Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel lên tiếng cáo buộc rằng chính Nga là người cung cấp vũ khí hóa học cho quân đội Syria, nhưng Lầu Năm Góc sau đó rút lại lời tuyên bố và nói rằng ý ông Hagel muốn nói là vũ khí thông thường.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Những người bị thương sau vụ tấn công mà chính phủ nói rằng do vũ khí hóa học gây nên trong vụ 19/3 ở gần Aleppo, Syria.

Mỹ đổ tội cho Nga

Phát biểu trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại của Thượng viện, ông Hagel nói rằng: "Chẳng có gì là bí mật khi chế độ Assad có vũ khí hóa học, một lượng lớn các kho vũ khí hóa học".

Khi một Nghị sĩ hỏi rằng nguồn gốc số vũ khí hóa học trên ở đâu, ông Hagel trả lời rằng: "Người Nga đã cung cấp, một số nước khác đang cung cấp số vũ khí hóa học trên, và họ [Syria] tự chế". 

Tuy nhiên, ông Hagel không cung cấp thêm các chi tiết cụ thể.

Từ lâu, Nga tuyên bố chỉ cung cấp vũ khí thông thường cho Syria, và các thương vụ chuyển gia vũ khí này tuân thủ nghiêm ngặt luật quốc tế và rằng Moscow không hề muốn thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực đầy bất ổn này.

Mặc dù Moscow không đưa ra lời bình luận trực tiếp nào đáp trả phát ngôn của ông Hagel, nhưng một chuyên gia quân sự của Nga đã phản ứng dữ dội.

"Tuyên bố của người đứng đầu Lầu Năm Góc là một lời nói dối rành rành, y chang như các mẫu bệnh than từ kho vũ khí của cựu Tổng thống Iraq Saddam Hussein mà cựu Ngoại trưởng Mỹ Collin Powell đưa ra trước Hội đồng Bảo an" - Igor Korotchenko, thành viên của Hội đồng công chúng trong Bộ Quốc phòng Nga và là Tổng biên tập của tờ tạp chí Quốc phòng Quốc gia, bình luận.

Igor Korotchenko ám chỉ lại vụ việc năm 2003, khi ông Powell đã đưa ra một ống nghiệm trong đó đựng mẫu bệnh than mà Mỹ vu là của Iraq, sau đó lấy cớ này để lật đổ Saddam Hussein. Tuy nhiên, cuộc chiến do Mỹ dẫn đầu đã lật đổ được chính quyền Iraq khi đó, nhưng không tìm ra thứ vũ khí sinh học nào như vậy.

"Hoa Kỳ có những đơn vị đặc biệt tinh nhuệ và mạnh mẽ, và ông Hagel có thể yêu cầu những đơn vị này thu thập thông tin đầy đủ cho thấy Liên bang Nga chưa bao giờ cung cấp các vũ khí hủy diệt hàng loạt cho bất kỳ ai, thậm chí là các đồng minh thân cận nhất" - ông Igor Korotchenko nói.

Trong một tuyên bố đưa ra sau đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc George Little đã đính chính lại lời phát biểu của ông Chuck Hagel: "Trong lúc trả lời một thành viên của Nghị viện, Bộ trưởng Hagel muốn ám chỉ tới mối quan hệ về mặt vũ khí thông thường giữa Syria và Nga".

Ông Little nói rằng chương trình vũ khí hóa học của Syria 'chủ yếu xuất xứ trong nước', nhưng lưu ý rằng Nga đã cung cấp nhiều loại thiết bị quân sự và bổ trợ khác nhau cho Syria, 'một số trong đó có thể được cải tiến hoặc sử dụng để hỗ trợ chương trình vũ khí hóa học".

Nga: Vũ khí hóa học tại Syria có nguồn gốc từ phương Tây

Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga vừa mới cung cấp các phát hiện mà họ tìm được liên quan tới việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria.

Theo đó, các chứng cứ từ khu vực Khan al-Assal cho thấy loại hóa chất được sử dụng trong vụ tấn công hôm 19/3 không hề liên quan tới loại đạn dược tiêu chuẩn trong quân đội Syria, và loại đạn súng cối mang theo chất độc này tương tự như loại mà các nhóm nổi dậy 'tự chế'.

Bộ Ngoại giao Nga đã đưa ra thông cáo chủ yếu là lôi kéo sự chú ý vào "một loạt thông tin chú trọng vào việc đặt trách nhiệm cho việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria lên (chính quyền) Damascus, cho dù kết quả các cuộc điều tra của Liên Hợp Quốc vẫn chưa được công bố".

Nga cũng chỉ rằng cũng theo cách đó mà 'hành động quân sự được trải lối đi' nhằm chống lại Damascus.

Nhưng mẫu vật phẩm được lấy từ khu vực xảy ra vụ tấn công 19/3 do chuyên gia Nga phân tích cho thấy, loại đạn mang theo chất độc thần kinh sarin gây chết người bắn vào Khan al-Assal chủ yếu là của phiến quân.

Bản báo cáo dài 100 trang đã được Nga trình lên Liên Hợp Quốc, trong đó có các điểm chính sau:

- Loại đạn pháo dùng trong vụ tấn công 'không hề có trong loại đạn tiêu chuẩn của quân đội Syria, đây là loại đạn pháo được chế tác sơ sài và khớp với loại hình, thông số của các loại tên lửa tự hành không điều khiển tự động do lữ đoàn Bashair al-Nasr lắp ráp ở phía bắc Syria'.

- RDX hay còn được biết tới tên gọi là hexogen hay cyclonite được sử dụng để đẩy đạn pháo, và nó 'không hề được sử dụng trong các loại đạn dược hóa học tiêu chuẩn ở Syria'.

- Các mẫu đạn pháo chứa 'diisopropylfluorophosphate và chất độc thần kinh sarin không được tổng hợp theo phương pháp công nghiệp hóa', và là loại 'được các quốc gia phương Tây sử dụng để chế tạo nên vũ khí hóa học trong suốt thời kỳ Chiến tranh thế giới II'.

Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh rằng các phát hiện trong báo cáo 'cực kỳ rành mạch' vì nó chứa các dữ liệu khoa học và kỹ thuật từ phân tích chứng cứ, và có thể hỗ trợ quá trình điều tra vụ việc thảm sát hôm 21/8 cũng như vụ đầu độc bằng vũ khí hóa học khác tại Syria.

Lê Thu (theo RT/RIA/Reuters)