6-7 tuổi đã dậy thì
Dù vóc dáng bé nhỏ nhưng bé Đặng Thùy C., 7 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội đã bắt đầu dậy thì, cao 1,3m. Mẹ bé chia sẻ, cách đây vài tháng, ngực bé bị sưng đau và to dần lên nhưng do dịch Covid-19 nên chị lần lữa đưa con đi khám.
Ngày 4/6, chị đưa con đến khám tại khoa Nội tiết – Chuyển hoá di truyền, BV Nhi Trung ương. Bác sĩ chẩn đoán bé bị dậy thì sớm trung ương, dù tử cung chưa to nhưng tuổi xương đã tương đương trẻ 11 tuổi 3 tháng. Bác sĩ khuyên gia đình dùng thuốc ức chế dậy thì sớm song mẹ bé cho biết sẽ về bàn thêm với gia đình.
Bé C. được xác định dậy thì sớm khi mới 7 tuổi. Ảnh: T.Hạnh
TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền chia sẻ thêm, cách đây vài năm từng điều trị cho 2 chị em ruột trong một gia đình cùng bị dậy thì sớm. Cô chị dậy thì khi mới 6 tuổi, khi đó tuổi xương bằng trẻ 9 tuổi.
May mắn do được can thiệp sớm và duy trì đến năm 10 tuổi nên sau này khi trưởng thành, cô bé vẫn cao 1,6m. Vài năm sau, cô em cũng bị dậy thì sớm, hiện vẫn đang điều trị thuốc.
TS Thảo cho biết, vài năm trở lại đây, mỗi năm khoa tiếp nhận trên 350 trẻ đến khám, điều trị vì dậy thì sớm. Con số này cách đây 10 năm chỉ khoảng 10 cháu.
Hiện tại, khoa đang quản lý hơn 1.000 bệnh nhi bị dậy thì sớm, trong đó có trên 500 trẻ đang được điều trị bằng thuốc ức chế. Tỉ lệ nữ bị dậy thì sớm gấp 20 lần nam.
Theo TS Thảo, tuổi dậy thì ở cả nam và nữ ngày càng giảm. Cách đây 100 năm, tuổi có kinh nguyệt ở nữ từ 15-16 tuổi, đến giai đoạn năm 1990 giảm xuống còn 11-12 tuổi. Sau 30 năm, tuổi dậy thì của bé gái hiện tại là 8-13 tuổi, với bé trai là 9-14 tuổi.
Dậy thì sớm gồm 2 thể: Dậy thì sớm ngoại biên và dậy thì sớm trung ương. Trong đó, dậy thì sớm ngoại biên có liên quan đến bất thường buồng trứng, u nang buồng trứng, bệnh lý di truyền gây tiết hormone sinh dục. Trẻ bé nhất dậy thì sớm do hội chứng di truyền mới vài tháng tuổi.
Dậy thì sớm trung ương ở nữ có tới 90-95% không chẩn đoán được căn nguyên, tỉ lệ nhỏ còn lại có sự bất thường trong não, có u não gây kích thích tuyến sinh dục.
Trái lại, dậy thì lớn ở nam có tới 40-50% phát hiện bất thường trong não, dị tật não. 1.000 trẻ dậy thì sớm đang được quản lý tại BV Nhi Trung ương đều thuộc thể này, trong đó có những bé gái mới 3-4 tuổi.
Về thông tin cho rằng trẻ uống sữa, ăn thực phẩm chứa chất tăng trọng là một trong những nguyên nhân gây dậy thì sớm, TS Thảo bác bỏ.
“Đến nay chưa có bằng chứng khoa học hay nghiên cứu nào cho thấy uống sữa khiến trẻ dậy thì sớm. Tuy nhiên nếu cha mẹ để trẻ tiếp cận với phim ảnh người lớn sớm, có thể tác động tâm lý dẫn tới dậy thì sớm”, TS Thảo nhấn mạnh.
TS Thảo nói rõ, với trẻ dậy thì sớm, nếu không điều trị, các trẻ nữ khi lớn sẽ thấp hơn các bạn trung bình 12 cm, với trẻ nam là 20 cm.
Can thiệp sau 6 tuổi ít tác dụng
Để phát hiện trẻ dậy thì sớm, TS Thảo lưu ý các bậc cha mẹ cần thường xuyên quan tâm con để phát hiện sớm các đặc tính sinh dục, dấu hiệu nhận biết chung là trẻ cao vọt hơn các bạn, trung bình cao trên 6cm/năm, dậy thì chuyển đổi nhanh trong 3-6 tháng.
Các dấu hiệu bé gái dậy thì trước 8 tuổi như sưng đau tuyến vú, tuyến vú phát triển, mọc lông mu, có kinh nguyệt, ở trẻ nam trước 9 tuổi có ria mép, cơ bắp phát triển, mọc lông mu, dương vật to, tinh hoàn phát triển trên 4ml.
TS.BS Bùi Phương Thảo, Phó trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa di truyền. Ảnh: T.Hạnh
Để xác định trẻ dậy thì sớm, ngoài khai thác tiền sử, bác sĩ cho kiểm tra tuổi xương bằng cách chụp xương cổ tay, bàn tay trái, siêu âm tử cung, siêu âm buồng trứng, kiểm tra thượng thận có khối bất thường.
Nếu kích thước cổ tử cung dài trên 3,5cm, thể tích buồng trứng trên 20ml thì cần cảnh giác. Ngoài ra, một số trường hợp sẽ làm xét nghiệm hormone sinh dục, chụp cộng hưởng từ não để phát hiện tổn thương vì rất nhiều trường hợp phát hiện dậy thì sớm do vô tình chụp não kiểm tra khi khám sức khoẻ.
Khi tìm được căn nguyên dậy thì sớm, trường hợp có u não, u nang buồng trứng phải phẫu thuật, nếu tăng hormone sinh dục phải dùng hormone thay thế. Các trường hợp không tìm được nguyên nhân sẽ dùng thuốc.
“Một đứa trẻ nếu được phát hiện dậy thì sớm trước 6 tuổi nhưng không can thiệp, chiều cao khi lớn dưới 1,5m. Ngược lại, nếu được điều trị liên tục đến năm 10 tuổi, chiều cao có thể lên 1,58-1,6m”, TS Thảo thông tin.
Thúy Hạnh