Việc Syria nhất trí công bố chi tiết các kho vũ khí hóa học của nước này và sau cùng là tiêu hủy chúng đã khiến cho bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama ở Đại hội đồng Liên Hợp Quốc năm nay dễ dàng hơn nhiều.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


Thay vì phải giải thích tại sao bom Mỹ nã xuống các mục tiêu ở Damascus thì ông Obama lại được hưởng một bầu không khí thân thiện để nói về các nỗ lực ngoại giao đang được tiến hành nhằm giải quyết khủng hoảng Syria, đồng thời khuyến khích một nỗ lực tương tự nhằm tìm câu trả lời cho bài toán hạt nhân Iran.
{keywords}
Tổng thống Obama khi phát biểu tại Liên Hợp Quốc.

Ý thức được chỉ trích rằng, dưới quyền tổng chỉ huy của Obama, chính sách ngoại giao của Washington thỉnh thoảng lại chạy ngoằn ngoèo hết từ cuộc khủng hoảng này sang cuộc khủng hoảng khác mà không có một mạch chung, ông chủ Nhà Trắng đã nhiệt tình cung cấp lý do tổng thể cho các hành động của Mỹ. Ở một mức độ nào đó, ông đã thành công.

Vậy Học thuyết Obama là gì? Trên cơ sở những gì ông phát biểu, thì học thuyết ấy có vẻ là: Mỹ vẫn tiếp tục cống hiến cho các giá trị của tự do và dân chủ, nhưng ngày càng miễn cưỡng là một nước bá chủ toàn cầu. Để bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình, chẳng hạn như nguồn cung năng lượng giá rẻ và đánh bại các nhóm khủng bố chống đối, Mỹ sẽ phải sử dụng mọi sức mạnh sẵn có, trong đó có hành động quân sự. Nhưng nói chung, Mỹ nghiêng mạnh về việc tìm kiếm một giải pháp ngoại giao.

Tại một hội nghị mà các bài phát biểu được giới hạn trong vòng 50 phút, Tổng thống Obama đã diễn thuyết trong khoảng 40 phút, chen thông điệp trọng tâm của ông vào các bài học lịch sử về Liên Hợp Quốc - một sự bảo vệ chủ nghĩa biệt lệ Mỹ, và nâng cao những ngôn từ về Nelson Mandela. Nhưng sau tất cả, đó vẫn là một bài phát biểu rõ ràng và quan trọng.

Vào tháng 9/2009, trong lần xuất hiện đầu tiên trước Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, Obama cam kết "hành động mạnh dạn và mang tính tập thể nhân danh công lý và sự thịnh vượng cả ở trong và ngoài nước". Trong số những sáng kiến táo bạo mà Tổng thống Mỹ đề cập trong bài phát biểu khi đó gồm có: chấm dứt chiến tranh ở Iraq, loại bỏ vũ khí hạt nhân trên thế giới, đóng cửa nhà tù Vịnh Guantanamo, giải quyết tình trạng ấm nóng toàn cầu và tái gắn kết với Liên Hợp Quốc.

Bốn năm sau đó, Guantanamo vẫn mở cửa, các cuộc đàm phán hạt nhân sa lầy, và sự tham gia của Mỹ trong nỗ lực toàn cầu nhằm giải quyết tình trạng thay đổi khí hậu dường như vẫn xa lắc.

Trong khi đó, các vấn đề khác - đặc biệt là hậu quả bạo lực của Mùa Xuân Ảrập - trở nên nổi cộm, làm dấy lên dư luận rộng khắp về một sự suy giảm sức mạnh của nước Mỹ. Sau đó thì đến vụ tấn công vũ khí hóa học ở Syria, và Tổng thống Obâm nói ông đã quyết định thực hiện một hành động quân sự, nhưng đã lùi lại và nắm bắt giải pháp ngoại giao do Nga khởi xướng.

Đã đến lúc Obama đặt ra một số điểm. Ông đã làm điều đó khi phân biệt giữa "các lợi ích cốt lõi" của Mỹ và các giá trị chính trị mà nước này đang cố giữ gìn.

Về Trung Đông và Bắc Phi, Obama liệt kê ra 4 vấn đề trước tiên: bảo vệ các đồng minh của Mỹ trước sự xâm lược bên ngoài; đảm bảo dòng chảy tự do của năng lượng, đặc biệt là dầu lửa; tiêu diệt các mạng lưới khủng bố đe dọa người Mỹ; và ngăn chặn sự phát triển -  sử dụng vũ khí hủy diệt hàng loạt.

