Hai năm sau một loạt các cuộc biểu tình lớn nổ ra lật đổ lãnh đạo cầm quyền nhiều năm của Ai Cập khi đó là Hosni Mubarak, Ai Cập lại trở lại với tình trạng hỗn loạn cũ.
TIN BÀI LIÊN QUAN
Người biểu tình giơ biểu ngữ phản đối Tổng thống Morsi. Ảnh: Stratfor |
Lần này, các cuộc biểu tình đã khiến vị tổng thống được bầu lên một cách dân chủ là Mohamed Morsi bị lật đổ. Một số người đã gọi đây là ‘cuộc cách mạng thứ hai’ tại Ai Cập.
Những người tổ chức nên cuộc biểu tình nói rằng họ đã thu thập được 22 triệu chữ ký ủng hộ yêu cầu đòi ông Morsi từ chức. Con số này cao hơn rất nhiều so với 13 triệu phiếu mà ông Morsi nhận được trong cuộc bầu cử Tổng thống năm ngoái.
Điều này là minh chứng rõ nhất cho thấy người dân đã quá chán ngán phong trào Anh em Hồi giáo, đảng Tự do và Công lý mà ông Morsi là đại diện. Sự thất vọng đã lan rộng trong những người tự do, và cả những người ủng hộ chế độ cũ.
Ông Morsi liên minh với phong trào Anh em Hồi giáo và thắng cử vào tháng 6/2012. Tuy nhiên, phe đối lập nói rằng chính phủ của ông khép kín kể từ khi ông nhậm chức, và rằng ông không thể thực hiện các mong mỏi của người dân về tự do và công lý.
Chính quyền của Morsi không hề khoan nhượng hay chịu lùi một bước nào trước các phe phái cũng như yêu cầu của các nhóm đối lập.
Tổng thống Morsi bị cáo buộc là đã chuyên quyền, áp đặt nghị trình bảo thủ thông qua các sắc lệnh và một đa số hẹp hòi. Ông đã đối đầu lại với hệ thống tòa án, truyền thông, cảnh sát và thậm chí cả nghệ sĩ của Ai Cập.
Hai năm sau khi Ai Cập lật đổ nhà cầm quyền Mubarak, người dân nước này cảm thấy phẫn nộ khi họ nhận ra rằng tình trạng tội phạm vẫn không có gì thay đổi. Nền kinh tế thì chật vật trong khó khăn và không có cải thiện nào kể từ khi Mubarak từ chức.
Tỉ lệ thất nghiệp không thuyên giảm, giá cả thực phẩm mỗi lúc lại tăng. Điện thường xuyên bị cắt và các đường ống dẫn nhiên liệu cũng bị ảnh hưởng nặng nề.
Dân chủ và bài học đắt giá
Phong trào Anh em Hồi giáo (AEHG) nổi bật lên sau cuộc cách mạng Mùa xuân Ả Rập. Nhóm này hầu như bầu cử ở đâu là thắng ở đó, dù với tỉ lệ sát sao. Tại Ai Cập cũng không phải là ngoại lệ.
Mục đích của phong trào này là đoàn kết mọi nhà nước Hồi giáo thành một, để ‘giải phóng họ khỏi chủ nghĩa đế quốc nước ngoài’.
Chính phong trào AEHG đã chiếu rọi ánh sáng vào thứ tư tưởng phức tạp về chủ nghĩa thế tục. Những nhà hoạt động tự do đã chật vật để giải thích cho các cử tri rất nhiều khái niệm dân chủ cơ bản, như là chủ nghĩa thế tục, việc bảo vệ các nhóm thiểu số và thực thi luật pháp.
Thực tế là ông Morsi và Anh em Hồi giáo mang lại cho Ai Cập một bài học lớn khi hiện thực hóa các ý tưởng về dân chủ. Một năm dưới thời Morsi đã cho thấy tầm quan trọng của những khía cạnh về nguyên tắc dân chủ (dù chỉ là phảng phất), chẳng hạn như khái niệm cơ bản rằng thắng cử không có nghĩa là bên thắng sẽ có thể phớt lờ toàn bộ lo ngại của phe đối lập.
Đáng ra Anh em Hồi giáo và ông Morsi phải nhận ra rằng họ phải làm gì đó với 48% còn lại không bỏ phiếu cho mình từ một năm trước. Những gì vừa xảy ra tại Ai Cập sẽ tác động tới tất cả các đảng của phong trào này trên khắp khu vực.
Trong các đợt bầu cử đầu tiên, rất nhiều cử tri nghĩ rằng nếu họ là người Hồi giáo, họ nên bỏ phiếu cho phong trào AEHG. Nhưng rồi người Ai Cập đã buộc tội Morsi và AEHG đã tìm cách kiểm soát các thể chế nhà nước và áp đặt quan điểm của đạo Hồi vào lên dân chúng. Giờ đây, họ đã hiểu rằng tôn giáo có thể được khai thác như thế nào để phục vụ cho quyền lực. Rất nhiều người biểu tình đã cáo buộc chính quyền của ông Morsi chỉ làm lợi cho Anh em Hồi giáo, chứ không vì phụng sự đất nước.
Những dự định của AEHG và uy tín của ông Morsi bắt đầu gặp trục trặc khi họ liên tục phá vỡ lời hứa của mình. Họ tuyên bố không chặn một ứng cử viên tranh cử tổng thống, không tìm cách kiểm soát quốc hội, không tìm cách chi phối quá trình viết hiến pháp. Và họ lần lượt ‘nuốt’ từng lời hứa đó.
Những người từng bỏ phiếu cho Morsi nhận ra rằng ông bắt đầu tìm cách thâu tóm quyền hành vào tháng 11 năm ngoái. Họ buộc ông phải đảo ngược tình hình, nhưng ông đã không thể lãnh đạo đất nước thông qua ‘Thời khắc hợp Hiến’ – một giai đoạn then chốt trong lịch sử khi họ có cơ hội để đạt được sự đồng thuận quốc gia nhằm viết nên một bản hiến pháp được cả đất nước coi là hợp pháp. Điều này vốn dĩ quan trọng hơn cả một chiến thắng trong bầu cử.
Không may cho Morsi và AEHG là những người biểu tình lần này đã có thêm nhiều kinh nghiệm. Người Ai Cập hiểu rằng việc lật đổ một nhà độc tài là chưa đủ.
Lê Thu (tổng hợp)