Seoul và Washington nhận định, vụ tấn công chết người của Triều Tiên hôm 23/11 nhằm vào một hòn đảo của Hàn Quốc là nhằm tăng thành tích quân sự cho Kim Jong Un, lãnh đạo kế nhiệm tương lai của nước này, một nhân vật chưa mấy nổi bật.
>>Tàu sân bay Mỹ tới vùng biển Triều Tiên
>>Vì sao Thế chiến 3 không nổ ra từ Triều Tiên?
>>Triều Tiên: Giao tranh là do Hàn Quốc gây sự
>>Hình ảnh Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc
>>Triều Tiên đang bắn phá Hàn Quốc
Trong một cuộc trả lời phỏng vấn mới đây, đô đốc Mike Mullen cho biết, vụ tấn công của Triều Tiên có nhiều khả năng liên quan tới việc chuyển quyền cho con trai út của lãnh đạo Triều Tiên là Kim Jong Un, 27 tuổi. Theo ông Mullen, lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Il là nhân vật hay gây rắc rối, khó đoán và nguy hiểm.
Triều Tiên mở cuộc tấn công Hàn Quốc khoảng 2 tháng sau khi Kim Jong Un củng cố vị trí bằng việc được bổ nhiệm làm tướng và vào vị trí phó Chủ tịch Ủy ban quân sự trung ương của đảng cầm quyền.
Thủ tướng Hàn Quốc Kim Hwang-Sik phát biểu trước Quốc hội rằng việc Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc làm 4 người chết và 18 người bị thương là một sự khiêu chiến có chủ định. "Triều Tiên muốn khoe sức mạnh quân sự của Jong Un, củng cố đoàn kết nội bộ và trút những bất bình trong nước ra bên ngoài".
Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae-Young sau cuộc hội đàm với người đồng nhiệm Mỹ Robert Gates cũng tuyên bố: "chúng tôi thấy rằng Triều Tiên nã pháo vào Hàn Quốc là nhằm củng cố tiến trình chuyển quyền với việc trình làng việc Jong Un nắm quyền lãnh đạo".
Vụ tấn công là chuỗi sự kiện tiếp theo việc Triều Tiên khuấy động sự lo lắng của quốc tế bằng việc cho một nhà khoa học Mỹ thấy nhà máy làm giàu uranium hiện đại của nước này ở Yongbyon, nằm ở ngoại ô thủ đô Bình Nhưỡng.
"Chúng tôi thấy rằng sau khi để lộ cơ sở làm giàu uranium ngày 12/11, Triều Tiên gây ra một vụ tấn công nhằm tạo thanh thế rằng Kim Jong Un là một lãnh đạo quả quyết", Yonha trích lời bộ trưởng quốc phòng nước này nói.
Đến 24/11, dàn pháo và súng nã đạn tầm xa ở phía Triều Tiên vẫn trong tình trạng sẵn sàng. Ngoài ra, máy bay chiến đấu Mig23 của Triều Tiên đã rời căn cứ Bukchang để thăm dò gần biên giới trước khi nã pháo. Sau đó, máy bay này được tái bố trí về căn cứ không quân Hwangju. Bình Nhưỡng cũng triển khai tên lửa đất đối hạm và đặt tàu chiến vào tình trạng sẵn sàng chiến đấu.
Trong phiên họp của Quốc hội Hàn Quốc, một số nghị sĩ đã chỉ trích quân đội về việc ngần ngừ khi đáp trả pháo của Triều Tiên, song ông Kim đã lên tiếng bảo vệ cho quyết định của quân đội. Bộ trưởng Quốc phòng nói: "Chúng tôi cũng nghĩ về điều đó nhưng chúng tôi không sử dụng không lực nhằm hạn chế căng thẳng leo thang".
Cũng trong ngày hôm qua, Mỹ thúc ép Trung Quốc thuyết phục Triều Tiên kiềm chế, không khiêu khích Hàn Quốc và tuân thủ cam kết phi hạt nhân.
"Trung Quốc có ảnh hưởng với Triều Tiên và chúng tôi hy vọng, mong đợi Trung Quốc sẽ dùng ảnh hưởng này, đầu tiên là để giảm căng thẳng sau vụ việc mới nhất, thứ hai là để thúc đẩy Triều Tiên có những bước đi chắc chắn để phi hạt nhân", Philip Crowley, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ nói. "Trung Quốc giữ vai trò nòng cốt trong việc hướng Triều Tiên đi theo một hướng khác".
Trong khi đó, Trung Quốc phản đối đe dọa dùng vũ lực trên bán đảo Triều Tiên và kêu gọi hai bên kiềm chế.
-
Hoài Linh (Tổng hợp)