Bộ Y tế đang lên kế hoạch cho chiến dịch tiêm chủng lớn nhất trong lịch sử, triển khai chích ngừa vắc xin Covid-19 cho trên 70 triệu người.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đặt mục tiêu cuối năm 2021, đầu năm 2022 có miễn dịch cộng đồng.
Muốn có miễn dịch cộng đồng, Việt Nam phải tiêm cho ít nhất 70% dân số, tương đương khoảng 70 triệu người.
Do đó, Bộ Y tế đã xây dựng và báo cáo Bộ Chính trị và Chính phủ về việc mua 150 triệu liều vắc xin để riển khai chiến dịch tiêm chủng này trên quy mô toàn quốc.
Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long
Bộ trưởng Long nhấn mạnh, chiến dịch này có ít nhất 4 điểm mới:
Thứ nhất, triển khai trên quy mô tất cả các địa phương và các điểm tiêm ở tất cả các xã, phường.
Thứ hai, ngoài 12.000 điểm tiêm cố định trong chương trình tiêm chủng mở rộng, chiến dịch sẽ mở rộng lên 15.000 điểm, trong đó có thêm các điểm lưu động tại các nhà máy, trường học và một số khu vực khác để đảm bảo người dân được tiếp cận vắc xin một cách thuận lợi và dễ dàng nhất.
Thứ ba, chiến dịch tiêm chủng lần này có sự tham gia của tất cả các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ TT&TT, Bộ GTVT và nhiều bộ ngành liên quan. Đây là điều chưa từng có. Trong đó vắc xin sẽ được bảo quản tại 8 kho lạnh của Bộ Quốc phòng tại các quân khu.
Thứ tư, ứng dụng công nghệ thông tin tiêm chủng. Hiện Bộ Y tế đã phát triển Sổ sức khoẻ điện tử đối với cá nhân. Theo đó, mỗi người dân khi đi tiêm chủng đều phải đăng ký lịch tiêm trên Sổ sức khoẻ điện tử hoặc qua tin nhắn SMS.
Trên cơ sở đó, hệ thống sẽ chuyển tin nhắn đến người dân, thông báo địa điểm và thời gian tiêm, tránh việc người dân phải xếp hàng đợi chờ tiêm.
Đồng thời, cán bộ tiêm chủng cũng sử dụng Sổ sức khoẻ điện tử để quản lý người được tiêm chủng thông qua hệ thống phần mềm do Bộ Y tế phát triển cùng Bộ TT&TT.
Sau khi tiêm xong, Sổ sức khoẻ điện tử sẽ đồng bộ hoá cả kết quả tiêm chủng và thông tin về xét nghiệm. Đây cũng chính là cơ sở dữ liệu để tiến tới áp dụng hộ chiếu vắc xin.
Ngoài ra, người dân có thể khai báo triệu chứng và những phản ứng sau tiêm để có thể cơ quan y tế quản lý và xử trí kịp thời.
Dù triển khai tiêm đồng loạt, song Bộ trưởng Y tế khẳng định, Việt Nam vẫn đặt an toàn tiêm chủng lên hàng đầu.
“Điểm khác biệt của chương trình tiêm chủng ở nước ta đối với các nước là tiến hành sàng lọc kỹ tất cả các đối tượng tiêm. Nếu đối tượng tiêm không đảm bảo yêu cầu về sức khoẻ thì họ sẽ được các điểm tiêm trì hoãn tiêm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Các cơ sở tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19 phải bảo đảm tiêu chuẩn về cơ sở vật chất, trang thiết bị và nhân lực; thực hiện khám sàng lọc, tư vấn trước tiêm chủng và tổ chức buổi tiêm chủng an toàn theo hướng dẫn của Bộ Y tế; người đi tiêm vắc xin phải ở lại điểm tiêm chủng ít nhất 30 phút sau khi tiêm để theo dõi tình hình sức khoẻ; được hướng dẫn theo dõi ở nhà ít nhất 24 giờ tiếp theo và tiếp tục theo dõi đến 3 tuần sau khi tiêm; các bệnh viện luôn sẵn sàng, thường trực công tác cấp cứu đề phòng những trường hợp có phản ứng nặng sau tiêm chủng nhằm bảo đảm an toàn tối đa cho người được tiêm
Bộ Y tế cũng đã lập Ban Chỉ đạo an toàn tiêm chủng tập hợp các chuyên gia, giáo sư đầu ngành trên các lĩnh vực để sẵn sàng trợ giúp địa phương trên toàn quốc để đảm bảo an toàn tiêm chủng.
Thúy Hạnh
Chiến dịch tiêm vắc xin Covid-19 lớn nhất Việt Nam, huy động quân đội tham gia
Việt Nam đang thực hiện chiến dịch tiêm chủng lớn nhất từ trước đến nay, quản lý tiêm chủng trực tuyến, chuẩn bị cho kế hoạch sử dụng hộ chiếu vắc xin.