Trong khi vận động tìm kiếm sự ủng hộ từ các nhà lập pháp để tiến hành không kích Syria, Tổng thống Obama đã nhận được sự ủng hộ lớn từ các nhân vật chủ chốt trong Quốc hội, kể cả những người bên Đảng Cộng hòa.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ủng hộ của các nhân vật 'diều hâu'

Với quyết định lui lại thời gian tấn công để chờ sự phê chuẩn của Quốc hội, Tổng thống Obama khiến cả đồng minh lẫn kẻ thù phải giật mình. Ông Obama đã gặp các lãnh đạo Quốc hội tại Nhà Trắng để hối thúc một quyết định đúng lúc và đảm bảo rằng cuộc chiến này sẽ không dai dẳng như ở Iraq hay Afghanistan.

John Boehner - người phát ngôn của Hạ viện Mỹ và lãnh đạo Đa số Eric Cantor của Hạ viện đều tuyên bố ủng hộ hành động quân sự sau cuộc họp tại Nhà Trắng.

Các buổi bỏ phiếu phê chuẩn của Thượng và Hạ viện sẽ diễn ra vào tuần tới, thách thức với ông Obama sẽ là một Hạ viện do phe Cộng hòa chiếm ưu thế.

Lãnh đạo Hạ viện nói rằng việc bỏ phiếu này sẽ là bỏ phiếu thẳng thắn, điều đó cũng có nghĩa là họ sẽ không tìm cách tác động lên lá phiếu của các nghị sĩ. Đồng thời, nếu không có được sự ủng hộ của hai nhà lập pháp hàng đầu của Đảng Cộng hòa, ông Obama coi như bị nhận một 'đòn' đáng kể.

"Tôi tin là các đồng nghiệp của tôi nên ủng hộ lời kêu gọi hành động [quân sự] - ông Boehner nói.

Trước đó, Nghị sĩ hàng đầu của phe Cộng hòa là John McCain cũng lên tiếng ủng hộ hành động quân sự của ông Obama, và nói rằng "việc Quốc hội bỏ phiếu chống lại nghị quyết (đánh Syria) sẽ là một thảm họa".

Nghị sĩ hàng đầu của phe Dân chủ tại Hạ viện cũng lên tiếng ủng hộ các cuộc không kích sau khi có cuộc gặp với Tổng thống Obama. Nhưng ông Obama vẫn phải thuyết phục được các nhà lập pháp khác, bao gồm cả những người của phe Dân chủ - những người từng nói rằng bản dự thảo nghị quyết của Tổng thống có cái kết 'quá mở'. 

Không chỉ không kích?

Sau khi Liên Hợp Quốc cho biết có khoảng hai triệu người dân Syria đã sơ tán khỏi đất nước, và đây là mối đe dọa lớn nhất tới thế giới kể từ năm 1975 tới nay, ông Obama nói rằng Mỹ phải mở rộng kế hoạch để giúp phe đối lập đánh bại lực lượng của Tổng thống Assad.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và Bộ trưởng Quốc phòng Chuck Hagel đã đưa thông điệp của Nhà Trắng tới phiên điều trần tại Ủy ban Quan hệ Đối ngoại của Thượng viện. Vấn đề nổi cộm trong phiên điều trần là liệu có nên điều động thêm lực lượng trên mặt đất đến Syria hay không.

Ông Kerry nói rằng nội dung của bản nghị quyết vẫn đang được xây dựng, nhưng điều quan trọng là vẫn phải để ngỏ các phương án sử dụng quân đội trong bối cảnh "Syria nổ tung" và các kho vũ khí hóa học cần được bảo toàn khỏi tay lực lượng cực đoan.

"Tôi biết là chính quyền không hề có một chút ý định nào điều quân trên bộ và trong chừng mực của việc ủy quyền này, tôi tin rằng chúng ta không hề có một vấn đề nào trong việc bổ sung thêm một số điều khoản cấm ở đây nếu như điều đó khiến các vị yên lòng" - ông Kerry nói với các nghị sĩ.

Trước đó, ông Obama đặt ra giả thiết về một cuộc không kích 'chớp nhoáng' và 'giới hạn' trong mức độ trừng phạt chính quyền Syria.

Mặc dù vậy, Tổng thống Mỹ cũng nói rằng họ sẽ hậu thuẫn cho phe đối lập mạnh mẽ hơn. "Những gì chúng tôi hình dung ra thì rất hạn chế, cân xứng. Hành động này chỉ làm suy yếu tiềm lực của Tổng thống Assad. Cùng với đó, chúng tôi sẽ có một chiến lược lớn hơn cho phép nâng cấp tiềm lực của phe đối lập" - ông Obama nói.

Một cuộc Chiến tranh Lạnh mới

Đặt câu hỏi về tính hợp pháp của hành động quân sự mà Mỹ lên kế hoạch nhằm không kích Syria mà không có sự đồng ý của Liên Hợp Quốc, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nói rằng việc sử dụng vũ lực chỉ hợp pháp khi đó là hành động tự vệ hoặc được Hội đồng Bảo an phê chuẩn.

Ông Ban nói rằng nếu như các thanh sát viên LHQ xác nhận việc sử dụng vũ khí hóa học tại Syria, thì HĐBA nên bỏ qua các bất đồng và có hành động.

Trong khi đó, Nga cùng với Trung Quốc đã phủ quyết ba lần tại HĐBA để phong tỏa các nghị quyết chỉ trích chính quyền Tổng thống Assad và đe dọa với các lệnh trừng phạt.

Tuy nhiên, ông Obama nói rằng ông cảm thấy 'yên tâm khi tiến hành mà không cần sự thông qua của HĐBA LHQ - cơ quan lúc này vẫn đang hoàn toàn tê liệt'.

Còn Đại sứ Syria tại LHQ Bashar Ja'afari lại dành những lời lẽ chỉ trích nặng nề cho chính quyền Obama sau phiên họp kín giữa  lãnh đạo giải trừ quân bị của LHQ là Angela Kane và 37 thành viên của LHQ yêu cầu Tổng thư ký Ban Ki-moon điều tra vụ tấn công khí độc hôm 21/8.

"Ai khiến ông Obama trở thành kẻ bắt nạt của thế giới?" - Đại sứ Ja'afari nói.

Trong khi đó, điều tra dư luận của hãng Reuters/Ipsos hôm qua cho thấy 56% người dân Mỹ nói rằng không nên can thiệp vào Syria, chỉ có 19% ủng hộ Mỹ hành động quân sự. Đây là một sự thay đổi quan trọng trong dư luận Mỹ kể từ tuần qua.

Cuộc xung đột đã chia rẽ Trung Đông thành các phe phái khác nhau, với việc Iran gồm có đa phần người Hồi giáo dòng Shi'ite ủng hộ chính quyền Assad, còn các đồng minh của Washington tại Ả Rập lại ủng hộ phe đối lập với đa số là dòng Sunni. Theo các nhà bình luận, cuộc chiến tại Syria đã khơi dậy các mối căng thẳng kiểu Chiến tranh Lạnh giữa các cường quốc châu Âu và Moscow.

Lê Thu (theo Reuters)