Hơn 40.000 người Syria đã vượt qua biên giới vào Iraq chỉ trong 2 tuần qua với hy vọng tìm được nơi trú ẩn tránh xa khỏi chiến tranh ở quê nhà.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Con số kể trên chỉ là một phần trong số 2 triệu người đã rời Syria sang các nước láng giềng. Tuy nhiên, tình trạng thiếu quỹ viện trợ cho người tị nạn có nghĩa là họ đang phải sống trong các điều kiện hết sức khắc nghiệt.
Trại tị nạn Zaatari rộng lớn ở Jordan là nơi hiện có hơn 120.000 người Syria.
Người đứng đầu Cơ quan Tị nạn của Liên Hợp Quốc (UNHCR) ở Syria, Tarik Kurdi,
cho biết: "UNHCR đã đề nghị khoảng 250 triệu USD (từ các nhà viện trợ quốc tế)
nhưng chúng tôi mới chỉ nhận được khoảng 70 triệu USD".
Các tổ chức viện trợ thiếu tiền mặt đang nỗ lực hết sức để cung cấp các chương
trình giúp đỡ nhưng nguồn tài chính hiện quá hạn hẹp để có thể mang cơ hội học
tập đến cho trẻ nhỏ, và ở một số nơi giúp người tị nạn tiếp cận nước sạch và
chăm sóc y tế.
Trong khi đó, một số người Syria chọn cách để người thân an toàn lại Iraq rồi
liều mạng trở lại quê nhà.
Các cơ quan Liên Hợp Quốc ước tính, một nửa số người Syria buộc phải rời đi là
trẻ nhỏ, với khoảng 3/4 dưới 11 tuổi.
Theo thống kê của Liên Hợp Quốc, trong số 2 triệu dân Syria tị nạn thì có tới
700.000 người chạy sang Lebanon, quốc gia nhỏ nhất trong số các láng giềng của
Syria. Đích đến tiếp theo là hai nước Jordan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Pháp và Mỹ hiện đang tiếp tục thúc đẩy hành động quân sự nhằm vào Syria sau khi
có các cáo buộc chính quyền Damascus dùng khí độc tấn công dân thường.
Tổng
thống Bashar al-Assad bác bỏ các cáo buộc và cảnh báo một hành động quân sự nước
ngoài có thể nhóm lên lò lửa xung đột rộng hơn trên toàn khu vực.
Thanh Hảo (Tổng hợp)