P. 30 tuổi, là bệnh nhân 130 mắc Covid-19 ở Việt Nam. Chàng trai người Sài Gòn cùng người thân định cư ở Tây Ban Nha đã 5 năm nay.
Giữa tháng 3, dịch Covid-19 bùng phát mạnh ở Tây Ban Nha, một ngày có thể ghi nhận tới 6.000 người mắc mới. Những tin tức về các ca tử vong liên tiếp khiến P. và gia đình vô cùng lo lắng.
Tuy nhiên, ở nước sở tại, cuộc sống vẫn diễn ra bình thường. P. phải giữ đúng lịch trình công việc, đi lại như bao người khác.
Để bảo vệ bản thân, anh ít ra ngoài hơn mỗi khi được nghỉ. Ngoài ra, anh luôn đeo khẩu trang và găng tay lúc đi làm. Nhưng đó cũng là nguồn cơn của rắc rối mà anh gặp phải.
“Do có bất đồng về văn hóa, tôi bị những người xung quanh xa lánh. Họ nói rằng đeo khẩu trang tức là bị bệnh nên họ không muốn tôi lại gần”, P. nhớ lại.
Bệnh nhân 130 được xuất viện sau hơn một tuần chữa trị. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Sau đó, P. quyết định bỏ việc đeo khẩu trang để tránh bị kỳ thị. Anh đã nghĩ, cố gắng thu xếp xong công việc, anh sẽ trở về Việt Nam để không còn cảm thấy lo lắng.
Ngày 16-17/3, P. bắt đầu có dấu hiệu sốt và đau ngực. Anh lập tức liên hệ với nhân viên y tế và bị chẩn đoán nghi nhiễm virus corona chủng mới nCoV. Bác sĩ kê đơn thuốc và khuyên anh nên đứng cách xa mọi người khi tiếp xúc.
Một vài hôm sau, P. thấy cảm giác đau đớn ở lồng ngực tăng dần. Anh có thêm triệu chứng khó thở, giống như luôn có một vật kẹt chặt ở ngực.
“Bác sĩ nói khi nào tôi cảm thấy không thể thở nữa, họ sẽ tới khám lần 2 và quyết định tôi có thể được chuyển tới cấp cứu ở bệnh viện, làm xét nghiệm nCoV hay không. Tôi lo lắng vô cùng và gần như tuyệt vọng. Các triệu chứng cứ mỗi lúc một nặng dần, tôi không biết phải làm sao”, P. kể.
Lúc này, châu Âu đã đóng cửa biên giới, các chuyến bay ngừng hoạt động. Một tia hy vọng xuất hiện khi P. nhận được sự giúp đỡ của Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha.
Ngày 21/3, chuyến bay cuối cùng rời thủ đô Madrid, trung chuyển qua Moscow (Nga) để đưa người dân các nước về quê hương. Chuyến bay ấy đem theo cả niềm vui và hy vọng của chàng Việt kiều 30 tuổi sau nhiều ngày sống trong sợ hãi.
Chưa được xét nghiệm Covid-19, P. lúc này vẫn hy vọng mình không mắc bệnh. Anh trang bị bảo hộ cẩn thận, giữ nguyên vị trí trong suốt chuyến bay và không giao tiếp với mọi người.
Ngày 22/3, chuyến bay từ điểm trung chuyển hạ cánh xuống sân bay Nội Bài (Hà Nội). P. và các hành khách đi cùng được chuyển thẳng lên khu cách ly tập trung ở Bắc Giang.
Sau khi nhận tin về tình hình sức khỏe của P., các bác sĩ nhanh chóng đưa anh vào Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang trước khi chuyển đến Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh (Hà Nội) trong đêm hôm đó.
P. khi điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở Đông Anh. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Đến hôm 23/3, P. có kết quả xét nghiệm dương tính SARS-CoV-2.
“Vì đã chuẩn bị trước tinh thần, tôi không sốc khi biết tin. Tôi cảm thấy nhẹ nhõm, vì lúc này, tôi không còn phải chiến đấu với bệnh tật trong đơn độc”, P. xúc động nói.
Khi P. về Việt Nam, các triệu chứng bệnh vẫn chưa dứt. Cảm giác đau tức ngực vẫn hành hạ anh từng giờ. Có những lúc, anh tưởng như cả trăm mũi kim chích sâu vào lồng ngực. Những cơn sốt, đau nhức người làm cả cơ thể anh không còn chút sức lực. Kết quả chụp CT cho thấy anh có tổn thương ở phổi.
Trong những ngày mệt mỏi nhất vì bệnh tật, một bác sĩ đã đến bên P. động viên: “Em sẽ không sao cả vì tất cả bác sĩ đang ở đây cố gắng điều trị cho em. Cứ tin tưởng vào chúng tôi nhé”.
Câu nói ấy đã tiếp thêm sức mạnh cho chàng thanh niên 30 tuổi. Hàng ngày, anh cố gắng tuân thủ phác đồ điều trị, ăn thật nhiều để có thêm sức. Anh cũng giữ cho mình tinh thần lạc quan và vận động nhẹ mỗi khi có thể.
Chỉ một vài ngày sau, các triệu chứng bệnh của P. dần thuyên giảm. Anh không còn sốt hay đau ngực, khó thở. Ngày 29/3, P. nhận kết quả âm tính nCoV lần 1. Ngày 30/3, anh tiếp tục nhận kết quả âm tính lần 2 và được công bố khỏi bệnh cùng với 26 bệnh nhân khác của Bệnh viện Bệnh nhiệt đới.
"Trong trái tim tôi, không đâu bằng quê hương mình”, anh P. tâm sự. Ảnh: Lê Anh Dũng |
Nhìn lại hành trình đã trải qua, nam Việt kiều không tránh khỏi xúc động. P. tâm sự, dù ở xa quê, trái tim anh vẫn luôn hướng về Tổ quốc. Mỗi khi có thể, anh đều tranh thủ thời gian về với quê hương. Việt Nam có người thân, bạn bè của anh, có nền văn hóa giàu bản sắc và có những món ăn ngon mà anh yêu thích. Với chàng trai Sài Gòn, Việt Nam còn có tình người ấm áp, sẵn sàng dang tay che chở khi đồng bào gặp gian nan.
“Tôi biết ơn Đại sứ quán Việt Nam tại Tây Ban Nha, các chiến sĩ, nhân viên y tế ở Bắc Giang và y bác sĩ Bệnh viện Bệnh nhiệt đới đã giúp đỡ tôi vượt qua giai đoạn khó khăn nhất. Trong trái tim tôi, không đâu bằng quê hương mình”, P. chia sẻ.
Bài: Nguyễn Liên - Ngọc Trang; Ảnh: Lê Anh Dũng
Nữ điều dưỡng Bạch Mai nhiễm Covid-19: 'Nghề y nhiều nguy cơ lây nhiễm, tôi chấp nhận điều đó'
31 năm làm trong ngành truyền nhiễm, từng tham gia chống dịch SARS vào năm 2003, bà H. không ngờ một ngày, bà có kết quả dương tính nCoV.