Tuyên bố trên được Tổng thống Mỹ Barack Obama đưa ra sau khi Ngoại trưởng John Kerry khẳng định các lực lượng chính phủ Syria đã giết chết 1.429 người trong một vụ tấn công vũ khí hóa học ở Damascus ngày 21/8.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}
Tổng thống Mỹ Barack Obama

Ông Kerry cho biết con số nói trên gồm 426 trẻ nhỏ. Quan chức này mô tả vụ tấn công là một "nỗi kinh hoàng không thể tưởng tượng được".

Tổng thống Barack Obama sau đó tuyên bố Mỹ đang cân nhắc một "hành động hạn hẹp" để đáp trả.

Phía chính quyền Syria gọi cáo buộc của Ngoại trưởng Mỹ là "dối trá hết sức", khẳng định chính quân nổi dậy là thủ phạm. Hãng thông tấn nhà nước Syria (Sana) lên án ông Kerry - người trích dẫn đánh giá tình báo của Mỹ - đang sử dụng "tài liệu dựa trên những câu chuyện cũ rích mà bọn khủng bố đăng tải một tuần trước".

Mỹ tuyên bố, đánh giá của nước này dựa trên lời kể của các nhân viên y tế, các nhân chứng, các phóng viên, các đoạn video và hàng nghìn bản tin truyền thông xã hội.

Nhóm thanh sát viên vũ khí hóa học của Liên Hợp Quốc đã tiến hành điều tra các vụ tấn công được cho là bằng khí độc ở Syria và sẽ báo cáo kết quả sơ bộ lên tổ chức này sau khi họ rời Damascus trong hôm nay (31/8).

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Kerry nhấn mạnh Mỹ đã có trong tay sự thật, và kết quả điều tra của các chuyên gia Liên Hợp Quốc sẽ không có gì mới. Ông nói rằng bằng chứng trong đánh giá tình báo cho thấy các lực lượng chính phủ Syria đã dành 3 ngày ở đông Damascus để chuẩn bị cho cuộc tấn công.

"Chúng tôi biết rocket chỉ xuất phát từ các khu vực do chính phủ kiểm soát và đáp xuống các khu vực do phe đối lập nắm giữ", ông nhấn mạnh. "Tất cả những điều chúng tôi biết thì cộng đồng tình báo Mỹ có sự tin tưởng cao độ".

Tuy vậy, người đứng đầu Bộ Ngoại giao Mỹ khẳng định bất kỳ phản ứng nào của Mỹ sẽ được đánh giá kỹ lưỡng và sẽ không liên quan đến một chiến dịch kéo dài như Iraq hay Afghanistan.

Ít có khả năng Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc sẽ thông qua bất cứ một sự can thiệp quân sự nào vào Syria, bởi vì Nga, một trong 5 thành viên thường trực của Hội đồng - là một đồng minh thân cận của chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad.

Trước kia, Nga cùng với Trung Quốc từng phủ quyết hai dự thảo nghị quyết về Syria.

Mỹ cũng chịu một cú giáng ngày 29/8 khi Quốc hội Anh phản đối đề nghị ủng hộ nguyên tắc can thiệp quân sự. Cuộc bỏ phiếu của các nghị sĩ nước này loại trừ khả năng London sẽ tham gia bất kỳ liên minh quân sự tiềm ẩn nào.

Cùng ngày, Thủ tướng David Cameron và Tổng thống Obama đã trò chuyện qua điện thoại, nhất trí sẽ tiếp tục hợp tác về các vấn đề quốc tế. Nhà lãnh đạo Mỹ nói với phía Anh rằng ông "hoàn toàn tôn trọng" cách tiếp cận mà chính phủ Anh lựa chọn, theo văn phòng của Thủ tướng nước này.

Sau diễn biến bất ngờ ở Anh, các nhà chức trách Mỹ tuyên bố họ sẽ vẫn tiếp tục thúc đẩy một liên minh, và Pháp cho biết nước này sẵn sàng hành động ở Syria cùng với Mỹ.

Cả Pháp và Mỹ đều không cần Quốc hội thông qua mới được hành động.

Tổng thống Pháp Francois Hollande cũng đã trò chuyện với người đồng cấp Mỹ vào cuối ngày 30/8 và hai ông đã nhất trí rằng cộng đồng quốc tế phải "gửi một thông điệp mạnh mẽ" lên án các cuộc tấn công hóa học.

Thổ Nhĩ Kỳ, một đồng minh khác của Mỹ, kêu gọi hành động tương tự các vụ nã bom của NATO vào Yugoslavia cũ năm 1999. Khi đó, NATO đã tiến hành 70 ngày không kích nhằm bảo vệ dân thường khỏi bị tấn công ở Kosovo, mặc dù không có một nghị quyết nào của Liên Hợp Quốc.

Ước tính, hơn 100.000 người đã tử vong kể từ khi xung đột nổ ra ở Syria hồi tháng 3/2011. Cuộc nội chiến này cũng khiến cho ít nhất 1,7 triệu dân Syria phải đi tị nạn.

Thanh Hảo (Theo BBC)