Đô đốc D.K. Joshi của Hải quân Ấn Độ cho biết ông không loại trừ khả năng chiếc tàu ngầm vừa bị chìm là do âm mưu phá hoại cho dù cuộc điều tra vào lúc này không đưa ra bằng chứng nào thiên về giả thuyết này.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tàu ngầm lớp Kilo INS Sindhurakshak của Ấn Độ

"Chúng tôi không loại bỏ khả năng là do bị phá hoại. Nhưng các dấu hiệu lại không ủng hộ giả thuyết này" - ông Joshi nói trong buổi họp báo về cuộc điều tra tai nạn xảy ra với tàu ngầm lớp Kilo INS Sindhurakshak vừa qua.

Bộ Quốc phòng Ấn Độ cho biết họ không có thông tin nào cho thấy vụ nổ là một hành động khủng bố.

Hãng tin Itar-Tass của Nga trích lời một nguồn tin thân cận trong Bộ Quốc phòng Ấn Độ, cho hay: "Vào thời điểm này, mọi thông tin về việc này (vụ nổ) xuất phát từ hành động khủng bố chỉ là những đồn đoán không hơn".

INS Sindhurakshak đã phát nổ và bắt lửa trước khi chìm tại xưởng đóng tàu ở Mumbai sáng sớm thứ Tư vừa qua.

Những phát hiện ban đầu thiên về giả thiết cho rằng khoang chứa ngư lôi đã bắt lửa và nhanh chóng nhấn chìm một phần con tàu.

Sau đó hai tiếng nổ lớn phát ra, có thể là do bị bắt lửa ở khu vực chưa được xác định rõ.

Ông Joshi cho biết việc điều ta nguyên nhân vụ nổ phải mất ít nhất bốn tuần.

Phía Nga - chủ thi công con tàu - đã bác bỏ các khả năng tàu gặp nạn vì lý do kỹ thuật.

Công ty Zvyozdochka của Nga thực hiện việc đại tu hệ thống vũ khí, điều hướng và phát điện cho tàu Sindhurakshak cho biết phía Ấn Độ đã không phàn nàn gì về con tàu sau khi tiếp quản vào tháng Tư vừa qua.

Tháng 2/2012, con tàu từng bị bắt lửa một lần do rò rỉ khí hydrogen trong quá trình xạc lại các tấm pin. Sau đó, tàu được đưa sang xưởng đóng ở Nga để đại tu và nâng cấp một số hệ thống, trong đó có hệ thống vũ khí và phát điện. 

Con tàu Sindhurakshak ('Người bảo vệ biển khơi' theo tiếng Hindu) vẫn trong thời gian bảo hành của Nga khi gặp nạn.

Chuyên gia về quốc phòng Rahul Bedi của tạp chí quân sự IHS Jane's Defence Weekly cho biết con tàu 16 năm tuổi này đã thiếu một số tính năng về an toàn cần thiết mà các tàu hiện đại cần có sau khi tu bổ.

"Không giống như các tàu ngầm hiện đại khác, con tàu này không có các lối thoát hiểm trong trường hợp xảy ra sự cố" - ông Bedi nói.

'Thảm kịch' chìm tàu này được cho là tồi tệ nhất trong lịch sử của Ấn Độ từ sau khi một tàu khu trục của Ấn Độ đụng phải tàu ngầm Pakistan hồi năm 1971. Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ A.K. Antony gọi vụ nổ là 'thảm kịch khủng khiếp nhất trong thời gian gần đây'.

Lê Thu (tổng hợp)