Vụ việc Edward Snowden trốn tránh sự truy lùng của các nhà chức trách Mỹ đã dấy lên một loạt cãi vã giữa Mỹ và các quốc gia Snowden được cho là có ẩn náu hoặc đi ngang qua.

TIN BÀI LIÊN QUAN

Nga không hợp tác

Ngày hôm qua, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã xác nhận là Snowden có xuất hiện tại sân bay ở Moscow, nhưng ông cũng khẳng định là sẽ không dẫn độ nhân vật này cho Mỹ.

{keywords}
Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời báo giới về vụ Edward Snowden ngày hôm qua. Ảnh: Guardian

Ông Putin cho biết 'người thổi còi' chương trình do thám của Mỹ là Edward Snowden đã xuất hiện tại sân bay của Nga, chấm dứt chuỗi phỏng đoán của thế giới về việc nhân vật này có tới Moscow hay không.

Ông Putin nói rằng Snowden vẫn ở khu vực chờ ở sân bay Sheremetyevo, Moscow, nhưng các mật vụ của Nga không hề liên lạc gì với Snowden.

Trước đó, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng Nga không liên quan gì tới kế hoạch đi lại của Snowden.

"Ông Snowden có bay tới Moscow. Với chúng tôi thì điều này hoàn toàn không mong muốn" - ông Putin nói.

Đáp trả tuyên bố này của Moscow, Nhà Trắng nói rằng Nga có một 'nền tảng pháp lý rõ ràng' để trục xuất Snowden vì phía Mỹ đã hủy bỏ hộ chiếu của Snowden.

"Chúng tôi yêu cầu chính phủ Nga có hành động trục xuất ông Snowden ngay lập tức và dựa trên sự hợp tác hành pháp mạnh mẽ mà chúng tôi tạo dựng nên, nhất là sau vụ đánh bom tại giải marathon Boston" - bà Caitlin Hayden, người phát ngôn Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, cho biết.

"Ông ấy (Snowden) là một du khách bay trung chuyển, không cần tới thị thực hay bất kỳ giấy tờ gì khác" - ông Putin nói. Còn Ngoại trưởng Nga cho biết Snowden không hề bước vào lãnh thổ Nga.

Ngoại trưởng Mỹ John Kerry nói rằng "Tôi chỉ đơn giản yêu cầu sự trấn tĩnh và sự hợp lý. Chúng tôi hy vọng rằng Nga sẽ không đứng về phía người đang trốn chạy khỏi pháp luật".

Tổng thống Nga bác bỏ cáo buộc của Mỹ rằng Kremlin chứa chấp một kẻ 'đào tẩu' và nói rằng 'mọi cáo buộc chống lại Nga chỉ là vô nghĩa và nhảm nhí'.

Nói về Snowden cũng như người sáng lập WikiLeaks, ông Putin nói rằng: "Assange và Snowden đều tự nhận mình là các nhà hoạt động nhân quyền và nói rằng họ đấu tranh vì sự truyền đi thông tin. Bạn cứ thử hỏi bản thân rằng: liệu mình có giao nộp những người này để họ phải vào tù hay không?".

"Chúng tôi coi mọi nỗ lực mà chúng tôi đang nhìn thấy nhằm chỉ trích phía Nga vì đã vi phạm luật pháp của Mỹ và cả việc gần như dính líu vào âm mưu này hoàn toàn là vô căn cứ và không thể chấp nhận được, thậm chí cả nỗ lực nhằm đe dọa chúng tôi" - ông Lavrov nói.

Trung Quốc, Hong Kong nổi giận

Về phía Trung Quốc, tờ báo lớn của nước này trước đó đã ngợi khen Snowden vì đã 'xé toang mặt nạ tỏ ra cao đạo của Washington' và bác bỏ các cáo buộc của Nhà Trắng rằng Bắc Kinh đã tiếp tay cho Snowden tẩu thoát khỏi Hong Kong.

{keywords}
"Người thổi còi' Edward Snowden

Những lời lẽ nặng nề của Bắc Kinh xuất hiện trên trang nhất của tờ Nhân dân Nhật báo nhằm đáp trả lại các chỉ trích nặng nề của Mỹ vì Trung Quốc đã để cho Snowden xuất cảnh.

Chính phủ Trung Quốc nói rằng họ vô cùng lo ngại vì những thông tin mà Snowden công bố, rằng Mỹ đã nhiều lần tấn công mạng của Hong Kong và Trung Quốc, trong đó có cả Đại học Thanh Hoa và các công ty mạng lưới viễn thông. Bắc Kinh nói sẽ làm rõ các vấn đề này với Washington.

"Các nhà chức trách Mỹ không những không đưa ra lời giải thích hay lời xin lỗi nào, thay vào đó, họ còn tỏ ra không hài lòng với việc đặc khu hành chính Hong Kong đã xử lý vụ việc theo đúng luật pháp" - trích bài viết trên tờ Nhân dân Nhật báo.

Nhà Trắng nói rằng việc cho phép Snowden rời đi là một 'lựa chọn có tính toán của chính phủ nhằm thả một kẻ đào tẩu bất chấp một lệnh bắt người hợp pháp, và rằng quyết định không ngờ này đã gây ảnh hưởng xấu lên quan hệ Mỹ - Trung".

Tờ Nhân dân Nhật báo nói rằng Trung Quốc không thể chấp nhận "kiểu phản đối và bất bình" này của Mỹ.

Những bình luận kiểu lời qua tiếng lại này đã làm xói mòn quan hệ giữa hai quốc gia chỉ vài tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình công du tới Mỹ. Các nhà phân tích nói rằng Washington có thể sẽ không có hành động nào nhằm đáp trả sự việc này.

Tuy nhiên, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc bình luận rằng "Thay vì xin lỗi, Washington lại khoe cơ bắp bằng cách có gắng kiểm soát toàn bộ tình hình".

Các cuộc chiến ngôn từ vẫn chưa kết thúc khi mà trưởng đặc khu hành chính Hong Kong mới đây nói rằng Mỹ phải giải thích về các tuyên bố của Snowden rằng Hong Kong là mục tiêu bị Mỹ tấn công mạng.

Trong khi đó, phóng viên tờ Guardian cho biết Snowden đã kịp lưu các bản sao tài liệu về chương trình do thám bí mật của Mỹ để đề phòng bất trắc

Snowden đã 'vô cùng cẩn trọng để đảm bảo rằng rất nhiều người khác nhau trên thế giới này có được các tài liệu này, và chắc chắn rằng các câu chuyện sẽ được xuất bản' - phóng viên này nói thêm rằng các hồ sơ này đều được 'mã hóa cao độ' và những mật khẩu đi kèm.

Lê Thu (tổng hợp)