Các nhà lãnh đạo dân chủ từ Mexico tới Argentina luôn không bằng lòng với ảnh hưởng của Mỹ và họ hiện sẵn lòng hành động, đặc biệt sau bê bối do thám của tình báo Mỹ.
Châu Mỹ vì người Mỹ, đó là nền tảng của chính sách ngoại giao Mỹ. Học thuyết này, được Tổng thống James Monroe đưa ra cách đây 190 năm, có nghĩa là người ngoại quốc phải tránh xa sân sau của Mỹ.
Trong nhiều thập niên, chính sách ngoại giao Mỹ tồn tại tốt với giới tinh hoa ở Mỹ Latinh. Mỹ thậm chí còn ủng hộ các vị tướng tới nhà độc tài nếu những người đàn ông mặc quân phục đó yêu quý Washington. Tuy nhiên, những ngày đó đã xa.
Không giống người châu Âu, những người ngấm ngầm ủng hộ Mỹ trong bê bối do thám rộng khắp, người Mỹ Latinh rất tức giận.
Trong một động thái đầy quyết liệt, Tổng thống Brazil Dilma Rousseff - một nhà lãnh đạo ôn hòa, đã quyết định hủy chuyến thăm Mỹ cấp nhà nước. Phe cánh tả trong vùng hiện giờ cũng kiên quyêt hơn và những người ở cánh hữu cũng bị ép lên tiếng.
Các chuyên gia Mỹ có thể khăng khăng tập trung vào Syria nhưng ở sân sau một cuộc nổi dậy đang lớn dần. Bê bối của cơ quan an ninh quốc gia (NSA) buộc các lãnh đạo trong vùng không thể bình thản thêm nữa.
Quyết định của Brazil là dấu hiệu lớn nhất. Tổng thống Rousseff quyết định hủy chuyến thăm sau khi phát hiện việc liên lạc cá nhân của bà bị do thám. Nhiều lãnh đạo Nam Mỹ đã gọi điện để ủng hộ bà, trong đó có Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos, đồng minh thân cận duy nhất còn lại của Mỹ tại khu vực.
Tổng thống Brazil thề tấn công chương trình do thám của Mỹ tại Liên Hợp Quốc. Boeing hiện có nguy cơ mất thỏa thuận trị giá 4 tỷ đô về máy bay chiến đấu.
Cho dù không có "bước đệm" Brazil, phe cánh tả vẫn rất quyết tâm. Tổng thống Bolivia Evo Morales tuyên bố sẽ kiện Tổng thống Obama ở các tòa án quốc tế vì vi phạm nhân quyền sau khi Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro bị chặn vài giờ khi bay qua Pueto Rico.
Tổng thống Bolivia và Venezuela cùng với người đứng đầu Ecuador Rafael Correa nhiều khả năng nỗ lực để đưa kẻ tiết lộ bí mật Edward Snowden sang Nam Mỹ.
Các thông tin của NSA bị lộ cũng khiến Tổng thống Argentina Cristina Kirchner liên lạc với Brazil để tăng cường phòng thủ mạng của hai nước.
Các quốc gia trong vùng đang tập chung chú ý vào dự án này, nhằm phát triển hệ thống thư điện tử riêng: được thiết kế đặc biệt cho những người không muốn dùng tài khoản Google hay Yahoo (Google và Yahoo cho phép tình báo Mỹ xâm nhập vào hệ thống). Đây là một sự trả đũa công khai, nhưng có thể xảy ra đằng sau cánh cửa đóng kín.
Sự hiện diện của Mỹ hiện vẫn rất quan trọng song "ngôi sao Trung Quốc" đang lên nhanh chóng ở khu vực với tư cách là đối tác thương mại của Mỹ Latinh, vì thế, Mỹ đang bị gây sức ép.
Ảnh hưởng của Mỹ trong thời điểm này xuống thấp tới mức thậm chí Tổng thống Mexico theo đường lối bảo thủ Enrique Peña Nieto cũng buộc phải lên tiếng đòi tiến hành một cuộc điều tra. Sức ép chính trị khiến ông Nieto không có lựa chọn nào khác mà phải lên án NSA đánh cắp dữ liệu về việc lựa chọn bộ trưởng của ông.
- Lê Nguyễn (Theo Rian)