Hãng tin Reuters hôm 30/3 dẫn lời các công tố viên người Hà Lan rằng, họ đang tìm nhân chứng ở miền đông Ukraina nhìn thấy tên lửa Buk bắn hạ máy bay MH17 hôm 17/7/2014, coi đây là ‘kịch bản chính’ phục vụ điều tra.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Một mảnh vỡ của máy bay MH17. |
Các công tố viên Hà Lan nói rằng, họ có một ‘ấn tượng rõ ràng hơn’ về giả thuyết liên quan tới tên lửa Buk – một trong bốn giả thuyết ban đầu hiện đang được điều tra. Các công tố viên không nói sâu hơn về chi tiết cụ thể.
“Hiện tại vẫn có hơn một giả thuyết, nhưng giả thuyết về tên lửa Buk vẫn có rất nhiều câu hỏi chưa được giải đáp và đó là lý do vì sao chúng tôi vẫn đưa ra lời kêu gọi tìm kiếm nhân chứng. Tên lửa Buk vẫn là kịch bản chủ đạo", ông Wim de Bruin, phát ngôn viên công tố cho biết.
Nhóm điều tra đang tìm kiếm ‘các nhân chứng có thể nói về quá trình vận chuyển, cá nhân liên quan và việc khai hỏa một hệ thống tên lửa Buk ở vùng Donbass, đông Ukraina’, dù lời kêu gọi này ‘không có nghĩa là cảnh sát và công tố đưa ra kết luận dứt khoát về loại vũ khí khiến MH17 rơi’.
Trước đó, hồi đầu năm nay, hãng tin Reuters dẫn lời người dân làng ở đông Ukraina nói rằng, họ nhìn thấy một tên lửa bay thẳng lên trời khi máy bay của Malaysia số hiệu MH17 bị bắn rơi.
Hãng tin nói thêm rằng, lời khai của các nhân chứng cung cấp những lời mô tả chi tiết nhất cho tới lúc này, củng cố giả thiết rằng tên lửa đất đối không Buk do Nga sản xuất đã khai hỏa ở khu vực do quân ly khai đã bắn trúng MH17.
Tuy nhiên, báo Nga hôm nay đã đăng tải thông tin về nhân chứng của vụ việc, nói rằng hãng Reuters đã không trích dẫn đúng lời khai của nhân chứng.
Tờ RT của Nga cho biết, Reuters đã dẫn lời ông Pyotr Fedotov, 58 tuổi, người dân làng Chervonniy Zhovten ở vùng Lugansk, đông Ukraina, về vụ rơi MH17.
“Khi Reuters phỏng vấn ông Fedotov, ban đầu nhân chứng kể lại về tên lửa ‘lắc lư’ được phóng ra từ vùng đất đang trong tầm kiểm soát của quân đội Ukraina. Nhưng sau đó, khi tắt máy ghi hình, ông nói rằng tên lửa được phóng ra từ một vùng lân cận do quân ly khai kiểm soát. Khi được hỏi tại sao ông lại nói điều ngược lại với lúc trước, ông nói là vì ông sợ những người ly khai” – RT dẫn bản tin của hãng Reuters.
Khi RT liên lạc với Fedotov, ông này nói rằng phóng viên Anton Zverev của Reuters đã dẫn sai lời ông.
“Khi nói về chiếc Boeing lúc ghi hình, tôi đã giải thích tất cả sự việc như đã xảy ra. Còn những gì mà họ nghĩ rằng tôi đã nói khi tắt máy ghi hình chỉ là do phóng viên dựng lên mà thôi. Đó đều là dối trá. Khi tắt máy ghi hình, chúng tôi chưa từng thảo luận về chiếc Boeing” – RT dẫn lời ông Fedotov.
Ông này nói thêm, phóng viên có liên lạc với ông sau khi phỏng vấn, nhưng không cho ông xem bản thảo bài báo. Thay vào đó, phóng viên chỉ hỏi là liệu ông Fedotov có gặp rắc rối gì khi trò chuyện với nhà báo hay không.
“Nhà báo gọi lại cho tôi và hỏi rằng tôi có gặp rắc rối gì không. Tôi rất ngạc nhiên. Tại sao tôi lại gặp rắc rối khi nói sự thật? Và rồi bạn bè nói với tôi rằng, trong bài viết, tôi đã nói những điều mâu thuẫn khi máy quay bật và tắt. Đó là khi tôi hiểu rằng, tại sao nhà báo lại hỏi tôi có gặp rắc rối gì không” – ông Fedotov nói.
Lê Thu