Chiến thắng vang dội của vị giáo chủ theo đường lối ôn hòa Hassan Rohani trong cuộc đua vào vị trí Tổng thống tại Cộng hòa Hồi giáo được kỳ vọng sẽ mang lại những thay đổi bước ngoặt cho chính Iran, tháo gỡ thế bế tắc xung quanh chương trình hạt nhân của nước này.

TIN BÀI LIÊN QUAN

{keywords}
Giáo chủ Hasan Rohani trở thành Tổng thống đắc cử tại Iran.

Lợi cả đôi đường

Về mặt đối nội, việc giáo chủ Hassan Rohani, 64 tuổi, trở thành Tổng thống đắc cử của Iran đã mang lại lợi ích về mặt chiến thuật cho cả phe đối lập và chính quyền. Theo đó, phe đối lập cho thấy rằng họ vẫn là một lực lượng đáng kể, và chính quyền tháo gỡ căng thẳng bằng việc hứa hẹn các thay đổi một cách thận trọng.

Rohani được coi là một giáo chủ có phong cách ôn hòa, nhẹ nhàng với các kỹ năng đàm phán tài tình. Ông là một gương mặt chính trị hiếm có, sở hữu cả sự hấp dẫn lẫn các mối liên hệ với các phe phái chính trị phân hóa và các tầng lớp xã hội tại Iran.

“Chiến thắng này là chiến thắng của sự sáng suốt, trung hòa và hiểu biết đối với sự cuồng tín và những hành vi xấu xa” – Hassan Rohani nói với giới truyền thông sau chiến thắng vang dội ngày Chủ Nhật vừa qua.

Người dân Iran đã bỏ phiếu đông bất ngờ hôm thứ Sáu trước đó với hơn 18 triệu phiếu bầu, tức 50,7% trên tổng số phiếu kiểm. Còn ứng viên của phe đối lập bảo thủ với hậu thuẫn từ Lực lượng bảo vệ Cách mạng chỉ có 16% số phiếu.

Mặc dù Rohani không phải là lựa chọn hàng đầu của Ayatollah Ali Khamenei, nhưng vị Lãnh đạo Tối cao này vẫn nhanh chóng gửi lời chúc mừng tới ông Rohani sau khi kết quả được công bố, và gọi ông là ‘sự lựa chọn của người dân’. Thực tế, Rohani vẫn là một trong tám ứng cử viên nổi bật có thể đảm đương vị trí Tổng thống, và không gây đe dọa gì tới Lãnh đạo tối cao.

Sự ủng hộ của Lãnh đạo Tối cao với Tổng thống đắc cử là một dấu hiệu cho thấy việc giới chức lãnh đạo Iran mong muốn giải quyết các vấn đề nhức nhối về kinh tế, chia rẽ về chính trị đang tác động tiêu cực tới quốc gia này kể từ khi đối đầu với phương Tây xung quanh chương trình hạt nhân và làn sóng chống chính phủ từ năm 2009.

Rohani đã trình lên Lãnh tụ Tối cao một cách làm vừa đảm bảo không bị mất mặt, lại vừa có thể thu hút trở lại phe đối lập, các nhà kỹ trị và những đảng theo đường lối cải cách vốn từng bị gạt ra ngoài lề sau các cáo buộc chống lại Tổng thống Mahmoud Ahmadinejad năm 2009.

“Việc bầu chọn nên Rohani đã làm được hai điều cho chế độ này, đó là mang lại cơ hội thống nhất trong chỉ đạo và hàn gắn dân tộc” – một thành viên cấp cao của ủy ban tư vấn chính sách và kinh tế của Iran cho biết. “Lãnh đạo Tối cao Khamenei vô cùng cần hai điều này để có thể đương đầu với sức ép từ quốc tế”.

Phép thử lớn cho quân sư giỏi

Tổng thống đắc cử Rohani không phải là một nhà cải cách triệt để, nhưng mặt khác, ông lại được coi là một trong những người thông thạo nhất vấn đề hạt nhân Iran. Rohani từng được Lãnh đạo Tối cao Khamenei bổ nhiệm vào Hội đồng An ninh Quốc gia, chịu trách nhiệm về các chính sách quốc phòng và hạt nhân rất nhiều lần trong suốt hơn hai thập kỷ qua.

