Anh Nguyễn Văn Chí (28 tuổi) là người thành lập nên ban nhạc đặc biệt. Anh Chí là giáo viên chuyên ngành sư phạm âm nhạc, trước đó được mời về giảng dạy tại một trung tâm đào tạo trẻ tự kỷ trên địa bàn Hà Nội.

Ở đây, anh Chí gặp Thanh Tùng, Minh Hiếu, Đức Khôi, Minh Anh, Long Vũ và Đức Bình, những cậu bé mắc rối loạn phổ tự kỷ. Các em có độ tuổi từ 19 đến 21, mỗi bạn một tính cách, đặc điểm khác nhau, nhưng đều có chung niềm yêu thích lớn với âm nhạc.

{keywords}
Anh Nguyễn Văn Chí (ngoài cùng bên phải) cùng ban nhạc đặc biệt của mình 

Thanh Tùng mang triệu chứng của tự kỷ nặng hơn các bạn khác, lại mắc thêm bệnh rối loạn thần kinh thực vật. Em thường xuyên đau đầu và rất khó tập trung.

Minh Hiếu là cậu bé luôn tò mò về các trang thiết bị điện tử. Em thích tự mày mò khám phá mọi thứ, hơi thiếu sự điềm tĩnh. Đức Khôi tăng động, cơ thể luôn ở trạng thái di chuyển khiến việc giữ nhịp điệu rất khó.

Minh Anh được gọi là “con ong chăm chỉ” trong ban nhạc. Cậu bé tiếp thu khá chậm, nhưng rất kiên trì với việc tập luyện. Đức Bình thì luôn bị động trong mọi việc, thường chỉ thực hiện nếu được nhắc nhở. Tuy nhiên, khi đã làm, cậu bé lại rất tập trung, chỉn chu, chỉ nghỉ ngơi nếu đã đạt được kết quả tốt.

Long Vũ là thành viên còn lại, cũng là người duy nhất đảm nhiệm vị trí chơi trống trong nhóm. Vũ trước nay không có hứng thú đặc biệt với bất kể điều gì, duy chỉ có trống khiến cậu bé say mê ngày đêm.

Thông thường, ở các buổi biểu diễn, Vũ chơi trống, 5 thành viên còn lại phụ trách kèn melodion. Tuy nhiên trong từng tiết mục, các em sẽ linh hoạt sử dụng thêm nhạc cụ khác, đảm nhiệm vị trí khác. Đức Khôi có giọng hát hay, thường là ca sĩ chính trong các tiết mục. Lúc này, thành viên khác hỗ trợ em bằng việc đệm đàn organ phía sau.

Để nhóm tự tin hơn và có thể biểu diễn chỉn chu nhất, anh Chí luôn xuất hiện cùng học trò trên sân khấu, cùng các em chơi đàn.

Anh tâm sự, việc ráp nối 6 bạn với 6 màu sắc khác nhau trở thành một nhóm nhạc là điều rất khó khăn. Mỗi em một đặc điểm, cá tính khiến anh Chí phải cố gắng nắm bắt tâm lý từng người, từ đó cân bằng thành nhóm ăn ý.

“Tôi tự nghiên cứu và xây dựng những bài tập riêng cho từng học trò trước khi kết hợp nhóm. Có những bạn thích chữ, có bạn lại chỉ thích số, mình sẽ đi theo sở thích của các bạn để giúp con hiểu được hình thái, tiết tấu cho bài nhạc hoàn chỉnh”, anh chia sẻ.

Dạy học không là điều dễ dàng, dạy trẻ tự kỷ còn gian nan hơn gấp bội, bởi các em khó kiểm soát hành vi. Có những hôm đang tập luyện, nhiều em khó chịu, khóc, gào thét,…, anh Chí lại cố gắng giúp học trò bình ổn. “Tôi hiểu các con dù bên ngoài gắng tập trung học, nhưng có lẽ vẫn đang chịu đựng rất nhiều khó khăn từ bên trong. Đến ngưỡng nào đó, những cảm xúc ấy sẽ bộc phát, bởi vậy mà tôi rất thương các con”, anh Chí nói.

{keywords}
Một giờ tập luyện của các chàng trai trong ban nhạc

Người thầy giáo trẻ thừa nhận, có lúc anh chán nản, mệt mỏi bởi áp lực công việc. Tuy nhiên, gắn bó với các bạn tự kỷ lâu càng khiến anh không thể bỏ cái nghề mà anh gọi là duyên số này.

