Gần đây, Mỹ đã cập nhật chiến lược Covid-19 quốc gia để hầu hết người dân có thể trở lại cuộc sống hằng ngày.

Theo đó, Mỹ đang chuyển sang một giai đoạn mới khi mối đe dọa Covid-19 chuyển từ "đại dịch" thành "đặc hữu". Virus SARS-CoV-2 có thể sẽ tiếp tục tồn tại trong cộng đồng, nhưng với tỷ lệ thấp hoặc theo mùa.

Chúng ta nên tìm kiếm những tín hiệu nào để xác định có cần tiếp tục giãn cách xã hội hay không? Tiến sĩ Jay Bhatt, Trường Y tế Công cộng UIC (Mỹ), đã đưa ra 5 chỉ số cung cấp câu trả lời:

1. Số ca mắc

Tại Los Angeles, các quan chức y tế công cộng phát triển hệ thống cảnh báo nguy cơ của virus SARS-CoV-2. Nếu số người mắc mới dưới 200 ca trên 100.000 dân, mức độ rủi ro là thấp.

Mặc dù tiêm chủng đóng vai trò quan trọng trong việc giữ cho số ca bệnh ở mức thấp, nhưng đó không phải là cách duy nhất. Hầu hết những người từng nhiễm Covid-19 đều phát triển khả năng miễn dịch nhất định. Một nhóm các nhà khoa học xác định, 73% người Mỹ miễn dịch với Omicron, biến thể đang chiếm ưu thế. Tỷ lệ đó có thể tăng lên 80% vào giữa tháng 3.

{keywords}

Các nước đang hướng tới sống chung với Covid-19. Ảnh: ABC

2. Nhập viện

Nếu số ca nhập viện tiếp tục giảm và duy trì ổn định, điều đó chứng minh khả năng đại dịch đã thành bệnh đặc hữu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ đã chuyển hướng từ số ca mắc sang tập trung vào số ca nhập viện. Bởi ngay cả khi tổng số mắc ở mức thấp, số ca nhập viện gia tăng cho thấy virus đã biến đổi và nguy cơ lây nhiễm có thể tăng nhanh.

"Giai đoạn mới của đại dịch yêu cầu hiệu chỉnh các chỉ số tác động thực sự tới người dân", Tiến sĩ John Brownstein, Bệnh viện Nhi Boston, nói.

“Số ca nhập viện tiếp tục là chỉ số quan trọng. Năng lực của bệnh viện sẽ phản ánh mức độ rủi ro trong cộng đồng và hướng dẫn các quyết định về nỗ lực giảm thiểu dịch".

3. Tỷ lệ tử vong

Theo nhà dịch tễ học Jodie Guest, Đại học Emory, thước đo mức độ nghiêm trọng của virus là tỷ lệ tử vong. Nếu chúng ta thấy ít hơn 100 ca tử vong do Covid-19 mỗi ngày ở Mỹ (dân số 329 triệu người), virus đã đến giai đoạn bệnh đặc hữu. Tất nhiên, chúng ta cần theo dõi các biến thể và các vùng với sự lây lan trong cộng đồng khác nhau.

4. Mẫu nước thải

Dữ liệu từ Hệ thống Giám sát nước thải Mỹ ghi nhận 70% các cơ sở nước thải phát hiện mức độ virus đã giảm so với 2 tuần trước - dấu hiệu khác cho thấy số ca Covid-19 đang giảm.

Các mẫu nước thải đặc biệt quan trọng vì con người thải loại virus khi họ đang ở giai đoạn đầu của sự lây nhiễm. Điều đó đồng nghĩa chúng ta có thể xác định tỷ lệ lây nhiễm gia tăng trước khi bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng.

5. Các cụm bùng phát

Covid-19 rất dễ lây lan. Các quan chức y tế công cộng cần phải có khả năng xác định các cụm dịch ở trường học và nơi làm việc, những nơi có nguy cơ gia tăng bệnh tật.

Khi chúng ta chuyển sang giai đoạn Covid-19 trở thành bệnh đặc hữu, nhiều người sẽ nghĩ đại dịch chỉ là dĩ vãng.

Tiến sĩ Megan Ranney, Trường Y tế Công cộng của Đại học Brown, cho biết: “Mỹ đang ở giai đoạn bệnh đặc hữu khi số ca bệnh, nhập viện và tử vong đã đạt đến trạng thái ổn định. Tuy nhiên, hãy nhớ rằng 'đặc hữu' không có nghĩa không nguy hiểm".

An Yên (Theo ABC)

Khi nào Covid-19 được coi là bệnh đặc hữu?

Khi nào Covid-19 được coi là bệnh đặc hữu?

Đại dịch chuyển sang giai đoạn bệnh đặc hữu khi các con số liên quan thấp, người bệnh nhận được sự chăm sóc cần thiết…