Tờ Nhân dân Nhật báo của Trung Quốc mới đây đăng bài viết cho biết hải quân nước này đã thực hiện được giấc mơ xuyên thủng 'vòng vây trên chuỗi đảo thứ nhất'.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư - tâm điểm tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản trên biển Hoa Đông. Ảnh: Japan Times |
Tờ báo cho hay các nhà quan sát quân sự cho biết thuyền của Trung Quốc đã có thể ra vào biển Thái Bình Dương từ nhiều lối khác nhau.
"Hải quân Trung Quốc đã có khả năng chia cắt chuỗi đảo thứ nhất thành nhiều đoạn" - ông Du Welong, một nhà nghiên cứu cấp cao tại Học viện Khoa học quân sự thuộc Quân đội Giải phóng nhân dân Trung Quốc, cho hay.
"Giờ đây, chuỗi đảo này đã bị chia làm nhiều đoạn".
"Chuỗi đảo thứ nhất" là một nhóm quần đảo lớn đầu tiên nằm ngoài lục địa Đông Á, bao gồm quần đảo Nhật Bản, quần đảo Ryukyu, Đài Loan và phía bắc Philippines.
Những năm 1950, Washington đã coi quần đảo này là bức tường thành quan trọng để kiềm chế 'làn sóng đỏ'.
Phát biểu này của giới học giả Trung Quốc đưa ra sau khi hải quân nước này đã lần đầu tiên thâm nhập vào eo biển Soya (Nga gọi là eo biển La Perouse) nằm giữa đảo Sakhalin của Nga và đảo Hokkaido của Nhật.
Các tàu của Trung Quốc đã đi xuyên qua eo biển để tham gia tập trận tại tây Thái Bình Dương sau cuộc tập trận chung với Nga tại biển Nhật Bản.
Ngày 25/7, các tàu của nước này đã vượt qua eo biển Miyako nằm giữa đảo Miyako và đảo Okinawa của Nhật Bản khi trên đường trở về Thanh Đảo. Đây là lần đầu tiên hải quân Trung Quốc đi vòng quanh quần đảo Nhật Bản.
Đáp lại động thái này, Nhật Bản đã cử các tàu khu trục và chiến cơ giám sát hạm đội của Trung Quốc sát sao.
Một chuyên gia nghiên cứu quân sự và quốc tế của Trung Quốc là Wu Dahui thuộc đại học Thanh Hoa cho biết, các tàu của nước này đã vượt qua eo biển Soya chỉ 6 giờ sau khi 18 tàu chiến khác của hạm đội Thái Bình Dương đi qua đây.
Ông Wu coi đây là một bằng chứng về tiềm lực ngày càng gia tăng của hải quân Trung Quốc.
"Cho tới lúc này tính từ nam tới bắc, hải quân (TQ) đã vượt qua chuỗi đảo thứ nhất thông qua kênh Bashi, eo biển Miyako, eo Osumi, eo Tsugaru, và giờ là eo Soya" - Du Welong từ Học viện Khoa học quân sự TQ cho hay.
"(Hải quân TQ) đã vượt qua các khu vực mạnh nhất trong chuỗi đảo".
Du nói rằng việc liên tục băng qua khu vực này cho thấy hải quân PLA giờ có khả năng gửi đi các tàu chiến và tàu hỗ trợ đi qua và chiến đấu tại các vùng biển xa đất liền.
Những động thái trên đây của hải quân Trung Quốc khiến cho Mỹ và các quốc gia đồng minh tại Đông Bắc Á có sự điều chỉnh về mặt chiến lược và chiến thuật.
Mới đây, Nhật Bản đã đề xuất kế hoạch triển khai các máy bay do thám không người lái tối tân Global Hawk để kiểm soát và giám sát các vùng biển đảo xa bờ.
Song song với đó, Tokyo còn dự định triển khai một nhóm đặc nhiệm tương tự như Thủy quân Lục chiến của Mỹ tác chiến khẩn cấp trong những tình huống bị đánh chiếm đảo.
Chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe không ngừng tăng ngân sách cho năm tài khóa này cũng như trong nhiều năm tới, hiện đại hóa Lực lượng phòng vệ trong bối cảnh an ninh nhiều 'biến động'.
Lê Thu (theo ANN/ChinaDaily/Kyodo/Philippine Star)