Là một tài xế taxi làm nghề đã 10 năm ở Thường Châu, Zhang Weixin chưa bao giờ nghĩ quê hương anh một ngày nào đó sẽ trở thành một "thành phố ma". Trong mắt anh, nơi này dường như đang phát triển hơn bao giờ hết.

TIN BÀI KHÁC:

{keywords}
Các tòa nhà chọc trời vừa được xây xong xen cùng các tòa nhà đang được xây dựng ở Thường Châu. (Ảnh: GT)

Tọa lạc ở giữa vùng châu thổ sông Dương Tử, Thường Châu từng được gọi là "Long Thành" vì sự thịnh vượng và giàu có của nó. Nhưng thành phố nằm ở ven biển phía đông Trung Quốc này đang phải đối mặt với nhiều khó khăn sau khi một số bản tin trên báo chí địa phương gán cho nó biệt danh "thành phố ma".

Theo một bản tin trên Nhật báo National Business hồi tháng 1, hầu hết các khu dân cư mới xây dựng dọc theo Đường Wuyi - một khu vực mới của thành phố - đều thiếu vắng người, với chỉ có vài ngọn điện được thắp sáng vào ban đêm. Tuy nhiên, chính quyền Thường Châu ngay sau đó đã ra một thông báo chính thức bác bỏ những cáo buộc như vậy, khẳng định không có cơ sở nào để gọi nơi này là một "thành phố ma" đơn giản chỉ vì thiếu ánh đèn điện.

"Hầu hết các cơ ngơi nằm trên Đường Wuyi đều vừa mới được hoàn thành hoặc đang trong quá trình xây dựng. Đánh giá mức độ bỏ trống là vô lý khi khu vực vẫn còn trong giai đoạn chuyển giao", Wu Haiyong, phó giám đốc Cục Quản lý Nhà ở Thường Châu, nói tại một cuộc họp báo hồi tháng 2.

Tuy nhiên, thông báo này không thể dập tắt được tranh cãi trong dân chúng và trên truyền thông, khi ngày càng nhiều "các thành phố ma" xuất hiện trên khắp Trung Quốc.

Theo một bài viết trên Nhật báo Thanh niên Trung Quốc hồi tháng 7, có ít nhất 12 thành phố ma như vậy trên cả nước này. Bên cạnh nơi nổi tiếng nhất - Ordos ở Vùng Tự trị Nội Mông phía bắc, danh sách này cũng bao gồm cả Thường Châu ở Giang Tô, Khu mới Zhengdong ở tỉnh Hà Nam, Shiyan ở Hồ Bắc và quận Chenggong của Côn Minh thuộc tỉnh Vân Nam.

Mặc dù nằm ở các nơi khác nhau với các mức phát triển kinh tế khác nhau, những thành phố này đều có một đặc điểm chung: chính quyền địa phương đều đổ một lượng đầu tư lớn vào xây dựng các khu mới có đầy đủ các cơ sở thương mại, tòa nhà dân cư và cơ sở hạ tầng. Chỉ có một thứ duy nhất thiếu: con người.

Ở Thường Châu, có rất nhiều tòa nhà chọc trời nằm dọc đường Wuyi, cho thấy tham vọng của thành phố muốn trở thành một thủ phủ thực sự. Nhưng khi được hỏi về dự án bất động sản mới nhất và lớn nhất của thành phố, tài xế Zhang Weixin tỏ ra buồn bã. "Nơi nào cũng có. Như bạn thấy đấy, các dự án bất động sản mới đều nằm dọc các con phố, nhiều đến nỗi chẳng biết cái nào mới nhất hay lớn nhất nữa".

Nhưng ở Injoy Plaza, tổ hợp căn hộ và mua sắm lớn nhất trên phố Wuyi mở cửa hồi tháng 5/2012, một cư dân tên Wang chuyển tới đây năm ngoái nói rằng chỉ có 1/3 số căn hộ trong tòa nhà của cô có người ở. Một nhân viên của siêu thị Tesco gần kề xác nhận rằng việc làm ăn không tốt lắm do thiếu vắng khách hàng.

Một nhà quản lý của Czfcw.com, hãng bất động sản lớn nhất ở Thường Châu, cho biết, khoảng 100 dự án nhà ở nữa tại đây vẫn đang trong quá trình xây dựng.

Dân số Thường Châu đạt 4,5 triệu người năm 2012, tăng gần 20% so với 10 năm trước. Tuy nhiên, các số liệu cho thấy hầu hết mức tăng trưởng này là do công nhân nhập cư tới đây để xây dựng thành phố. So với các thành phố lân cận như Tô Châu và Nam Kinh ở tỉnh Giang Tô, Thường Châu kém hấp dẫn hơn đối với tầng lớp trung do thiếu các cơ quan, trường học và doanh nghiệp.

Trước đó đã có nhiều bài báo đặt câu hỏi liệu thành phố có thể thu hút đủ số người tới dùng lượng bất động sản lớn của họ trong tương lai hay không.

Hiện tượng thành phố ma đã thu hút sự chú ý rộng khắp của dư luận cả trong và ngoài Trung Quốc, với một số tờ báo nước ngoài cho rằng những thành phố như vậy sẽ trở thành biểu tượng của sự suy sụp kinh tế Trung Quốc.

Thanh Hảo (Theo Global Times)