TIN BÀI LIÊN QUAN:
Thủ tướng Anh David Cameron tuyên bố Anh sẽ "dẫn đầu cuộc tranh luận về viện trợ nhân đạo" tại hội nghị G20. |
Theo Thủ tướng Anh, các nhà khoa học ở các phòng thí nghiệm Porton Down đã "kiểm
tra các mẫu" lấy từ thủ đô Syria. Bộ Quốc phòng Anh xác nhận thông tin họ đã tìm
thấy dấu vết khí Sarin trên các mẫu đất và quần áo.
Ông Cameron cũng phủ nhận các cáo buộc ông không "có vai trò" về Syria sau khi
Quốc hội nước này bác bỏ kế hoạch hành động quân sự chống chính quyền Damascus.
Nhà lãnh đạo này khẳng định Anh sẽ dẫn đầu các kêu gọi hành động nhiều hơn nữa
về viện trợ cho người tị nạn và thúc đẩy các cuộc hội đàm hòa bình mới.
Thủ tướng Anh cho biết nước ông sẽ "dẫn đầu cuộc tranh luận về viện trợ nhân đạo" tại hội nghị G20.
"Anh sẽ là một trong những nước đi đầu trong việc thúc đẩy các kế hoạch về một tiến trình hòa bình cho Syria. Anh sẽ dẫn đầu cuộc thảo luận trên toàn cầu về việc tiếp tục phản ứng mạnh mẽ đối với các vũ khí hóa học".
"Tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, sau khi đặt ra một ranh giới đỏ cho việc tiếp tục sử dụng vũ khí hóa học thì sẽ là sai lầm nếu Mỹ muốn lùi bước và, đặt ra một ranh giới đỏ rồi lại không làm gì cả. Tôi nghĩ như thế sẽ phát đi một tín hiệu xấu tới Tổng thống Assad và tới các lãnh đạo chuyên quyền ở những nơi khác".
Chính phủ Syria bị cáo buộc đã vài lần dùng vũ khí hóa học chống lại thường
dân trong cuộc xung đột kéo dài 30 tháng qua ở nước này - gần đây nhất là cuộc
tấn công quy mô lớn ngày 21/8 ở ngoại ô thủ đô Damascus. Chính quyền Bashar
al-Assad phủ nhận các cáo buộc và tuyên bố quân nổi dậy là thủ phạm.
Tuy nhiên, Thủ tướng Anh cho biết, bằng chứng chính quyền Assad dùng vũ khí hóa
học "đang tăng dần theo thời gian". Ông nhấn mạnh, các nhà khoa học tại các
phòng thí nghiệm nghiên cứu chiến tranh hóa học của Anh ở Porton Down đã phát
hiện bằng chứng "chứng tỏ thêm việc sử dụng vũ khí hóa học ở ngoại ô Damascus".
Sarin là một loại khí cực độc không màu, không mùi và không vị. Khí này tấn công vào hệ thống thần kinh, làm suy hô hấp và có thể gây tử vong chỉ trong vòng vài phút.
Syria không chính thức nằm trong nghị trình của hội nghị G20 ở St Peterburg, hội nghị dự kiến bàn về sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, chủ đề về đất nước Tây Á này được cho là sẽ lấn át các cuộc gặp không chính thức bên lề hội nghị.
Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu hội đàm không chính thức với các nhà lãnh đạo khác khi ông vận động về hành động quân sự nhằm vào Syria vì cho rằng chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học.
Tuy nhiên, Tổng thống Nga Vladimir Putin cảnh báo hành động quân sự mà không được Liên Hợp Quốc chấp thuận sẽ là "một cuộc xâm lược".
Trước đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Anh Liam Fox bình luận rằng việc Hạ viện
Anh bác bỏ hành động quân sự chống Syria đã khiến Thủ tướng Cameron thành người
"ngoài cuộc".
Trong khi đó, Ngoại trưởng William Hague khẳng định Anh vẫn "toàn tâm đứng sau"
phe đối lập Syria sau khi trò chuyện với lãnh đạo của phe này ở London. Ông và
Chủ tịch Liên minh quốc gia Syria Ahmad Al-Jarba đã thảo luận cách thức London
có thể cung cấp nhiều hơn nữa "sự hỗ trợ phi sát thương" cho cuộc chiến chống
chính quyền Assad.
Thanh Hảo (Theo BBC)