Vừa qua, nhóm nghiên cứu của Mỹ và Ireland cho thấy, những nước có chương trình tiêm vắc xin BCG ngừa lao có tỉ lệ tử vong khi nhiễm Covid-19 thấp hơn.
Do đó, Bộ Y tế đã giao BV Phổi Trung ương phối hợp với một số đơn vị khác nghiên cứu đề tài này. Trên thế giới, cũng có 6 nước đang triển khai nghiên cứu tìm mối liên hệ giữa vắc xin BCG với Covid-19.
PGS.TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV Phổi Trung ương cho biết, ông đang hoàn thiện nốt đề cương, dự kiến trong tuần tới sẽ trình Bộ Y tế. Sau khi được thông qua, BV sẽ phối hợp với một đơn vị của Pháp để thực hiện.
Việt Nam sẽ nghiên cứu lâm sàng, tìm mối liên quan giữa vắc xin phòng lao BCG với khả năng miễn dịch chống Covid-19
PGS Nhung cho biết, đề tài này sẽ thực hiện 2 thử nghiệm chính. Thứ nhất, nghiên cứu trên chính những bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam, so sánh đối chứng giữa nhóm từng được tiêm vắc xin lao ngày bé với nhóm không được tiêm xem có gì khác biệt.
Thứ hai, đề tài sẽ lựa chọn khoảng 800 nhân viên y tế đang công tác tại những bệnh viện tuyến đầu chống dịch như BV Bệnh nhiệt đới Trung ương, BV Bệnh nhiệt đới TP.HCM… để tiêm lại vắc xin BCG (tái chủng).
Theo PGS Nhung, nghiên cứu dựa trên giả thiết vắc xin BCG chống lao có tác động đến khả năng điều hoà miễn dịch của cơ thể, giúp cơ thể miễn dịch tốt hơn, từ đó bệnh nhân dù có nhiễm Covid-19 cũng hồi phục nhanh hơn, giảm tỉ lệ tiến triển nặng.
PGS dẫn chứng, vừa qua bệnh nhân 91 là phi công Vietnam Airlines có phản ứng miễn dịch quá mức, tiêu diệt virus nhưng cũng tấn công cả tế bào lành, là một trong những nguyên nhân khiến bệnh nhân nặng lên.
Ngoài ra, so sánh tại Mỹ cho thấy, thành phố New York có tỉ lệ tử vong do Covid-19 rất cao, trong khi đó 2 thành phố khác có tỉ lệ tiêm ngừa lao cao hơn thì tỉ lệ tử vong thấp hơn. Hay tại Nhật, tỉ lệ tử vong do Covid-19 cũng thấp do tỉ lệ tiêm vắc xin ngừa lao cao.
“Đây chỉ là những thông tin ban đầu, chúng tôi sẽ cần làm thử nghiệm lâm sàng để có kết luận chính xác”, PGS Nhung nói.
PGS Nhung nhấn mạnh, việc tiêm nhắc lại vắc xin BCG không vì mục đích để phòng ngừa lây nhiễm Covid-19 hay giảm nguy cơ mắc loại virus này như nhiều người đang hiểm lầm. Mục đích chính là để so sánh chỉ số miễn dịch so với nhóm không tiêm.
Tại Việt Nam, chương trình tiêm chủng mở rộng đã thực hiện tiêm vắc xin ngừa lao cho mọi trẻ em dưới 1 tuổi từ năm 1984.
Từ năm 1989, tỉ lệ tiêm đã tăng lên trên 90% và được duy trì liên tục đến nay với khoảng 1,5 – 1,8 triệu liều mỗi năm. Như vậy, đã có khoảng 44 triệu người Việt Nam sinh ra từ năm 1989 đến nay đã được tiêm vắc xin BCG.
Thúy Hạnh
3 ngày liên tiếp không có ca Covid-19 mới, 202 người khỏi bệnh
- 84 giờ qua, Việt Nam không ghi nhận thêm ca mắc mới Covid-19, 202 bệnh nhân đã khỏi bệnh.