TIN BÀI LIÊN QUAN:
Một người ủng hộ Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi mang ảnh ông khi chạy tránh hơi cay của cảnh sát chống bạo loạn ở Quảng trường Ramsis, trung tâm Cairo hôm 15/7. (Ảnh: Reuters) |
Trong vòng 24 giờ sau, Tổng thống dân cử đầu tiên của Ai Cập đã bị quân đội giam lỏng và từ đó không có tin tức gì từ ông nữa. Đến nay, Morsi đã "biệt tích" 3 tuần và cảnh ngộ của ông đang là một vấn đề thu hút sự chú ý của dư luận thế giới, trong bối cảnh chính phủ lâm thời do quân đội Ai Cập hậu thuẫn tiếp tục hoạt động thời hậu Morsi.
Chính phủ nhiều nước, thậm chí cả một số lãnh đạo chính trị ở Ai Cập, đã bắt đầu lên tiếng kêu gọi trả tự do cho Morsi. Đức và Thổ Nhĩ Kỳ đều công khai gọi việc Morsi bị giam lỏng mà không có tội danh chính thức nào là một hành động sai trái. Mỹ cũng kêu gọi trả tự do cho Morsi dù mới chỉ bằng những ngôn từ hời hợt hơn.
Có nhiều tín hiệu cho thấy vấn đề này đang giành được động lực.
Ngày 17/7, đại sứ Đức Michael Bock tại Cairo nói với các phóng viên địa phương:
"Trả tự do cho Morsi có lợi cho sự tái dân chủ hóa của đất nước. Tòa án nên
nhanh chóng ra phán quyết. Liệu có một vụ kiện chống lại ông hay không?".
Người phụ trách chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu Catherine Ashton đã
gặp gỡ các thành viên tổ chức Tình Anh em Hồi giáo của ông Morsi trong một
chuyến thăm tới Cairo ngày 18/7. Sau đó, bà nói với phóng viên: "Tôi tin [Morsi]
sẽ được trả tự do. Tôi được đảm bảo ông ấy vẫn khỏe. Tôi đã muốn gặp ông ấy".
Khi thời gian Morsi bị giam lỏng càng kéo dài thì sẽ càng có nhiều người nghĩ ông là một tù nhân chính trị.
Hồi đầu tuần, các công tố viên Ai Cập tuyên bố một loạt cuộc điều tra rộng khắp chống lại Morsi về các tội gồm kích động bạo lực, đồng lõa giết hại người biểu tình, phá hoại nền kinh tế và thậm chí cả tội do thám. Đến nay vẫn chưa có cáo buộc chính thức nào được đưa ra.
Kể từ khi Morsi bị lật đổ ngày 3/7, một loạt các lãnh đạo trong tổ chức Tình Anh em Hồi giáo đã bị buộc tội xúi giục bạo lực do các bài phát biểu và tuyên bố mang tính kích động. Hầu hết những người này vẫn đang ẩn náu hoặc tránh xa tầm truy bắt của các nhà chức trách.
Tuy nhiên, ngoài phe ủng hộ Morsi thì rất ít người bên trong Ai Cập xem ông như một tù nhân chính trị. Trong bối cảnh sự chia rẽ ở đất nước này ngày càng nghiêm trọng, bất kỳ ai bày tỏ bất bình về sự đối xử dành cho Morsi hoặc về chiến dịch trấn áp đang tiếp diễn nhằm vào các lãnh đạo Tình Anh em Hồi giáo đều có thể bị quy vào diện ủng hộ tổ chức này.
Tuy nhiên, một số nhân vật chính trị địa phương lại loan truyền ý kiến rằng có lẽ vị Tổng thống thất thế nên được trả tự do để tháo ngòi căng thẳng cho những tranh cãi quanh việc giam lỏng ông.
Mohammed Aboul Ghar, Chủ tịch Đảng Dân chủ Xã hội Ai Cập, nói trên kênh truyền hình vệ tinh al-Arabiya tuần trước rằng Morsi nên "về nhà, nếu ông không bị yêu cầu đối diện công lý". Tuy nhiên, cùng lúc đó ông Aboul Ghar dường như lại ủng hộ quan điểm tiếp tục giữ ông Morsi cho đến khi Tình Anh em Hồi giáo chấp nhận thực tế chính trị mới của đất nước và từ bỏ chiến dịch đưa Morsi trở lại cầm quyền.
"Nếu có một sự nhất trí chung giữa Tình Anh em Hồi giáo và chính phủ mới về vị thế và tư thế của Tình Anh em Hồi giáo thì điều đó chắc chắn sẽ bao gồm việc trả tự do cho Morsi", ông này nói thêm.
Trong khi đó, địa điểm chính xác mà Morsi bị giam lỏng vẫn là một câu hỏi lớn. Tin rằng ông đang bị giam tại căn cứ của Lực lượng Bảo vệ Cộng hòa ở đông bắc Cairo, Tình Anh Em hồi giáo đã biến nơi này thành điểm biểu tình rầm rộ, dẫn đến cảnh bạo lực bùng phát ngày 8/7 giữa những người ủng hộ Morsi và lực lượng an ninh, cướp mạng sống của ít nhất 50 người.
Phát ngôn viên quân đội Ai Cập, đại tá Ahmed Ali, liên tục từ chối tiết lộ ông Morsi đang ở đâu, chỉ nói rằng ông đang được giữ ở "một nơi an toàn" và "được đối xử như một cựu Tổng thống".
Trước đó, đại tá Ali phản đối việc sử dụng từ "bị giam giữ" để miêu tả cảnh ngộ của Morsi.
Thanh Hảo (Theo TIME)