Khi những căng thẳng đẫm máu dâng cao tại Cairo, người biểu tình hy vọng sự phẫn nộ của cộng đồng quốc tế sẽ tăng thêm sức mạnh cho chính nghĩa của họ - trong khi lực lượng an ninh Ai Cập đang mất dần kiên nhẫn.

TIN BÀI LIÊN QUAN:

{keywords}
Ai Cập đang trải qua những ngày bạo lực dẫm máu.

Ở một mức độ lớn, bất lợi đang nghiêng về cuộc biểu tình ngồi mà tổ chức Tình Anh em Hồi giáo phát động hồi tuần trước, khi Bộ trưởng Quốc phòng Abdel Fatah Al-Sissi kêu gọi tuần hành rộng khắp ủng hộ việc quân đội phế truất Tổng thống Mohammed Morsi - và để cung cấp một sự ủy nhiệm "cho phép các lực lượng vũ trang chống lại bạo lực và khủng bố".

Các đoàn tuần hành ngày 26/7 diễn ra rầm rộ, bao kín Quảng trường Tahrir và khu vự xung quanh Dinh Tổng thống - cách quận Nasr City khoảng 15 phút đi bộ, nơi hàng nghìn người biểu tình ủng hộ Tình Anh em Hồi giáo tập trung suốt gần một tháng qua, yêu cầu đảo ngược những gì họ mô tả là một cuộc đảo chính công khai chống lại Tổng thống dân bầu đầu tiên của Ai Cập. 

Tướng Al-Sissi đã nhận được sự cho phép. Và trong vòng vài giờ đồng hồ, máu của người ủng hộ Morsi đã chảy trên đường phố Nasr City, và bệnh viện dã chiến của Tình Anh em Hồi giáo chật cứng người chết và bị thương.

Một loạt các vụ đụng độ sớm ngày 27/7 giữa người biểu tình với cảnh sát đã khiến ít nhất 60 người ủng hộ Morsi phải bỏ mạng. (Số người tử vong chính thức vẫn còn tranh cãi: Bộ Y tế xác nhận 65 người còn Tình Anh em Hồi giáo tuyên bố con số cao gần gấp đôi). 

Theo các nguồn tin từ cả hai phía giới chức và Tình Anh em Hồi giáo, bạo lực bắt đầu lúc 2h sáng ngày 27/7, khi các thành viên Tình Anh em Hồi giáo định mở rộng quy mô cuộc biểu tình ngồi. Họ tuyên bố đây là một hành động tự nhiên phù hợp thực tế khi có hàng nghìn người mới kéo đến đây vì chính nghĩa của mình. Nhưng chính phủ cáo buộc người biểu tình định phong tỏa giao thông trên một cây cầu liền kề. Phát ngôn viên Bộ Nội vụ Hani Abdel-Latif nói rằng bạo lực bắt đầu từ đụng độ giữa người ủng hộ Tình Anh em Hồi giáo và cư dân ở địa phương vốn đã quá bực bội với sự hiện diện của họ.

"Cảnh sát tới để dừng các cuộc đụng độ giữa hai nhóm và khai thông con đường", ông Abdel-Latif nói.

Nhiều trường hợp tử vong dường như xảy ra trên một đoạn đường ngay trước bục quan sát, là nơi cố Tổng thống Ai Cập Anwar Sadat bị một chi nhánh Hồi giáo bên trong quân đội của ông giết hại trong một cuộc diễu binh ngày 6/10/1981. Sadat được chôn ở một thánh đường lớn bên kia đường đối diện bục quan sát. 

Hậu quả của các vụ giết chóc càng trở nên phức tạp sau một loạt tuyên bố và phủ nhận từ chính phủ. Theo thống kê của các nhân chứng, thương vong chủ yếu do bị trúng đạn - có thể là từ những tay bắn tỉa. Như một bác sĩ tình nguyện tại Bệnh viện dã chiến của Tình Anh em Hồi giáo kể lại thì "hầu hết tử vong do bị bắn - đặc biệt là ngay ở đây", ông nói và chỉ lên trán mình. 

