỏ tại chỗ tiêm; phản ứng toàn thân như sốt và các triệu chứng khác (khó chịu, mệt mỏi, chán ăn) và có thể có những trường hợp tai biến nặng sau tiêm chủng như phản ứng dị ứng, sốc phản vệ hay tử vong. Với vắc xin AstraZeneca, theo tài liệu của WHO, tỷ lệ phản ứng thường gặp sau tiêm là trên 10% như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, khó chịu, sốt trên 38 độ C. Phản ứng tại chỗ như sưng tấy, ban đỏ tại chỗ tiêm chiếm 1-10%. |
Thúy Hạnh
Nhóm đối tượng được tiêm vắc xin Covid-19 miễn phí ở Việt Nam
Ngày 26/2, Chính Phủ ban hành Nghị quyết 21 về vấn đề mua và sử dụng vắc xin Covid-19, trong đó có quy định về các đối tượng, địa bàn được ưu tiên tiêm và miễn phí.