Theo một tài liệu bị kẻ tiết lộ bí mật Edward Snowden phanh phui, năm 2009, gián điệp Mỹ đã nghe trộm điện thoại tối mật của Tổng thống Nga thời đó, Dmitry Medvedev, khi ông công du London.
Tài liệu trên cũng cho biết, một cơ quan tình báo Anh - GCHQ, đã giám sát các chính trị gia nước ngoài và xem trộm thư điện tử của họ, trong đó có Tổng thống Nga Medvedev, khi Hội nghị thượng đỉnh G20 được tổ chức ở thủ đô London. Một số đại biểu còn bị lừa dùng internet ở các quán cà phê do cơ quan tình báo Anh mở ra nhằm đọc thư từ của họ.
Thông tin gây choáng trên được tiết lộ khi Hội nghị thượng đỉnh G8 lần thứ 39 theo kế hoạch diễn ra vào hôm nay (17/6) tại thị trấn nghỉ mát Lough Erne ở bắc Ireland. Đại diện tất cả những nước từng có mặt tại hội nghị hồi 2009 cũng có mặt.
Theo tài liệu bị rò rỉ, chi tiết vụ nghe trộm điện thoại của ông Medvedev đã được trình bày trong một cuộc họp báo ngắn do cơ quan an ninh quốc gia Mỹ (NSA) chuẩn bị và nó được chia sẻ cho các quan chức cấp cao của Anh, Australia, Canada và New Zealand. Tài liệu trên được soạn thảo vào tháng 8/2009, bốn tháng sau khi Tổng thống Nga dự Hội nghị G20 tại London.
Sau bê bối rò rỉ thông tin của NSA, quan chức Mỹ tuyên bố rằng chiến thuật do thám khổng lồ của nước này là vô cùng quan trọng trong cuộc chiến chống khủng bố. Tuy nhiên, những tiết lộ gần đây về hành động của NSA và cơ quan truyền thông chính phủ Anh (GCHQ) cho thấy, đó không chỉ đơn thuần là một vụ gián điệp.
Những thông tin mà các nhà phân tích của GCHQ thu nhận được đã mau chóng được chuyển cho các đại diện Anh tại Hội nghị G20, giúp họ có lợi thế trong các cuộc thương thuyết.
Trong hội nghị thượng đỉnh ở London, GCHQ đã dùng "một năng lực tình báo vượt trội" để nghe lén liên lạc của các đại biểu nước ngoài. Cơ quan tình báo trên lập ra các quán cà phê internet, nơi họ dùng chương trình chặn thư điện tử và cài phần mềm keylog để giám sát các đại biểu sử dụng máy tính. Ngoài ra, cơ quan này còn đột nhập vào điện thoại BlackBerry của các đại biểu để giám sát các cuộc gọi và tin nhắn của họ.
- Hoài Linh (Theo Guardian, RT)