Một quan chức cấp cao trong quân đội Mỹ cho biết, không bao lâu nữa Trung Quốc có thể huỷ diệt mọi vệ tinh trong không gian.
Tờ National Interest dẫn lời Tướng Jay Raymon, chỉ huy Không lực số 14 của Mỹ, chỉ ra các tiềm lực khổng lồ của Trung Quốc đối với các vệ tinh.
Tên lửa Dong Ning-2 (DN-2) của Trung Quốc. Ảnh: Diplomat |
Tướng Raymond nói rằng, Bắc Kinh đã có thể đặt tất cả các vệ tinh quỹ đạo Trái đất tầm thấp vào vòng nguy hiểm, và ‘sắp tới, mọi vệ tinh trong mọi quỹ đạo đều có thể gặp nguy hiểm’ trước các tiềm lực chống vệ tinh của Trung Quốc (ASAT).
Phát biểu tại hội nghị ở Colorado tuần này, ông Raymond cũng xác nhận, hồi tháng Bảy năm ngoái, Trung Quốc đã thử nghiệm thành công tên lửa chống vệ tinh.
Tháng 7/2014, Trung Quốc đưa tin họ đã thử nghiệm thành công một hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo. Nhưng chỉ sau đó một tuần, chính quyền Mỹ tiết lộ, cuộc thử nghiệm này thực chất là tên lửa chống vệ tinh.
“Chúng tôi kêu gọi Trung Quốc tránh các hành động gây bất ổn, chẳng hạn như việc tiếp tục phát triển và thử nghiệm các hệ thống chống vệ tinh mang tính phá hoại – vốn gây đe doạ tới an ninh và ổn định về lâu dài của môi trường không gian bên ngoài, vì đây là nơi mà tất cả các quốc gia đều phụ thuộc vào” – Space News dẫn tuyên bố hồi tháng 7/2014 của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Đây không phải lần đầu tiên Trung Quốc tiến hành các thử nghiệm ASAT. Tháng 5/2013, Trung Quốc tuyên bố phóng một tên lửa vào không gian từ Trung tâm phóng vệ tinh Xichang ở phía tây nam đất nước.
Truyền thông quốc gia Trung Quốc lúc đó đưa tin, ‘thử nghiệm này nhằm điều tra các hạt năng lượng và từ trường trong các tầng ion hoá và không gian gần Trái đất'.
'Theo một phân tích sơ bộ do Trung tâm Khoa học không gian quốc gia (NSSC), thử nghiệm này đã đạt được các mục tiêu đặt ra, khi cho phép các nhà khoa học có được các dữ liệu trước nhất liên quan tới môi trường không gian ở các tầm cao khác nhau’.
Hầu như ngay lập tức, quan chức Mỹ đặt nghi vấn về thử nghiệm này, cho rằng trên thực tế Trung Quốc đã cho thử nghiệm một loại tên lửa ASAT mới, tên là Dong Ning-2 (DN-2). DN-2 là loại tên lửa phóng từ mặt đất có khả năng tấn công quỹ đạo trái đất tầm cao.
Sau đó, báo cáo của Quỹ Thế giới An toàn kết luận rằng: Chứng cứ hiện có cho thấy rõ ràng, tên lửa do Trung Quốc phóng hồi tháng 5/2013 là thử nghiệm loại tên lửa thuộc một hệ thống vũ khí ASAT lên thẳng, có nguồn gốc từ loại tên lửa đạn đạo di động.
Hệ thống này dường như được thiết kế để đưa một thiết bị vào quỹ đạo bay sâu trong không gian, có thể tiếp cận tới quỹ đạo trái đất tầm trung, quỹ đạo elip tầm cao, và quỹ đạo địa tĩnh. Nếu đúng là vậy thì thử nghiệm này cho thấy, một bước phát triển quan trọng trong tiềm lực ASAT của Trung Quốc.
Công nghệ cho hệ thống chống vệ tinh và phòng thủ tên lửa đạn đạo có nhiều điểm tương đồng. Trung Quốc đã sử dụng tên lửa SC-19 trong một số thử nghiệm tên lửa đạn đạo quốc phòng trước đó, cũng như thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh lên thẳng (DA-ASAT).
Cả tên lửa đạn đạo đánh chặn và tên lửa chống vệ tinh đều sử dụng công nghệ tiêu diệt mục tiêu bằng hình thức va chạm.
Trung Quốc cũng sử dụng tên lửa SC-19 để phá huỷ một vệ tinh thời tiết vào tháng 1/2007. Sau khi công bố thử nghiệm này, nhiều nước đã lên tiếng phản đối. Kể từ sau đó, Trung Quốc không công bố thông tin liên quan tới thử nghiệm tên lửa chống vệ tinh, bao gồm các đợt thử năm 2010, và tháng 1/2013.
Nhiều nhà phân tích nhận định, bản chất việc thử nghiệm ASAT là Trung Quốc muốn dùng hệ thống này để đánh bại các vệ tinh của Mỹ, hạ thấp tiềm lực của hệ thống C5ISR, làm cho các hệ thống của quân đội Mỹ và đồng minh không thể liên lạc hoặc chia sẻ thông tin.
Mỹ đang tìm cách đối trọng lại với tiềm lực ngày càng gia tăng của Trung Quốc bằng nhiều cách, bao gồm cả việc xây dựng nên các hệ thống ngày càng tinh vi và phức tạp hơn.
Lê Thu