Hãng Reuters cho biết Nhật đã yêu cầu các tàu thăm dò địa chất chuẩn bị triển khai sau khi có thông tin cho rằng Trung Quốc đang cho khoan thăm dò ở vùng biển gần với khu vực đảo tranh chấp trên biển Hoa Đông.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Một giàn khoan thăm dò của Trung Quốc ở khu vực mà Nhật Bản gọi là giao điểm giữa hai vùng đặc quyền kinh tế chồng lấn của Nhật và Trung Quốc trên biển Hoa Đông. Ảnh: Reuters/Kyodo

Công ty Dầu Khí và Kim loại Quốc gia Nhật Bản (JOGMEC) đã yêu cầu đưa tàu thăm dò Shigen và Hakurei vào tư thế sẵn sàng và chuẩn bị triển khai thăm dò tại vùng biển gần khu vực quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông. Trên tàu không được phép có bất kỳ người nước ngoài nào.

Hãng tin Kyodo của Nhật cho biết hôm qua, Nhật đã cảnh báo Trung Quốc không được mở rộng hoạt động thăm dò khí đốt tại biển Hoa Đông sau khi có tin công ty dầu khí quốc gia của Trung Quốc lên kế hoạch triển khai bảy mỏ khai thác ở vùng biển này, có thể là khai thác khí đốt ở vùng thềm lục địa dưới vùng biển mà cả Nhật và Trung Quốc tuyên bố chủ quyền.

"Chúng tôi sẽ không bao giờ chấp nhận việc đơn phương phát triển các mỏ ở khu vực đang có bất đồng về tuyên bố chủ quyền" - Chánh văn phòng Nội các Nhật Yoshihide Suga cho biết.

Năm 1968, khu vực này trên biển Hoa Đông được cho là có trữ một lượng lớn khí đốt tự nhiên. Đây cũng là nơi mà Trung Quốc và Nhật Bản có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Trong khi đó, ba tàu hải giám của Trung Quốc đã xuất hiện tại vùng lãnh hải của Nhật từ sáng hôm qua. Bắc Kinh nói rằng đó là một hoạt động tuần tra thường kỳ và các tàu này đã rời vùng biển của Nhật, nhưng vẫn ở vùng tiếp giáp.

Mặt khác, Thủ tướng Nhật Shinzo Abe cũng bất ngờ có chuyến thăm tới hòn đảo phía nam của Nhật là Ishigaki, cách các đảo đá mà Tokyo và Bắc Kinh đang tuyên bố chủ quyền là Senkaku/Điếu Ngư có 160km.

Tờ Nhật báo Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Hoa bình luận rằng ông Abe đang cố tìm cách khai thác 'mối đe dọa Trung Quốc', nhằm giành phần thắng trong cuộc bầu cử tại Thượng viện vào ngày 21/7 tới đây khi tới thăm hòn đảo này.

Tờ báo này còn nói rằng ông Abe đang 'khiêu khích sự việc' nhằm tạo nên căng thẳng, lấy cớ để 'thúc đẩy phát triển quân đội Nhật'.

Các tàu tuần tra của hai bên vẫn thường xuyên giám sát vùng biển tranh cãi quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Lê Thu (theo Reuters/RT)