Anh Chí kể về Minh Anh, cậu bé chăm chỉ. Luôn là thế, khi toàn bộ cơ thể không giấu được sự mệt mỏi vì tập luyện liên tục, em vẫn cố gắng tập thêm. Cậu bé yêu âm nhạc tới nỗi về nhà vẫn tự tìm các video hướng dẫn trên Youtube để học. Minh Anh chỉ dừng tập khi em đã hoàn thành yêu cầu thầy đề ra, hoặc học xong bài nhạc em muốn. Nhìn học trò kiên trì, người thầy càng cảm thấy có thêm động lực.

“Thấy các bạn ấy đạt được kết quả nhỏ thôi, mình cũng hạnh phúc lắm. Với người bình thường, những thành quả đó có thể đơn giản, nhưng với các bạn tự kỷ đó là tiến bộ rất lớn”, anh chia sẻ. Món quà lớn nhất mà anh nhận được, là sự vui vẻ, hạnh phúc của các con sau mỗi buổi tập, buổi biểu diễn.

Đến nay, nhóm nhạc đặc biệt của thầy trò anh Chí đã thành lập 3 năm, được mời đi biểu diễn tại nhiều sân khấu lớn nhỏ. Anh tâm sự, bản thân âm nhạc luôn là chất liệu rất ý nghĩa trong cuộc sống. Với người tự kỷ, nhạc còn là người bạn đặc biệt, giúp họ kết nối với thế giới bên ngoài. Việc luyện tập cũng giúp các em rất nhiều trong phát triển các giác quan, cải thiện hơi thở, ngôn ngữ, tương tác xã hội.

“Điều tôi muốn gửi gắm nhất thông qua ban nhạc là mang tới một hình ảnh mới về người tự kỷ. Các bạn cũng rất tài năng, có thể làm được nhiều việc hữu ích cho cộng đồng”, anh Chí nói.

Bà Phạm Hồng Lê (51 tuổi, Hà Nội), mẹ của Minh Anh chia sẻ, cậu bé được phát hiện mắc hội chứng rối loạn phổ tự kỷ vào năm lên 3. Suốt khoảng thời gian sau đó là chuỗi ngày đầy khó nhọc với người mẹ. Bất cứ nơi nào cho hy vọng có thể chữa bệnh của con, bà Lê đều đi. Từ miền Nam, tới nước ngoài, thậm chí rong ruổi khắp các chốn tâm linh,… tất cả đều vô ích.

Từ một người kiệm lời, bà Lê sau đó phải trở thành "gà mẹ xù lông" để bảo vệ con trước những chỉ trỏ, bàn tán của dư luận.“Tôi từng rất suy sụp, tuyệt vọng, nhưng phải nhanh chóng vực lại tinh thần để đồng hành cùng con. Tôi hiểu, bệnh này có lẽ theo cháu cả cuộc đời”, bà Lê tâm sự.

{keywords}
Bà Lê cùng con trai Minh Anh (bên trái)

Lần đầu nhìn thấy con trưởng thành, tự tin đứng trên sân khấu lớn, có nhiều người vỗ tay ủng hộ, giọt nước mắt tủi khổ bao lâu cố kìm của người mẹ đã rơi. “Nghe con chơi đàn, cảm giác như đang ở thế giới khác, quên hết muộn phiền, mệt mỏi”, bà nói.

Đi diễn tại nhiều sân khấu, Minh Anh cùng các bạn thậm chí đã có thể mang “tiền lương biểu diễn” về tăng lại cho bố mẹ. Bà Lê kể, số tiền lớn nhất mà con từng dành tặng mẹ là 500 nghìn đồng. Bà Lê cất tất cả vào một hộp nhỏ, thỉnh thoảng lại đem ra trêu con: “Thế này là có thể nuôi được mẹ khi về già rồi” khiến cậu bé rất vui.

Video: Một buổi biểu diễn của các thành viên trong ban nhạc

Nguyễn Liên

Người tự kỷ Hà Nội lần đầu có hội chợ sản phẩm hướng nghiệp

Người tự kỷ Hà Nội lần đầu có hội chợ sản phẩm hướng nghiệp

Rất nhiều sản phẩm đồ thủ công handmade, đồ ăn,… do người tự kỷ trên địa bàn Hà Nội sản xuất được bày bán tại Hội chợ “Giới thiệu sản phẩm hướng nghiệp của người tự kỷ” lần thứ nhất.