- 'Thảm kịch' nổ tàu ngầm của Ấn Độ hai ngày vừa qua đã để lại những khoảng trống quá lớn cho quân đội nước này, và hàng loạt câu hỏi liên quan tới loại tàu ngầm lớp Kilo.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Tàu ngầm INS Sindhurakshak khi chưa gặp nạn

Không thoát nạn lần hai

Mất đi INS Sindhurakshak có nghĩa là Hải quân Ấn Độ đã bị tụt lại một bước rất xa. Từ vị thế của một cường quốc với hạm đội tàu ngầm uy lực gồm 10 chiếc lớp Kilo, giờ Ấn Độ chỉ còn lại 9.

Nếu không bị chìm, tàu INS Sindhurakshak sẽ còn phục vụ trong Hải quân Ấn Độ ít nhất 10 năm nữa. Hiện nay, các nhà chức trách đang khắc phục và điều tra nguyên nhân vụ nổ.

INS Sindhurakshak là tàu ngầm lớp Kilo chạy bằng diesel - điện. Một số nhà quan sát tại Ấn Độ cho rằng nguyên nhân vụ nổ có thể liên quan tới lỗi rò rỉ khí hydrogen trong quá trình xạc lại các tấm pin.

Đây không phải lần đầu tiên con tàu phát nổ. Hồi tháng 2/2010, con tàu này cũng đã gặp phải tai nạn tương tự và đã chìm một phần khi đang đậu ở Visakhapatnam. Vụ nổ khi đó khiến một người bị thiệt mạng.

Ban điều tra vụ nổ năm 2010 cho rằng nguyên nhân là do van của pin đã làm rò rỉ khí hydrogen. Tháng 6/2010, con tàu đã được đưa sang Nga để đại tu, nâng cấp lại hệ thống định hướng và liên lạc cho tàu ngầm, sửa chữa bộ phận phát điện, trang bị lại hệ thống chiến tranh điện tử, hệ thống điều kiển và hệ thống điều khiển vũ khí kết hợp.

Phía Nga mới bàn giao lại con tàu này cho Ấn Độ vào tháng Tư vừa qua và tàu vẫn trong thời hạn bảo hành khi thảm kịch xảy ra. Tổng chi phí để tu sửa cho con tàu ngốn đến gần 80 triệu USD.

Sindhurakshak chạy bằng máy phát chạy bằng diesel và pin cấp điện. Tàu Sindhurakshak có tới 500 pin. Tuy nhiên, cứ vài tháng là các tấm pin lại bị rơi vào tình trạng 'quá tải' và phải được kiểm tra định kỳ một các thủ công.

"Tàu ngầm lớp Kilo không có các hệ thống giám sát tự động, điều đó cũng có nghĩa là việc giám sát tình trạng quá tải phải tiến hành thủ công" - một nhân viên từng làm việc trên tàu lớp Kilo nói.

Một bước lùi

Sindhurakshak là con tàu thứ chín trong nhóm 10 tàu ngầm lớp 'Sindhughosh' được bắt đầu mua của Liên Xô từ năm 1985.

Tàu ngầm lớp Kilo này có thiết kế hình giọt nước, tải trọng 2.300 tấn, lặn sâu tối đa 300 mét, tốc độ tối đa 20 hải lý/giờ, hành trình hữu hiệu  trong phạm vi khoảng 645 km, có thể hoạt động độc lập 45 ngày với thủy thủ đoàn gồm 53 người.

Ấn Độ và Trung Quốc đều sở hữu 10 tàu ngầm lớp Kilo và cùng là những quốc gia vận hành nhiều tàu ngầm lớp Kilo do Liên Xô thiết kế nhất thế giới.

Đối với Hải quân Ấn Độ, thiệt hại này là quá nặng nề vì trong vòng 16 năm họ không bổ sung thêm tàu ngầm nào mới. Trong khi Hải quân nước này đang nhắm tới mục tiêu sở hữu trên 30 tàu ngầm, họ mới chỉ có 14 chiếc trong biên chế hiện nay (tính cả con tàu vừa gặp nạn). Tuy nhiên, điều đáng kể nhất là INS Sindhurakshak chính là tàu ngầm giữ vị trí tuyến đầu trong việc phòng thủ của hải quân.

INS Sindhurakshak được thiết kế và xây dựng để hoạt động trong chiến tranh chống tàu ngầm và chống hạm, bảo vệ các căn cứ hải quân, bao quát dải bờ biển và các tuyến đường thủy huyết mạch, tác chiến giám sát biển và do thám.

Tàu Sindhurakshak được trang bị một loạt vũ khí tối tân dành riêng cho tàu ngầm của Nga chế tạo, trong đó có hệ thống tên lửa hạt nhân tầm thấp có khả năng đánh trúng mục tiêu ở cách xa 150 dặm.

Với tàu ngầm lớp Kilo, phạm vi tác chiến của Hải quân sẽ mở rộng từ trên mặt nước xuống dưới nước, từ mặt cắt ngang ra đến không gian đa chiều, vầ có thể áp dụng mô hình tác chiến 'thoắt ẩn thoắt hiện', độc lập và có sức đe dọa lớn hơn.

Khó khăn bên trong, thách thức bên ngoài

Ấn Độ đã mở rộng lực lượng vũ trang của mình với tốc độ chóng mặt để nâng cấp hầu hết các loại vũ khí từ thời Liên Xô và phản ứng lại với những mối đe dọa từ phía Trung Quốc.

Ấn Độ mỗi lúc một lo ngại về tham vọng biển của Trung Quốc, và tìm mọi cách để theo kịp chương trình xây dựng hải quân mau lẹ của đối thủ lớn nhất của họ trong khu vực. Tuy nhiên, Trung Quốc giờ sở hữu đội tàu gồm 260 chiếc - lớn hơn so với đội tàu chỉ có 100 chiếc của Ấn Độ.

Và một trong những cố gắng hết mình để theo kịp cuộc đua vũ trang trên biển, New Delhi mới đây đã cho ra mắt con tàu sân bay đầu tiên được chế tạo trong nước. Đây được coi như một tiến bộ ngoạn mục của Ấn Độ khi xây dựng nên biểu tượng sức mạnh biển trên mặt nước.

Ấn Độ nỗ lực hết sức để tạo dựng nên ngành công nghiệp lắp ráp quốc phòng, nhưng lại vấp phải rất nhiều trở ngại từ lỗi kỹ thuật. Các nỗ lực để thiết kế cũng như xây dựng máy bay mới, xe tăng, bích kích pháo và súng máy đều gặp nhiều thất bại đáng chú ý trong các thập kỷ gần đây.

Bên cạnh đó, các bê bối tham nhũng đã làm tổn hại tới các hợp đồng mua bán vũ khí tới mức mà chính phủ khó lòng mau chóng mua các vũ khí nước ngoài vì sợ dấy lên nhiều tranh cãi.

Không thể mua hay xây dựng vũ khí mới, các nhà phân tích cho rằng cường quốc mới nổi này đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt các thiết bị quốc phòng sống còn. Thực tế này càng đặc biệt đe dọa Delhi khi mà kho vũ khí của các nước láng giềng mỗi lúc một dồi dào và uy lực hơn.

Lê Thu