Một nhân vật trung gian cho biết đã liên hệ với Iceland vì cựu nhân viên CIA Edward Snowden muốn tị nạn tại quốc gia này.

{keywords}
Một tấm poster thể hiện sự ủng hộ với Edward Snowden ở Hong Kong. Ảnh: RT

Người phát ngôn WikiLeaks là Kristinn Hrafnsson đã viết trên tờ nhật báo Iceland Frettabladid rằng một người đàn ông làm trung gian đã tiếp cận tới ông trên danh nghĩa của Snowden.

"Hôm 12/6, tôi nhận được một thông điệp từ Edward Snowden trong đó có yêu cầu tôi thông báo với chính phủ Iceland rằng anh ta muốn tị nạn tại Iceland" - hãng tin Reuters dẫn lời Hrafnsson - người đồng thời là một phóng viên điều tra của Iceland.

Chính phủ Iceland xác nhận là họ đã nhận được thông báo từ Hrafnsson. Tuy nhiên, tờ Iceland Review cho biết một cuộc gặp vào lúc này đã bị từ chối.

Cũng trong ngày hôm đó, Hrafnsson đã gửi đi một thỉnh cầu trên danh nghĩa của Snowden, yêu cầu gặp Thủ tướng Iceland Sigmundur Gunnlaugsson và Bộ trưởng Nội Vụ Hanna Birna Kristjansdottir.

"Không ai trong số họ có thể gặp tôi ngay cả khi họ biết rõ rằng yêu cầu của tôi là gì. Tôi chắc chắn rằng họ đều có được các thông tin cần thiết về đơn thỉnh cầu giúp đỡ này" - Hrafnsson nói.

Sau đó, Hrafnsson được các bộ thông báo rằng theo luật của Iceland, một người muốn xin tị nạn chính trị tại Iceland thì phải có mặt ở quốc gia này.

Snowden lúc này được cho là vẫn ở Hong Kong. Snowden giải thích rằng anh không thể đi thẳng tới Iceland được vì lo sợ rằng các nhà cầm quyền Mỹ có thể gây sức ép lên chính quyền Iceland dễ dàng hơn là với Trung Quốc.

Edward Snowden từng làm việc cho nhà thầu của CIA. Cựu nhân viên này đã tiết lộ về chương trình nghe lén bí mật của Mỹ, trong đó có PRISM - cho phép Cơ quan An Ninh Quốc gia Mỹ (NSA) giám sát email, các kết quả tìm kiếm, hình ảnh, các đoạn trao đổi trên mạng và thời lượng cũng như các thông số liên quan tới các cuộc gọi của người sử dụng Internet.

Các nhà chức trách của Mỹ đã tiến hành một cuộc điều tra phạm tội của Snowden và NSA và CIA đang truy lùng gắt gao nhân vật này. Nếu bị bắt, Snowden có nguy cơ đối mặt với lời buộc tội 'phản quốc'.

Lê Thu (theo RT/Reuters)