Hàn Quốc, hôm 28/7, thông báo viện trợ nhân đạo 8,1 tỷ won cho CHDCND Triều Tiên, một hành động hòa giải trùng thời điểm với kêu gọi về "vòng đàm phán cuối cùng" nhằm quyết định số phận khu công nghiệp chung Kaesong.

TIN BÀI LIÊN QUAN:


{keywords}
Các lao động Hàn Quốc rời Kaesong khi khu công nghiệp này bị đóng cửa hồi tháng 4. (Ảnh: The Times)

Số viện trợ còn lại sẽ do 5 tổ chức viện trợ nhân đạo tư nhân ở Hàn Quốc cung cấp. Các tổ chức này cũng sẽ gửi thuốc men và thực phẩm cho trẻ nhỏ Triều Tiên. 

Bộ trưởng Thống nhất Triều Tiên Ryoo Kihl-jae - một nhà hoạch định chính sách cấp cao về Triều Tiên của Hàn Quốc - cho biết, các chuyến hàng viện trợ sẽ không liên quan đến các vấn đề chính trị giữa hai nước. Tuy nhiên, hành động hòa giải của phía Seoul trùng với một thông báo, trong đó ông Ryoo đề nghị một vòng đàm phán cuối cùng với Bình Nhưỡng nhằm giải quyết những bất đồng liên quan đến Kaesong, tổ hợp công nghiệp đã ngưng hoạt động từ đầu tháng 4. 

Hiện chưa có phản ứng nào từ phía Bình Nhưỡng.

Theo các khảo sát của Liên Hợp Quốc cùng nhiều tổ chức viện trợ quốc tế, có tới hơn 1/4 số trẻ dưới 5 tuổi ở Triều Tiên bị thiếu dinh dưỡng. Các thống kê của chính quyền Seoul cho thấy tỷ lệ trẻ nhỏ tử vong ở quốc gia phía bắc trong những năm gần đây cao hơn nhiều lần so với ở Hàn Quốc. 

Trong tháng 7, các tổ chức viện trợ phi chính phủ ở Hàn Quốc đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Tổng thống Park Geun-hye cấm cản viện trợ khẩn cấp cho trẻ nhỏ Triều Tiên khi trì hoãn thông qua các đề xuất chuyển hàng của họ. Tuy nhiên, chính phủ Hàn Quốc bác bỏ cáo buộc này. 

Viện trợ chính phủ và tư nhân Hàn Quốc cho Triều Tiên giảm từ 439,7 tỷ won năm 2007 xuống còn 14,1 tỷ won năm ngoái. Các chính phủ bảo thủ lên nắm quyền ở Hàn Quốc từ năm 2008 đã giảm bớt lượng hàng viện trợ và thương mại với Triều Tiên, viện dẫn sự phát triển vũ khí hạt nhân và các khiêu khích quân sự của nước này, chẳng hạn vụ chìm tàu chiến Cheonan năm 2010 mà Seoul cho rằng Bình Nhưỡng là thủ phạm.

Tổ hợp công nghiệp chung giữa hai nước - nằm ở thị trấn biên giới Kaesong thuộc Triều Tiên - đã ngưng hoạt động kể từ khi Triều Tiên rút toàn bộ 53.000 công nhân khỏi đây hồi tháng 4, viện dẫn những căng thẳng quân sự mà nước này tuyên bố do các cuộc tập trận quân sự giữa Mỹ và Hàn Quốc gây ra. 

Hai miền Triều Tiên đã tổ chức 6 vòng đàm phán trong tháng 7 về việc tái khởi động lại khu công nghiệp này. Tuy nhiên, các cuộc hội đàm kết thúc tuần trước mà hai bên không đạt được một thỏa thuận nào để gặp gỡ trở lại. Sau đó, cả Hàn Quốc và Triều Tiên đều cảnh báo tổ hợp này - biểu tượng nổi tiếng nhất về sự hợp tác kinh tế liên Triều - sẽ bị đóng cửa vĩnh viễn nếu như phía bên kia không nhượng bộ. 

"Thông qua 6 vòng đàm phán, chính phủ của chúng tôi đã kiên quyết yêu cầu các đảm bảo từ phía Triều Tiên rằng họ sẽ không bao giờ đóng cửa tổ hợp lần nữa vì các lý do quân sự và chính trị và rằng họ sẽ cho phép các hoạt động kinh doanh tự do ở đó theo các tiêu chuẩn quốc tế", Bộ trưởng Ryoo nói. "Tuy nhiên, miền Bắc từ chối đưa ra những cam kết rất cơ bản này". 

Phía Triều Tiên khẳng định việc đóng cửa là do lỗi của Hàn Quốc. Nước này còn cáo buộc Seoul đưa ra những yêu sách vô lý như một cái cớ để chấm dứt dự án Kaesong. 

Tổ hợp Kaesong là dự án cuối cùng trong một loạt dự án xuyên biên giới được hình thành trong thời kỳ đầu của tiến trình nối lại tình hữu nghị nhưng lần lượt bị dừng do quan hệ hai bên căng thẳng trong những năm gần đây.

Kaesong mở cửa năm 2004 và tạo ra lượng hàng hóa trị giá 470 triệu USD trong năm ngoái, theo chính phủ Hàn Quốc. 

Thanh Hảo (Theo NY Times)