Nắm rõ tình thế hiện nay của Iran khi mắc kẹt trong các lệnh trừng phạt của phương Tây vì chương trình hạt nhân, Rohani đã đặt vấn đề này vào trọng tâm trong chiến dịch tranh cử. Ông tận dụng lợi thế từng làm trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Iran dưới thời Tổng thống Mohamad Khatami. Khi đó, Iran đã né tránh được các lời đe dọa chiến tranh và lệnh trừng phạt nhằm vào Tehran.

Tuy nhiên, tình hình mà ông Rohani lúc này phải đối mặt còn phức tạp và rối ren hơn nhiều so với trước kia. Cuộc xung đột tại Syria đang càng lúc càng xấu hơn, Iran có thể mất đi một đồng minh quan trọng trong khu vực. Các lệnh trừng phạt nhằm vào Iran nặng nề hơn bao giờ hết, khiến sản lượng dầu của nước này giảm xuống chỉ còn khoảng một triệu thùng/ngày. Đồng tiền của Iran cũng mất giá mạnh.

Rohani cho rằng muốn làm việc với cả thế giới thì phải thông qua đối thoại ôn hòa, chứ không phải bằng những lời lẽ phòng thủ.

“Chúng ta phải tính toán các lợi ích quốc gia. Có các lò phản ứng ly tâm để vận hành cũng rất tốt, nhưng phương kế sinh nhai của người dân vẫn phải duy trì, các nhà máy vẫn phải hoạt động” – Rohani nói trong một cuộc tranh luận trước ngày bầu cử.

Nắm rõ điều này, Washington tất nhiên không muốn bỏ qua cơ hội để đối thoại với Iran một lần nữa.

Các phụ tá chính sách đối ngoại hàng đầu của Tổng thống Obama ngay lập tức đã nói rằng họ lên kế hoạch để gây sức ép với Tổng thống đắc cử Iran để nối lại đàm phán về chương trình này.

Thực tế là tại Iran vị lãnh đạo tối cao duy nhất của đất nước này là Ayatollah Ali Khamenei mới là người đưa ra quyết định cuối cùng xem có nên nhượng bộ phương Tây hay không chứ không phải Tổng thống, dẫu vậy, Washington vẫn nói họ muốn thử ông Rohani càng sớm càng tốt.

Vì mặc dù Rohani có chủ trương đường lối ôn hòa trong cách làm việc với Mỹ và các đồng minh, nhưng ông cũng chính là người năm 2006 giúp Iran đã tận dụng thời gian trì hoãn làm giàu hạt nhân trước đó để có những bước đi dài trong việc xây dựng hạ tầng hạt nhân của mình.

Với thắng lợi của ông Rohani, trong tương lai gần, các cuộc đàm phán về hạt nhân của Iran có nhiều khả năng nối lại và theo hướng ôn hòa hơn, nhưng chưa ai – đặc biệt là Israel – có thể cảm thấy vững tin rằng chương trình sẽ mang lại một lối thoát khả thi khi mà niềm tin giữa các bên không có cơ hội tồn tại.

Ông Rohani từng để lộ quan điểm của ông về chiến lược đàm phán hạt nhân hai năm sau một bài phát biểu năm 2004. “Trong khi nói chuyện với phương Tây tại Tehran, chúng tôi đã kịp lắp đặt các thiết bị ở một cơ sở tại Isfahan” – ông Rohani nhớ lại. “Bằng việc tạo ra một môi trường êm đềm, chúng tôi có thể hoàn tất công việc tại Isfahan”.

Ông Rohani cũng lưu ý một điều mà các quan chức Mỹ và Iran lúc này thường lặp lại: “Chúng tôi không tin tưởng vào họ” – Rohani nói về phương Tây. “Đáng buồn là họ cũng không tin chúng tôi. Họ nghĩ là chúng tôi lừa họ và chúng tôi cũng nghĩ tương tự rằng họ đang muốn lừa và bịp chúng tôi”.

Lê Thu (tổng hợp)