Liệu Syria sẽ làm Chiến tranh thế giới 3 nổ ra? Đó là câu hỏi đáng sợ được đặt ra khi chiến tranh Syria đang hút nhiều nước vào cuộc
Cuộc khủng hoảng ở Syria dường như không hơn hoặc kém một cuộc nội chiến tại quốc gia nơi nhiều người đang đấu tranh để có một chỗ trên bản đồ. Tuy nhiên, hơn thế nữa, nó mau chóng trở thành một cuộc tranh đấu phe phái để giành quyền lực, vốn đã lan khắp Trung Đông và có khả năng nhấn chìm toàn bộ khu vực vào một cuộc tranh giành quyền lực chết người giữa hai hệ tư tưởng đối kháng nhau là Sunni và Shia.
Hiện thời, cuộc chiến ở Syria làm 93.000 người chết và 1,6 triệu người đi lánh nạn, hàng triệu người di dời chỗ ở. Những con số này tiếp tục tăng trong bối cảnh có nhiều báo cáo về tội ác kinh hoàng ở cả hai phía. Mức độ tàn bạo thật khủng khiếp. Tuần này, có tới 60 người Hồi giáo Shia bị thảm sát trong một cuộc tấn công của chiến binh nổi dậy tại thành phố Hatla, đông Syria.
Xung đột nổ ra vào năm 2011 với những đợt biểu tình hòa bình chống chính quyền của Tổng thống Bashar al-Assad, người mềm mỏng hơn, được kế thừa quyền lực của ông bố Hafez, nắm quyền ở Syria từ 1970 tới 2000 bằng cây gậy sắt. Phản ứng của ông Hafez với những người chống đối từ nhóm Anh em Hồi giáo Sunni là xóa sổ một ngôi làng 20.000 người.
Lo sợ Syria sẽ đối mặt với biểu tình như những cuộc biểu tình từng lật đổ nhà cầm quyền Tunisia, Ai Cập và Libya trong "Mùa xuân Ả rập", lực lượng an ninh của Tổng thống Bashar al-Assad đã dùng xe tăng, súng máy để giải tán người biểu tình. Tuy nhiên, hành động đó chỉ đổ thêm dầu vào lửa.
Phe đối lập đã phát triển thành lực lượng nổi dậy có vũ trang và hiện Syria đang chìm trong cuộc nội chiến, vốn thoái hóa thành xung đột phe phái. Một bên là những người theo Tổng thống Assad, vốn thuộc về Alawites - một nhánh tách ra từ đạo Hồi dòng Shia. Bên còn lại là liên minh lỏng lẻo của những người nổi dậy từ nhóm Sunni, một số trong đó có quan hệ mật thiết với thành viên Al Qaeda dòng Sunni.
Hiện nay, ở Syria cũng như trên toàn Trung Đông, sự phân chia là một hố sâu mà trong đó, hệ tư tưởng đóng một vai trò rất quan trọng.
Trụ cột chính trong chính quyền của ông Assad hiện là quân đội, lực lượng tình báo và những người Baath. Xương sống sức mạnh của Tổng thống này được gia cố bằng ảnh hưởng của mẹ và chú ông Assad, những người muốn đè bẹp lực lượng nổi dậy Syria. Nhiều doanh nhân giàu có ở Damascus cũng ủng hộ Tổng thống Assad, các tín đồ theo đạo Cơ đốc cũng vậy vì họ sợ một quốc gia Hồi giáo sẽ mau chóng được thành lập nếu ông này bị đổ.
Bởi vì xung đột tại Syria xuất phát từ tôn giáo nên nó có thể dễ dàng thoát khỏi biên giới nước này và kéo thêm các cường quốc khu vực vào cuộc.
Vậy, ai đứng về phía ai? Nói chung, Tổng thống Assad được Iran (sức mạnh Shia chủ chốt ở Trung Đông) và nhóm Hezbollah ủng hộ. Hezbollah là vũ khí chính của Iran trong bất kỳ cuộc chiến nào với Israel. Kết quả là, ông Assad được lực lượng vệ binh cách mạng Iran cố vấn và bảo vệ, cùng với khoảng 5.000 tới 8.000 chiến binh Hezbollah đang chiến đấu trong Syria.
Lực lượng chống lại ông Assad là hàng nghìn chiến binh từ cả vùng đổ vào nước này mỗi tuần. Quân nổi dậy được nhóm Hồi giáo liên quan tới Al Qaeda tại Iraq là Jabhat al-Nusra trợ giúp. Nhóm chống đối này nhận được sự hỗ trợ bằng tiền và súng từ các nước có nhiều người Sunni.
Do sự liên kết phức tạp giữa các quốc gia và bản chất toàn cầu hóa của chính trị quốc tế, khắp nơi trên thế giới có thể cảm nhận ảnh hưởng của cuộc xung đột Syria.
Những gì xảy ra ở Syria ảnh hưởng tới Israel, và những gì ảnh hưởng tới Israel lại liên quan tới Mỹ, đồng minh lớn của nước này.
Dù Tổng thống Obama muốn giảm bớt sự liên quan của Mỹ với Trung Đông do Mỹ
hiện có thể tự dựa vào nguồn dầu và khí của mình thì mối quan tâm về nhân quyền
vẫn hút nhà lãnh đạo này về phía quân nổi dậy Syria. Đó cũng là lập trường của
Anh và Pháp, khi lãnh đạo hai nước này dường như bị lung lay bởi sự tàn bạo đang
xảy ra ở Syria, vốn được phơi bày qua truyền thông xã hội.
Tuy nhiên, trong khi những nước lãnh đạo NATO tỏ ra thông cảm với quân nổi dậy
thì Nga và Trung Quốc lại ủng hộ Tổng thống Assad. Nga và Trung Quốc cảm thấy bị
phương Tây lừa như những gì xảy ra với chính quyền Libya và quyết tâm không để
Tổng thống Assad bị lật đổ và giết hại như Gaddafi.
Vì thế, cuộc chiến ở Syria gây ảnh hưởng tới toàn khu vực và có thể tạo ra hiệu ứng domino
- Hoài Linh (Theo DailyMail)