TIN BÀI LIÊN QUAN:
Rất nhiều điểm chung đã xuất hiện - các thanh sát viên vũ khí làm việc tại
hiện trường trong khi thông tin tình báo được thu thập để tạo cớ. Các phủ nhận
từ chế độ bị nhắm tới và những cuộc điện thoại lúc nửa đêm huy động sự hỗ trợ
quốc tế cho hành động. Và tất nhiên còn cả một công chúng hoài nghi.
Nhiều người hẳn đang nghĩ cuộc chiến 2003 lại hiện hình, lần này với Obama, Cameron và Assad thay vì Bush, Blair và Saddam.
Tuy nhiên, một số hình ảnh chủ chốt vẫn còn thiếu vắng. Năm xưa, khoảng 1 triệu người đã đổ ra đường phố London vào một buổi sáng tháng 2 u ám - cuộc biểu tình lớn nhất từng được biết đến ở thủ đô nước Anh.
Đối với Laurie Penny 16 tuổi đến từ Brighton, đây là lần đầu tiên em trốn học. 10 năm sau, cô gái đó nhớ lại những hành động lịch sự của đám đông và những bữa trưa được đóng gói sẵn.
"Khi chúng tôi xuống xe buýt, mọi chỗ trống ven đường đã chật ních, người ta tràn ra vỉa hè, tham gia cùng hàng trăm người đổ ra đường, những người bán còi và bán báo chỉ dẫn chúng tôi. Dưới những cây cầu bắc qua sông, mọi người di chuyển như một dòng nước lũ".
Vài tuần sau đó, cuộc xâm lược khai màn.
Giờ đây, là một cây bình luận của tạp chí New Statesman, Penny cho biết, lúc
đó, người dân tin rằng tham gia tuần hành sẽ có thể làm thay đổi nhiều thứ.
"Nhưng thực tế không phải như vậy đã phá vỡ một điều gì đó về mặt ràng buộc của
thế hệ tôi với dân chủ đại diện".
Cảm giác vỡ mộng ở những người biểu tình bị xáo trộn khi các sự kiện dần bộc
lộ. Ba bộ trưởng chính phủ Anh từ chức và cái gọi là "dodgy dossier" được sử
dụng như một cớ cho chiến tranh đã trở thành biểu tượng cho những lo lắng sâu xa
của những người chỉ trích chiến tranh.
Biểu tình phản đối chiến tranh Iraq ở London.
Một số cuộc điều tra không dập tắt được nỗi tức giận dâng cao khi chiến dịch tìm kiếm vũ khí hủy diệt hàng loạt của Saddam Hussein - cớ phát động chiến tranh - không cho kết quả nào. Mỹ rút cuộc từ bỏ việc tìm kiếm vào năm 2005.
Trước khi xâm lược Iraq, tất cả các nước châu Âu đều ngán ngẩm với những cuộc
biểu tình rộng khắp, nhưng Mỹ thì không - theo James Traub, cây viết của tạp chí
Foreign Policy. Mặc dù một số người Mỹ cũng nghĩ xâm lược Iraq là một ý kiến tồi
nhưng họ cho rằng đổ ra đường biểu tình sẽ có vẻ như là không yêu nước, do tâm
trạng sau vụ 11/9.
Còn lần này, phần lớn họ đều có cảm nghĩ chiến tranh là vô ích.
Những tranh cãi tiếp tục diễn ra rất ác liệt về việc liệu Iraq giờ đây có là một một đất nước tốt đẹp hơn không. Nhưng phần lớn người dân Mỹ và Anh vẫn tin rằng chiến tranh là một thất bại, và niềm tin đó dường như đang lấn át về Syria.
Một cuộc thăm dò được thực hiện cách đây vài tuần bởi YouGov cho trường Đại học Essex cho thấy, chỉ 2% người Anh xem cuộc chiến Iraq là thành công. Ở Mỹ, con số này vỏn vẹn 8%.
Tiến sĩ Thomas Scotto - người tổ chức cuộc thăm dò - nói rằng đây là một phần nguyên nhân tại sao đa số người Anh và gần một nửa số dân Mỹ phản đối hành động quân sự chống lại Tổng thống Syria Assad.
Công chúng Anh vẫn còn mang nhiều vết sẹo, theo Toby Dodge, một chuyên gia về Iraq tại Viện Các nghiên cứu chiến lược ở London. "Trong suy nghĩ của họ, điểm chung là chúng ta đã được cử tham gia chiến tranh dựa trên những điều dối trá và nó không làm cho Iraq thành một nước tốt đẹp hơn, vậy tại sao chúng ta lại hành động như thế một lần nữa?".
Dodge cho rằng, "tàn tích Iraq" đã khiến công chúng hoài nghi về những gì các chính trị gia khoa trương. Vì vậy, dù có sốc khi chứng kiến những gì xảy ra ở Syria thì họ cũng không ủng hộ một hành động quân sự.
Irq cũng còn hiện rất rõ trong suy nghĩ của nhiều lãnh đạo quân sự và họ đã nhấn mạnh sự thận trọng tuyệt đối về Syria. Tuy nhiên, điều đó dường như không phải là vấn đề với các chính trị gia Anh kêu gọi hành động, theo Dodge. Họ vẫn khăng khăng cho rằng hai sự kiện sẽ chẳng có gì tương đồng.
Về tâm trạng của người Mỹ về Syria, có hai phe phản đối hành động rộng khắp - cả hai đều chịu ảnh hưởng bởi Iraq và Afghanistan, theo Barray Pavel - một cựu trợ lý đặc biệt cho Tổng thống Bush và Tổng thống Obama về các vấn đề an ninh quốc gia.
Một phe nhìn chung quá mệt mỏi với việc Mỹ cứ cố đi sửa chữa các vấn đề của nước khác mà chẳng được lợi lộc gì. Phe còn lại nghĩ về gia đình các quân nhân, những người sẽ mất một thời gian dài để làm lành vết thương chiến tranh mà họ phải chịu đựng khi con em mình tử trận hoặc bị thương nơi chiến trường quá xa nhà.
Thanh Hảo (Theo BBC)