Tuy nhiên, tại một cuộc họp báo hôm 27/7, Bộ trưởng Nội vụ Mohammed Ibrahim tuyên bố thẳng thừng rằng lực lượng an ninh của ông không hề sử dụng vũ khí nào nguy hiểm hơn hơi cay. Cảnh sát "không bao giờ dùng đạn sống bắn vào một người biểu tình", ông Ibrahim nhấn mạnh, nói thêm rằng Tình Anh em Hồi giáo đang lợi dụng vấn đề để "cố tình tạo ra một cuộc khủng hoảng". 

Vào chiều ngày 27/7, khu vực xung quanh thánh đường Rabaa Adaweya đã ở mức độ khiến người ta nhớ lại cao trào của cuộc cách mạng Quảng trường Tahrir năm 2011. Các tình nguyện viên của Tình Anh em Hồi giáo lấy đá ở một vỉa hè gần đó và chất đống thành những rào chắn chạy dài cả cây số từ tâm điểm cuộc biểu tình. Những người đàn ông vừa làm vừa cầu nguyện trong khi nhiều người khác xịt nước vào người họ để giúp họ tránh cái nóng tháng 7. Tất cả đều nỗ lực quên cả ăn uống cho tận tới khi trời tối.

Giờ đây bắt đầu một trò chơi chờ đợi đầy bất ổn khác.

Lực lượng an ninh hy vọng nhóm nòng cốt của Tình Anh em Hồi giáo rốt cục sẽ thoái chí trước thế bí, trước cái nóng thiêu đốt của mùa hè giữa tháng lễ Ramadan và trước thực tế là phần lớn đất nước dường như vẫn chống lại họ. Họ hy vọng sẽ thuyết phục được những người ủng hộ Morsi trở về nhà, chăm sóc các vết thương cả về cơ thể lẫn chính trị của họ và rốt cục sẽ tái gia nhập vào tương lai của Ai Cập thời hậu Morsi.

Thế nhưng, những cuộc tuần hành diễn ra như lời kêu gọi của tướng al-Sissi nhằm hợp pháp hóa chiến dịch trấn áp cho thấy chính quân đội và cảnh sát đang mất dần kiên nhẫn, còn cuộc biểu tình ngồi của Tình Anh em Hồi giáo không có vẻ gì là bị mất đà.

"Theo ý nguyện của Đấng Tối cao, cuộc biểu tình sẽ bị phá vỡ theo một cách mà không gây thiệt hại", Bộ trưởng Nội vụ Ibrahim khẳng định. "Nhưng... nó phải chấm dứt. Chúng tôi hy vọng họ sẽ hiểu ra... và gia nhập vào tiến tình chính trị của mình".

Trong khi đó, Tình Anh em Hồi giáo đang hy vọng sự chú ý và tức giận của cộng đồng quốc tế sẽ tiếp thêm sức mạnh cho họ, và số người chết đang tăng cao sẽ khiến những người Ai Cập chưa theo phe nào đứng về phía họ và làm rạn vỡ liên minh mỏng manh của chính phủ lâm thời từ bên trong.

Phát ngôn viên Ahmed Aref của Tình Anh em Hồi giáo công khai giễu cợt tuyên bố của Bộ trưởng Nội vụ rằng sẽ không có một viên đạn sống nào được sử dụng, coi đây là một chiến thuật cũ rích của chính phủ.

"Mỗi một lần họ nói là họ lại xúc phạm chính mình", ông Aref nói. "Chúng tôi không cần làm gì cả".

Giờ đây, Tình Anh em Hồi giáo, về thực chất, đang thách thức cảnh sát và quân sự đến trấn áp họ bằng vũ lực - một tiến trình mà đơn giản là không thể xảy ra mà không có máu đổ.

"Chúng tôi sẽ không đầu hàng. Cứ tiến đến và bắn chúng tôi đi - mười nghìn người, hai mươi nghìn người, chúng tôi sẵn sàng cho điều đó", trích lời Wafaa Al-Hefny, một người biểu tình và là giáo sư môn Văn học Anh. "Cách duy nhất họ có thể giành được sự hợp pháp cần thiết là nếu chúng tôi từ bỏ. Nhưng chúng tôi sẽ không lung lay. Họ chỉ còn cách phải giết chúng tôi - và điều đó sẽ không mang lại cho họ tính hợp pháp".

Thanh Hảo (Theo TIME)