Bạo lực và hỗn loạn chính trị chắc chắn sẽ kéo căng Ai Cập thêm nhiều ngày
nữa, nếu không muốn nói là nhiều tuần nữa. Đến nay vẫn chưa có một tín hiệu tích
cực nào xuất hiện.
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Người Ai Cập đang nếm trải một thực tế đau đớn hơn bất kỳ dân chúng nước nào khác của Mùa Xuân Ảrập, rằng lật đổ một chính quyền chuyên quyền dễ hơn nhiều việc thay thế nó bằng một hệ thống chính phủ khác. Mục tiêu của các phong trào nổi dậy thường là lật đổ các chính quyền hà khắc, và rất ít người nghĩ đến việc điều gì diễn ra tiếp sau đó.
Ý niệm chung là giải phóng khỏi chế độ chuyên quyền xong thì sẽ tự động chuyển sang nền dân chủ. Nhưng đây là điểm mà Mùa Xuân Ảrập bị mắc kẹt. Vì một điều kiện tiên quyết của dân chủ là chính trị.
Để chính trị phát triển, người ta cần phải thảo luận công khai. Nhưng thảo luận công khai cũng không dễ mà đạt được ở một đất nước như Ai Cập, nơi không có truyền thống phân tích thẳng thắn những ý kiến, và những trao đổi quan điểm tự do, ôn hòa.
Vì thiếu vắng tất cả các yếu tố trên, Ai Cập đang bước những bước đi loạng choạng khi tìm cách tạo lập một hệ thống chính trị thời hậu Mubarak. Và triệu chứng nguy hiểm nhất của thực tế này là tình trạng phân cực và thiếu vắng thiện chí thỏa hiệp vì lợi ích chung của đất nước.
Tiến trình chính trị kể từ khi Tổng thống Hosni Mubarak bị lật đổ chỉ càng làm tăng sự phân rã trong xã hội Ai Cập. Phong trào Tình Anh em Hồi giáo giành chiến thắng bầu cử, nhưng họ lại không thể thuyết phục được hàng triệu người Ai Cập rằng các chính sách của mình là toàn diện.
Quân đội phản ứng trước tâm trạng bất mãn trong dân chúng đối với Tổng thống Mohammed Morsi bằng cách lật đổ chính quyền do Tình Anh em Hồi giáo lãnh đạo, và bằng cách đó, càng nới rộng khoảng cách giữa các phe phái. Tất nhiên, đó nên là thời điểm của những nỗ lực xoa dịu trong hòa giải chính trị. Nhưng với việc ông Morsi đang bị giam lỏng và đụng độ xảy ra giữa các nhóm đối địch trên đường phố, quân đội đã làm những gì được cho là quyết định nguy hiểm nhất từ trước tới nay: Kêu gọi những người chống Morsi xuống phố để trao cho quân đội một sự ủy nhiệm thực hiện các biện pháp chống lại những người chống đối.
Bằng một hành động, thông báo này đã cắt đứt đôi chân của một người vốn đang ốm yếu - nền dân chủ Ai Cập, vì nó thừa nhận đường phố là diễn đàn chính trị chính yếu, với sức mạnh về số người, gạch đá, hơi cay và súng đạn chiếm chỗ của thảo luận lý trí.
Thách thức nghiêm trọng của Ai Cập ngày nay là cứu vãn chính trị khỏi đường phố như một bước đi đầu tiên hướng tới hòa giải quốc gia. Nhưng vấn đề ở chỗ tìm ra đường lối để đạt được điều này.
Quân đội không có vẻ gì là nhượng bộ. Hơn thế, lực lượng này còn đang gia tăng áp lực lên Tình Anh em Hồi giáo và những người ủng hộ họ, bắt giữ các thủ lĩnh và dọa sẽ giải tán người biểu tình.
Về phần mình, Tình Anh em Hồi giáo khẳng định biểu tình sẽ tiếp diễn chừng nào chính phủ do quân đội hậu thuẫn từ chức và Tổng thống dân bầu Morsi trở lại nắm quyền. Việc giết chết hàng chục người Hồi giáo trong các cuộc đụng độ với quân đội chỉ càng khiến cho các lập trường thêm cứng rắn.
Cho đến khi Morsi bị lật đổ ngày 3/7, quân đội Ai Cập được cho là vị trọng
tài chính trị duy nhất ở Ai Cập. Nhưng bằng việc đứng về phe chống Morsi, họ
đánh mất vai trò đó của mình. Hiện tại, không một tổ chức hay cá nhân nào ở Ai
Cập dường như có đủ năng lực để đảm đương trách nhiệm đó.
Trong khi đó, vai trò hòa giải của khối Ảrập là khó có thể vì có nhiều chia rẽ
trong khu vực về hành động của quân đội Ai Cập, với một số nước muốn chứng kiến
Tình Anh em Hồi giáo và những người Hồi giáo chính trị bị làm cho bẽ mặt. Còn sự
can thiệp ngoại giao từ bên ngoài khu vực có lẽ sẽ được cả hai phía của chiến
hào xem như một hành động không được đảm bảo.
Vì vậy, về ngắn hạn, dường như có rất ít hy vọng về một điều gì đó ở Ai Cập ngoài sự đối đầu trên đường phố giữa một bên là những người ủng hộ Morsi và một bên là quân đội (cùng những người chống Morsi).
Ai Cập sẽ tránh được một cuộc nội chiến đúng nghĩa về tâm lý dân tộc, nhưng chỉ là vì người Hồi giáo không có súng đạn và hỏa lực cho một cuộc đối đầu toàn diện với quân đội. Và không giống như Syria, các cường quốc trong khu vực không quan tâm đến việc "đổ dầu vào chảo lửa" ở nước này.
Tuy nhiên, bạo lực tiếp diễn ở Ai Cập đồng nghĩa với việc sẽ có thêm hỗn loạn, dẫn tới sự phá vỡ ngày càng lớn về kinh tế và đời sống hàng ngày. Có lẽ, ở điểm này đang lóe lên một tia hy vọng.
Tình trạng thất nghiệp và nghèo đói gia tăng rốt cục sẽ khiến người dân Ai
Cập buộc phải gạt bỏ những bất đồng của mình sang một bên và yêu cầu các nhà
lãnh đạo của họ hành động tương tự để cứu cả đất nước khỏi bờ vực sụp đổ kinh tế
- xã hội.
Ở điểm đó, Ai Cập sẽ vẫn cần đến những người đàn ông và phụ nữ đủ dũng cảm để
khuyến khích thảo luận tự do và toàn diện, bằng cách đó lập nên các nền tảng
chính trị và dân chủ mà đất nước này cùng tất cả các quốc gia của Mùa Xuân Ảrập
đang vô cùng khao khát.
Thanh Hảo (Theo BBC)