Trong nỗ lực bảo vệ các lợi ích cốt lõi này, Obama nói: "Mỹ sẵn sàng sử dụng mọi yếu tố sức mạnh của mình, bao gồm sức mạnh quân sự". Nếu như điều này có vẻ giống như chủ nghĩa thực dụng đã lỗi thời thì Obama không đi quá xa để xua tan ấn tượng đó.

Nguyên tắc phân loại của Obama cũng được thiết kế một cách rõ ràng để biện hộ cho hành động quân sự của Mỹ ở Syria và Iran. Nhưng ngay cả ở trong các vấn đề này, ông cũng hăm hở chỉ ra rằng ngoại giao vẫn là một lựa chọn mà Mỹ ưa thích.

Về Syria, ông nhắc tới việc chính quyền Assad thừa nhận về các kho vũ khí hóa học, vốn là bước đầu tiên trong kế hoạch của Tổng thống Nga Vladimir Putin, gắn kế hoạch này với lời kêu gọi về "một nghị quyết mạnh mẽ của Hội đồng Bảo an để xác minh chính quyền Assad giữ đúng các cam kết".

Quay sang các cuộc hòa đàm vốn đã bị trì hoãn suốt một năm qua, ông nhắc lại lập trường của mình rằng ông Assad phải ra đi. "Khái niệm Syria có thể trở lại nguyên trạng trước chiến tranh là một sự tưởng tượng", Obama bình luận song nói thêm rằng các kẻ thù của Assad cũng cần phải chấp nhận rằng "người Syria không đủ sức chịu đựng một sự sụp đổ của các thể chế nhà nước, và rằng một sự dàn xếp chính trị là không thể đạt được nếu không giải quyết được nỗi lo sợ của người Alawite và các cộng đồng thiểu số khác".

Giây phút cuốn hút nhất trong bài phát biểu là quả quyết của Obama rằng ông đang phấn chấn trước những tuyên bố ôn hòa mới đây của Tổng thống Hassan Rouhani, và rằng ông quyết tâm cho ngoại giao một cơ hội để giải quyết bài toán hạt nhân. Cũng quan trọng không kém là sự thừa nhận của Obama rằng người Iran có một số bất bình chính đáng về sự can thiệp của Washington ở nước Cộng hòa Hồi giáo, trong đó "vai trò của Mỹ trong việc lật đổ chính phủ Iran thời Chiến tranh Lạnh".

Nhắc đến việc người Iran vây bắt các con tin Mỹ và dọa phá hủy Israel, Obama nhấn mạnh thêm: "Tôi không tin lịch sử gian khó này có thể được vượt qua chỉ trong một đêm - sự nghi ngờ là quá sâu sắc. Nhưng tôi thực sự tin nếu chúng ta có thể giải quyết vấn đề chương trình hạt nhân Iran, thì điều đó có thể đóng vai trò như một bước quan trọng trên con đường dài hướng tới một mối quan hệ khác biệt - một mối quan hệ dựa trên các lợi ích chung và sự tôn trọng lẫn nhau".

Phe tân bảo thủ và người Israel có thể coi đây là một ý nghĩ huyễn hoặc và mơ tưởng. Nhưng Obama - đã lùi xa khỏi vách núi Syria - dường như quyết tâm làm sống lại câu châm ngôn của Churchill: "Đấu tranh ôn hòa luôn tốt hơn là gây chiến" và tại sao không?

Nếu ông thực hiện được những cam kết với Syria về vũ khí hóa học và với Iran về chương trình hạt nhân thì Obama sẽ đạt được nhiều thành công lớn. Bên cạnh đó, như ông đã nhắc nhở người nghe, rằng sau một thập niên các cuộc chiến ở nước ngoài thì có rất ít người bên trong nước Mỹ muốn hành động quân sự.

Khái niệm đế quốc Mỹ có thể là một sự tuyên truyền hữu ích nhưng nó không được xác định bởi chính sách hiện tại hay công luận thời nay ở nước này. Thêm vào đó, như những bàn luận gần đây ở Mỹ về Syria cho thấy, mối nguy hiểm đối với thế giới không phải là một nước Mỹ năng nổ lao vào vấn đề của các nước khác, hay tự đảm đương mọi vấn đề trong khu vực. Mà nguy hiểm của thế giới là nước Mỹ - sau một thập niên chiến tranh, đang phải đau đầu với các vấn đề trong nước, và biết rõ sự thù địch về ràng buộc của Mỹ trong khu vực đang tăng cao khắp thế giới Hồi giáo - có thể lùi xa, tạo ra một khoảng trống lãnh đạo mà không một nước nào sẵn sàng lấp đầy.

Thanh Hảo (Theo New Yorker)