Khung thỏa thuận hạt nhân Iran được công bố ngày 2/4 thực ra là một phép thử tột đỉnh của học thuyết chính sách đối ngoại mà Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi.

TIN BÀI KHÁC:

Đó là: đối thoại và ngoại giao là các phương cách tốt nhất để giải quyết bất đồng với đối thủ của Mỹ.

Tổng thống Obama cũng đã thử nghiệm học thuyết đó với Myanmar, và gần đây là với Cuba. Tuy nhiên, cả hai đều không phức tạp bằng nỗ lực ngăn Iran tiến vào con đường sản xuất bom nguyên tử thông qua ngoại giao và đưa Iran trở lại "cộng đồng các nước" như nhà lãnh đạo Mỹ tuyên bố.

{keywords}
Tổng thống Barack Obama phát biểu về thỏa thuận hạt nhân Iran tại Vườn Hồng, Nhà Trắng, hôm 2/4 (Ảnh: AP)

Với Iran, thắng lợi của ông Obama sẽ được quyết định không chỉ bởi thành công trong kiềm chế tham vọng hạt nhân của Tehran mà còn bởi đối thoại có thể thúc ép được Iran tránh xa những hoạt động bất ổn ở Trung Đông.

Tổng thống Mỹ thừa nhận cách tiếp cận của mình không hứa hẹn sẽ thành công. Nhưng ông khẳng định triển vọng của nó chắc chắn tươi sáng hơn việc không kích các cơ sở hạt nhân của Iran, mà vốn có thể sẽ khơi mào cho một cuộc chiến nữa ở Trung Đông.

Những người chỉ trích Obama cho rằng, lo lắng của đương kim Tổng thống Mỹ về những di sản mà ông để lại sau khi rời Nhà Trắng đã khiến chính quyền của ông chấp nhận một giới hạn quá thấp để Iran bước qua.

Nhưng hôm 2/4 là ngày Obama đã thành công trong chủ trương dựa vào ngoại giao để giải quyết một bài toán lớn như hạt nhân Iran.

Vài giờ sau khi Ngoại trưởng John Kerry ký vào bản kế hoạch phức tạp và chi tiết cho phép hạn chế và thanh sát chương trình hạt nhân của Iran, ông Obama đã có mặt ở Vườn Hồng của Nhà Trắng, ca ngợi ngoại giao là "lựa chọn tốt nhất" đến thời điểm này.

Mục tiêu là một thỏa thuận cuối cùng được ký vào hạn chót 30/6, yêu cầu Iran chấp hành một danh sách dài các giới hạn và cơ chế thanh sát chương trình hạt nhân. Như vậy, "chúng ta sẽ có thể giải quyết được một trong những thách thức lớn nhất đối với an ninh của chúng ta, và làm điều đó một cách êm thấm", ông Obama quả quyết.

Thỏa thuận vừa đạt được yêu cầu cộng đồng quốc tế, trong đó có Mỹ, dỡ bỏ cấm vận đối với Iran khi nước Cộng hòa Hồi giáo thực hiện các nghĩa vụ của mình nêu trong thỏa thuận. Tổng thống Obama nhấn mạnh, trợ giúp kinh tế sẽ song hành với những bước đi của Iran nhằm thực thi cam kết.

Kể từ khi ông Obama lần đầu vươn tay về phía Iran trong bài phát biểu nhậm chức năm 2009, giới chỉ trích đã lên án cách tiếp cận của ông đặt quá nhiều trọng tâm vào việc tìm hiểu kẻ thù mà bỏ qua những nhu cầu và lo ngại từ bạn bè và đồng minh.

Các quan chức chính phủ Mỹ khẳng định, Tổng thống nắm rất rõ những nghi ngờ và lo ngại có thể phát sinh giữa các đối tác của Washington trong khu vực. Họ cam kết rằng ràng buộc với Iran không có nghĩa là bỏ rơi những người bạn của nước Mỹ.

Trong những lời bình luận tại Vườn Hồng, Obama nhắc trực tiếp đến người dân Iran, nói rằng "những gì tôi đã nói ngay từ khi bắt đầu làm Tổng thống" là "chúng tôi sẵn sàng ràng buộc với các bạn dựa trên lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau".

Những ngôn từ này có thể sẽ được đón nhận một cách hân hoan trên đường phố Tehran nhưng không hẳn như vậy với dân chúng Mỹ và một Quốc hội nhiều hoài nghi. Do vậy, trong những lời bình của mình hôm 2/4, ông Obama khiêm tốn gọi thỏa thuận vừa đạt được với Iran là một "thỏa thuận tốt" và "sự lựa chọn tốt nhất".

Thời gian tới đây sẽ chứng tỏ những người khác đồng ý đến mức nào rằng ngoại giao và đối thoại là lựa chọn ưu việt nhất trong giải quyết thách thức từ phía Iran.

Thanh Hảo